Đời sống

Quét ngõ cũng như tập thể dục

Quét ngõ cũng như tập thể dục, đó là chia sẻ của bà Vũ Thúy Long (76 tuổi, ngõ 3B Đặng Thái Thân, Hà Nội).

Với bà Vũ Thúy Long, quét ngõ cũng như tập thể dục.

Không ai làm thì mình làm

9 rưỡi sáng tôi đến, bà Long vừa mới đi quét ngõ về vì tối qua mưa dông, lá rụng nhiều nên phải quét dọn lâu hơn mọi ngày.

Ngày bình thường bà vẫn quét từ 4h30 đến 7h30. Bắt đầu từ chân cầu thang khu tập thể nhà mình ra đến tít đầu ngõ, một đoạn khá dài, rồi quét tiếp lên ngã tư, lại xuôi xuống tận ngõ 1A. Xong thì về chợ búa, tắm giặt rồi đi ngủ một giấc vì làm mấy tiếng như thế cũng mệt, người ướt đẫm mồ hôi như tập thể dục vậy.

Bà Long kể, trước đây, mỗi tổ dân phố như thế này vẫn có người bên môi trường quét dọn. Nhưng gần đây chả hiểu giảm biên chế thế nào thành ra 1 người phải phụ trách 2 tổ, mà cũng không quét, họ chỉ đi thu rác. Ngoài đường thì có xe cơ giới đi quét đường, nên trong các ngõ không có ai làm.

Một thời gian rác ngập cả lên mà không có người dọn. Phía bên kia đường là khách sạn Hilton, cuối đường là nhà khách quân đội, khách nước ngoài nhiều, cứ để ngõ phố ngập rác thế cũng chướng. Thế là bà mang chổi nhà mình ra quét.

Vận động mãi cũng không ai chịu làm. Thứ nhất là vì bẩn. Thứ hai họ đều nói đó là việc của bên vệ sinh môi trường. Gần 4 năm rồi, vẫn chỉ một mình bà làm.

Bẩn thì đúng là bẩn thật. Trong ngõ còn có chợ nên mấy chỗ để xe rác đã thành nơi nước rác đọng lưu cữu, đến vứt rác người ta còn chả vứt vào thùng, cứ ném ra ngoài, ruồi muỗi bâu đầy. Đã thế đằng sau mấy cái xe rác còn là chỗ để mấy người bán hàng vào đi vệ sinh, hôi thối vô cùng.

Ai cũng thấy là bẩn, đi qua phải bịt mũi, bước cho nhanh, nhưng chẳng ai làm, công nhân dọn vệ sinh cũng chỉ đến lấy rác đi chứ không dọn. Vậy là bà lại xắn tay vào làm, bẩn thỉu kinh người. Ngày nào cũng dọn nên giờ đã đỡ hơn, không còn nước đọng. Và cũng vừa làm vừa nhắc luôn, chứ có khi vừa quét xong, người ta lại vứt rác ra luôn.

Vì tiền thì chẳng bao giờ làm

Bà Long có bệnh huyết áp cao, chân lại đau nên không đi xa được. Trước đây bà có đi tập, nhưng từ ngày quét rác đến giờ, ngày nào cũng vận động cật lực, huyết áp lại ổn định.

Có lẽ vì làm được việc có ích như thế nên đầu óc thanh thản, kể cả người ta có gièm pha gì bà cũng bỏ ngoài tai. Bởi vì bà đã xác định, trước đây trong kháng chiến mình là thanh niên xung phong, nay già rồi việc gì có lợi cho dân cho nước thì làm.

Việc làm của bà cũng được nhiều người ủng hộ. Có người thì khâm phục làm cả thơ tặng. Năm 2015, bà được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng bằng khen người tốt việc tốt, 3 năm liền là gương người tốt việc tốt của hội cựu thanh niên xung phong.

Tổ dân phố thì mua tặng chổi, ủng, găng tay, lại còn đề xuất mỗi tháng bồi dưỡng cho bà 100.000đ, nhưng bà không nhận. Bởi như bà quan niệm, nếu làm vì tiền thì chẳng bao giờ bà làm. Đây là làm việc có ích, mình thấy vui, thấy khỏe thì làm. Thế là một công đôi ba việc.

Nhưng điều buồn nhất với bà là không ai chịu làm cùng. Có người còn bảo, trả 5 triệu/tháng họ cũng không làm vì bẩn thỉu, ảnh hưởng đến sức khỏe. Như ông vẫn thường lo, bà đi quét rác suốt nên hay bị ho.

Nhưng bà bảo, ngày nào không đi quét là không chịu được, là thấy trong người bứt rứt không yên. Thế nên ngày lễ, ngày Tết cũng quét, mưa xong lại ra quét, thậm chí ốm mà ngồi dậy được là vẫn phải ra quét.

Chia tay bà, tôi cứ băn khoăn mãi, công tác môi trường phải bố trí thế nào để các ngõ xóm cũng được dọn dẹp. Nếu không thì chính quyền, tổ dân phố, các đoàn thể phải phân công mọi người cùng làm. Chứ cứ để dồn mãi công việc vào một người như thế này, dù họ có tự nguyện đi nữa, vẫn là không ổn.

Bảo Anh

BẢN DESKTOP