Khám phá

Quê hương Lê Hoàn ở đâu? – kỳ 2: Liêm Cần – đất khởi nghiệp

Liêm Cần – đất khởi nghiệp, nơi đã ghi lại dấu ấn thời kỳ hoạt động quân sự buổi đầu của Lê Hoàn. Những thông tin trong sử cũ cùng với nguồn tư liệu điền dã cho thấy Liêm Cần có một vị trí đặc biệt trong sự nghiệp của ông.

Đền thờ Lê Hoàn ở Liêm Cần.

Những chứng cứ về quê hương Bảo Thái

Cuốn Đại Nam Nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi “Mộ tổ Lê Đại Hành ở bên miếu xã Minh Thái, huyện Thanh Liêm”; cuốn Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sỹ chép “Lê Đại Hành người xã Bảo Thái, huyện Thanh Liêm”;

Cuốn Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim cũng khẳng định: “Lê Hoàn là người Bảo Thái, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam”. Tác giả Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, sau khi điểm lại một số nhận định của các cuốn sử cũ cũng đã nêu quan điểm: “Khâm định Việt sử của quốc sử quán triều Nguyễn chép: Lê Hoàn là người Bảo Thái, huyện Thanh Liêm, Hà Nam…”

Trên đây là các tư liệu nhắc tới quê hương Lê Hoàn là ở làng Bảo Thái còn một nguồn tư liệu hết sức phong phú khác liên quan đến quê Bảo Thái, Hà Nam của Lê Hoàn đó là các di tích và văn hóa dân gian, các ngọc phả thần phả, địa danh… trọng tâm ở xã Liêm Cần.

Từ lâu nhân dân xã Liêm Cần và vùng phụ cận đã lưu truyền một bài vè dài nói về Đinh Bộ Lĩnh trong đó có câu: “Về sau gặp lại Lê Hoàn, quê vùng Bảo Thái, ngoài ngàn Thanh Liêm”. Bảo Thái là tên cũ của xã Liêm Cần, tỉnh Hà Nam. Chứng tích qua địa danh và thực địa liên quan đến Lê Hoàn trên đất Liêm Cần và các xã xung quanh còn lại khá đậm đặc.

Ở xã Liêm Cần còn lăng đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Ở đây còn có ba ngôi đền: Đền Thượng thờ Đinh Tiên Hoàng, đền Trung thờ Lê Hoàn và hai con của ông là Long Việt và Long Đĩnh, đền Hạ thờ công đồng tứ vị Hoàng đế (Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lê Trung Tông, Lê Ngọa Triều) và Tam vị đại vương Nguyễn Minh, Thiên Cương và Nhữ Hoàng Đế, đều là người địa phương theo Lê Hoàn.

Nguồn tư liệu phi vật thể

Tại đây, các nhà nghiên cứu văn học dân gian cũng sưu tầm được 9000 câu lục bát bằng chữ Nôm nói về thời Đinh – Tiền Lê trên địa bàn các xã Liêm Cần, Liêm Túc, Liêm Thuận, Thanh Lưu, Thanh Bình…

Tác phẩm kể về nguồn gốc, lai lịch của Lê Hoàn, con đường đi đến sự nghiệp vẻ vang của ông và các nhân vật có liên quan, đặc biệt là Dương Vân Nga. Tác phẩm này còn nêu lên nhiều địa danh liên quan đến Lê Hoàn lập căn cứ luyện quân trong vùng Bảo Thái như Hàm Rồng, Sông Cùng, Đồng Chấu, Mả Rút.

Một nguồn tư liệu khác bổ sung cho luận điểm quê hương Lê Hoàn là ở Bảo Thái, Hà Nam, đó là các bản Ngọc phả, các bài văn tế, câu đối, đại tự, bài vị… liên quan tới Lê Hoàn, bên cạnh Ngọc phả còn có các bài thơ do các nhà khoa bảng đề vịnh khi đến thăm di tích Lê Hoàn ở Bảo Thái của các cụ Lê Tung, Bạch Đông Ôn.

Như vậy, nguồn sử liệu về văn hóa vật thể và phi vật thể về Lê Hoàn trên đất Hà Nam, đặc biệt ở xã Liêm Cần và các xã lân cận hết sức phong phú, dồi dào. Điều đó chứng tỏ Lê Hoàn có mối liên quan mật thiết với vùng đất này, đã in dấu ấn đậm nét trong tâm thức dân gian.

Sử cũ cũng như các nhà sử học ngày nay cũng đã dành cho việc xác định quê hương Lê Hoàn một sự quan tâm đặc biệt và nhận thấy quê hương của Lê Hoàn là ở Bảo Thái, Hà Nam.

Liêm Cần nay- Bảo Thái xưa là nơi đã ghi lại dấu ấn thời kỳ hoạt động quân sự buổi đầu của Lê Hoàn. Những thông tin trong sử cũ cùng với nguồn tư liệu điền dã cho thấy Liêm Cần có một vị trí đặc biệt trong sự nghiệp của Lê Hoàn. Đó không chỉ là đất khởi nghiệp mà còn là quê hương của ông. Tại đây, còn lưu giữ dấu ấn văn hóa vật thể: Mả Dấu – mộ ông nội Lê Hoàn, đền Lăng và các địa danh phi vật thể: truyền thuyết, ngọc phả về… Lê Hoàn.

Trịnh Dương

BẢN DESKTOP