Môi trường

Quảng Nam: Xử lý nghiêm các hành vi phá hoại rừng dừa nước Bảy Mẫu

  • Tác giả : T. Hòa
(khoahocdoisong.vn) - Thông tin từ UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương đang tiến hành kiểm tra, xử lý các trường hợp phá hoại, xâm hại tài nguyên rừng dừa, đặc biệt tại Khu vực di tích lịch sử văn hóa rừng dừa Bảy Mẫu tại xã Cẩm Thanh (TP. Hội An).

Theo thông tin, các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Quảng Nam và Ban Quản lý du lịch Cẩm Thanh sẽ tiến hành kiểm tra, lập biên bản, tiến hành xử lý nghiêm đối với các trường hợp phá hoại tài nguyên rừng dừa. Cụ thể sẽ xử lý các hành vi như: Bẻ đọt dừa nước, dùng lá để làm quà lưu niệm cho khách; chặt dừa để trang trí thuyền thúng, ngắt lá dừa, chặt bỏ tán dừa bừa bãi…

Tất cả trường hợp vi phạm các nội dung trên sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 35/2019 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. Đối với các trường hợp vi phạm bị phát hiện trên đường bộ sẽ lập biên bản xử lý tại chỗ và tịch thu tang vật vi phạm. Đối với các trường hợp vi phạm bị phát hiện trên sông, ngoài việc xử lý vi phạm hành chính sẽ áp dụng biện pháp tạm dừng hoạt động vận chuyển thuyền thúng tại chỗ, kể cả khi vận chuyển có khách trên phương tiện.

UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, rừng dừa Bảy Mẫu hiện là một trong những điểm đến hấp dẫn đối với du khách khi đến Hội An, đặc biệt là tour khám phá rừng dừa nước bằng thuyền thúng, xem ngư dân biểu diễn lắc thúng chai… Trung bình mỗi ngày điểm đến này đón hàng ngàn lượt khách, tuy nhiên cũng phát sinh hiện tượng chặt phá lá dừa non, sử dụng lá, bông dừa để trang trí thuyền thúng, làm các món quà lưu niệm cho du khách khiến rừng dừa bị tổn thương nghiêm trọng.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, rừng dừa Bảy Mẫu đang bị xâm phạm nghiêm trọng.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, rừng dừa Bảy Mẫu đang bị xâm phạm nghiêm trọng.

Theo ông Nguyễn Hùng Linh, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh, chính quyền TP. Hội An và xã Cẩm Thanh đang nỗ lực kết nối hài hòa các sáng kiến cộng đồng trong khu vực nhằm hỗ trợ bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện sinh kế người dân và phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững. Trong đó tập trung vào các giải pháp, nỗ lực bảo tồn nguyên vẹn rừng dừa này, các hoạt động tuyên truyền trong dân về việc bảo tồn các giá trị của rừng dừa để gắn với phát triển bền vững lâu dài trong tương lai.

T. Hòa

BẢN DESKTOP