Trong nước

Quảng cáo “chui”, Bệnh viện Đa khoa Tâm trí Sài Gòn bị phạt

  • Tác giả : Hữu Thông
Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Tâm trí Sài Gòn (Bệnh viện Đa khoa Tâm trí Sài Gòn) bị Thanh tra Sở Y tế TP HCM phạt 45 triệu đồng do sai phạm liên quan hoạt động quảng cáo.

Quảng cáo sản phẩm, hàng hoá đặc biệt trái phép

Mới đây, Thanh tra Sở Y tế TP HCM công bố các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế. Trong đó,Bệnh viện Đa khoa Tâm trí Sài Gòn bị phạt 45 triệu đồng, do có hành vi quảng cáo sản phẩm hàng hoá đặc biệt không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài phạt tiền, bệnh viện này phải xóa bỏ, tháo dỡ quảng cáo vi phạm.

Ngày 17/4, PV liên hệ với Bệnh viện Đa khoa Tâm trí Sài Gòn qua số điện thoại 0974.508.xxx để tìm hiểu việc chấp hành quyết định xử phạt. Người nghe máy cho biết, “sẽ chuyển thông tin lên lãnh đạo, rồi trả lời sau”.

Bệnh viện Đa khoa Tâm trí Sài Gòn bị phạt 45 triệu đồng. Ảnh: Thanh tra Sở Y tế TP HCM.

Đây không phải lần đầu Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn bị phạt. Trước đó, tháng 1/2017, đơn vị này bị Thanh tra Sở Y tế TP HCM phạt 33 triệu đồng, vì nhiều lý do, trong đó có hành vi nhà thuốc bệnh viện bán thuốc cao hơn thặng dư số bán lẻ tối đa do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định.

Bệnh viện Đa khoa Tâm trí Sài Gòn được thành lập ngày 30/11/2009 (mã số thuế 0303203915, do Chi cục thuế khu vực quận 12 - huyện Hóc Môn quản lý). Ngành nghề kinh doanh chính: Hoạt động của các bệnh viện, trạm xá. Người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Bắc.

Bệnh viện Đa khoa Tâm trí Sài Gòn có trụ sở tại 171/3 Trường Chinh, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP HCM.

Trên website “Tâm trí Sài Gòn” có địa chỉ https://bvtamtrisaigon.com.vn, Fanpage “Bệnh viện đa khoa Tâm trí Sài Gòn” với 8,5 nghìn người theo dõi và nhiều trang web như https://bookingcare.vn/; https://insmart.com.vn/; https://bcare.vn/…, các quảng cáo về bệnh viện, dịch vụ xuất hiện.

Fanpage “Bệnh viện Đa khoa Tâm trí Sài Gòn” quảng cáo dịch vụ: Điều trị đái tháo đường, tiêu hóa, tầm soát ung thư. Ảnh chụp màn hình.

Khi nào được quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt?

Luật sư Võ Quang Vinh (Đoàn Luật sư tỉnh Trà Vinh) cho biết, theo khoản 12, Điều 2, Luật Quảng cáo 2012, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt là sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe con người và môi trường, đơn cử thuốc, mỹ phẩm, sữa, thực phẩm, phụ gia thực phẩm…

Quảng cáo cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt phải đảm bảo các điều kiện:

Quảng cáo thuốc theo quy định của pháp luật về y tế; phải có giấy phép lưu hành tại Việt Nam đang còn hiệu lực và tờ hướng dẫn sử dụng do Bộ Y tế phê duyệt; (hướng dẫn bởi Điều 3 và Điều 12, Nghị định 181/2013/NĐ-CP).

Quảng cáo mỹ phẩm phải có phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về y tế (hướng dẫn bởi Điều 4 và Điều 12 Nghị định 181/2013/NĐ-CP).

Quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế phải có giấy chứng nhận đăng ký lưu hành do Bộ Y tế cấp.

Quảng cáo sữa và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ không thuộc quy định tại khoản 4, Điều 7, Luật Quảng cáo 2012 phải có giấy chứng nhận tiêu chuẩn, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm dinh dưỡng sản xuất trong nước. Sản phẩm dinh dưỡng nhập khẩu phải có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm của cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất và giấy phép lưu hành (hướng dẫn tại Điều 8 và Điều 12, Nghị định 181/2013/NĐ-CP).

Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có giấy chứng nhận đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc giấy tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải công bố tiêu chuẩn (hướng dẫn bởi Điều 5 và Điều 12, Nghị định 181/2013/NĐ-CP).

Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn hành nghề do ngành y tế cấp theo quy định của pháp luật (hướng dẫn bởi Điều 9 và Điều 12, Nghị định 181/2013/NĐ-CP).

Quảng cáo trang thiết bị y tế phải có giấy phép lưu hành đối với thiết bị y tế sản xuất trong nước hoặc giấy phép nhập khẩu đối với thiết bị y tế nhập khẩu (hướng dẫn bởi Điều 7 và Điều 12 Nghị định 181/2013/NĐ-CP).

Quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật, vật tư bảo vệ thực vật phải có giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật. Quảng cáo sinh vật có ích dùng trong bảo vệ thực vật phải có giấy phép kiểm dịch thực vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp (hướng dẫn bởi Điều 10 và Điều 12, Nghị định 181/2013/NĐ-CP).

Quảng cáo thuốc thú y, vật tư thú y phải có giấy phép lưu hành sản phẩm và bản tóm tắt đặc tính của sản phẩm.

Quảng cáo phân bón, chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi phải có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm hoặc văn bản tự công bố chất lượng sản phẩm (hướng dẫn bởi Điều 11 và Điều 12, Nghị định 181/2013/NĐ-CP).

Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về điều kiện quảng cáo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 36, Nghị định 38/2021/NĐ-CP.

Cụ thể, phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Không có tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy theo quy định khi quảng cáo các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; Không có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng theo quy định khi quảng cáo tài sản.

Mức phạt vi phạm hành chính nêu trên áp dụng đối với cá nhân, mức phạt với tổ chức gấp 2 lần mức phạt với cá nhân (khoản 2, 3 Điều 5, Nghị định 38/2021/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định 128/2022/NĐ-CP).

Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định nêu trên.

Trong danh sách lần này, Thanh tra Sở Y tế TP HCM còn xử phạt nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế. Công ty TNHH Phòng khám Quốc tế Amber Beauty (656/45 Cách Mạng Tháng Tám, phường 11, quận 3) bị phạt 8 triệu đồng, tước giấy phép hoạt động 3 tháng. Đơn vị này không đảm bảo một trong những điều kiện sau khi được cấp giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh đối với cơ sở khám, chữa bệnh, trừ phòng khám đa khoa và bệnh viện.

Bà Đỗ Thị Thuỳ Dung (Y sĩ Công ty TNHH Phòng khám Quốc tế Amber Beauty) bị phạt 35 triệu đồng, do có hành vi khám chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh.

Ông Nguyễn Phước Lộc - Chủ hộ kinh doanh DG Luxury (42 đường Hoàng Trọng Mậu, phường Tân Hưng, quận 7, TP HCM) bị phạt 35 triệu đồng, vì quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh khi chưa có giấy phép. Ngoài phạt tiền, cơ sở còn bị buộc tháo dỡ, xóa quảng cáo vi phạm.

Cũng với hành vi này, bà Nguyễn Thị Hoài An (15 Đặng Thai Mai, phường 7, quận Phú Nhuận, TP HCM) bị phạt 35 triệu đồng, buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo.

Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến và ông Dương Thanh Trí (cùng địa chỉ 138-138B Lý Tự Trọng, phường Bến Thành, quận 1), mỗi người bị phạt 35 triệu đồng, vì khám, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh.

Hữu Thông

BẢN DESKTOP