Khám phá

Quan thanh liêm thời xưa và nay

Thời nào cũng có tham quan, nhũng nhiễu, vơ vét tiền bạc của dân, làm hao tổn ngân khố quốc gia. Đồng thời, cũng có không ít những vị quan thanh liêm, chính trực, hết lòng phụng sự cho dân, cho nước, để lại danh thơm truyền mãi trong lịch sử.

Mạc Đĩnh Chi không nhận tiền

Tượng thờ Mạc Đĩnh Chi tại Bắc Ninh

Mạc Đĩnh Chi, sinh năm 1280, quê làng Lũng Động, Chí Linh, Hải Dương; làm quan rất thanh liêm nên gia đình thường nghèo túng.

Chuyện kể rằng, sau khi lo cho đám tang của mẹ, cuộc sống của ông vốn thanh bạch giờ lại càng đạm bạc hơn. Vua Trần Minh Tông biết chuyện liền hỏi một viên quan tin cẩn: – Ta muốn trích ít tiền trong kho cho người đem đến biếu Mạc Đĩnh Chi, làm thế liệu có được không?

Viên quan nọ tâu: – Thần biết rõ Mạc Đĩnh Chi. Nếu cho người đem tiền đến, ông ấy sẽ không nhận đâu. Thần nghĩ chỉ có cách lén bỏ tiền vào nhà, ông ấy không biết phải trả cho ai thì mới nhận.

Nhà vua ưng thuận sai người đang đêm bỏ một gói tiền vào nhà Mạc Đĩnh Chi.

Sáng hôm sau thức dậy, Mạc Đĩnh Chi thấy gói tiền trong nhà liền đem vào triều trình vua Minh Tông: – Tâu hoàng thượng, đêm qua ai đã bỏ vào nhà thần gói tiền này. Thần ngờ rằng đó là tiền của một người muốn đút lót thần để nhờ vả việc gì đó. Vậy thần đem tới, xin hoàng thượng cho nộp tiền này vào công quỹ.

Vua Minh Tông đáp: – Khanh có khó nhọc giúp người ta mới cho. Cứ coi đó là tiền của mình cũng được chứ sao?

– Phàm của cải không do tay mình làm ra thì không được tơ hào đến, Mạc Đĩnh Chi khẳng khái tâu.

Vua Trần Minh Tông rất cảm kích trước tấm lòng trung thực, liêm khiết, trọng nhân cách hơn tiền bạc của ông. Vua đành giữ lại tiền rồi cho Mạc Đĩnh Chi lui.

Lê Thánh Tông thử Vũ Tự

Thời vua Lê Thánh Tông, đất nước hưng thịnh nhờ  có vua anh minh và thẳng tay trừng trị tham nhũng. Lê Thánh Tông chủ trương không dùng kẻ nịnh bợ, chỉ trọng người ngay thẳng, vì thế những kẻ luồn cúi nịnh bợ không có chỗ chốn quan trường.

Vua từng nói:  “Người quân tử là cội gốc để tiến lên trị bình, kẻ tiểu nhân là thềm bậc dẫn đến họa loạn. Ta và các ngươi đã thề với trời đất dùng người quân tử, bỏ kẻ tiểu nhân, ngày đêm chăm chăm không lơi. Các ngươi chớ có quên đấy!”

Trong bộ luật Hồng Đức, nhà vua đã định rõ tội danh và hình phạt với các quan lại tham nhũng. Từ đó, hạn chế rất nhiều nạn tham nhũng, đánh dấu thời kỳ toàn thịnh trong lịch sử đất nước.

Nghe nói, Vũ Tự là một vị quan rất thanh liêm, nên vua Lê Thánh Tông quyết định thử xem tin đồn có thật hay không.

Vua biết có một người vừa được Vũ Tự xử thắng kiện liền bí mật gửi cho người này đem một mâm lễ vật quý, đưa cho Vũ Tự để cảm ơn vì đã xử thắng kiện.

Vào đêm khuya người này mang lễ vật tới. Sau khi cảm ơn vì được xử thắng kiện, Vũ Tự hỏi: – Anh biết ta là ai? Việc xét xử là theo luật vua ban, anh cho ta là người thế nào mà dám làm chuyện phi pháp này?

– Bẩm thượng quan, tập tục là thế, đây là tấm lòng thành tri ân…

– Ta há phải theo tập tục quái gở này để chịu ô danh như những kẻ tham lam khác hay sao?

Nói xong, Vũ Tự sai gia nhân đuổi người này cùng lễ vật ra khỏi tư dinh.

Vua Lê Thánh Tông sau đó tặng Vũ Tự chữ “liêm tiết” đính vào cổ áo triều phục mỗi khi vào bàn việc quốc sự.

Nhắc lại chuyện xưa để thấy rằng, trong ý thức người làm quan muốn giữ mình trong sạch, thanh liêm, bất kỳ thời nào, đều phải cảnh giác đối với chuyện quà cáp và hậu quả của nó.

Dân ta “duy tình hơn duy lý”. Vì thế ngay cả các quan chức trong bộ máy công quyền nhiều khi vẫn mang nặng dấu ấn tình cảm trong hành xử việc công.

(còn nữa)

TS Nguyễn Thành Hữu

BẢN DESKTOP