Đời sống

Quan tâm, chia sẻ cùng con cháu

Bà Trương Thị Huệ (61 tuổi ở Liêm Tiết, Thanh Liêm, Hà Nam) sống trong gia đình bốn thế hệ gồm: Bố chồng bà năm nay gần 90 tuổi, vợ chồng bà, vợ chồng con trai và hai người cháu. Gia đình đông đúc, tâm lý lứa tuổi khác nhau nhưng chưa bao giờ hàng xóm nghe được tiếng nặng, tiếng nhẹ của các thành viên trong gia đình bà.

Người bà, người mẹ đảm đang

Gia đình bà Huệ sống nhờ nghề nông. Cả nhà cày cấy 1,4 mẫu ruộng nên lúa gạo dư dả, không những đủ ăn mà còn đủ cho cả chăn nuôi. Bà tăng gia thêm lợn, gà, vịt, đào ao thả cá để chủ động nguồn thực phẩm cho cả gia đình.

Bà bảo: “Ở nông thôn đồng tiền kiếm khó, nếu không tự túc được lương thực thực phẩm thì quanh năm chỉ luẩn quẩn với cái đói, con người bần hàn không nghĩ được việc gì lớn”. Dành hết vất vả về mình, bà tổ chức việc nhà, việc cho từng thành viên đâu ra đấy. Vào ngày mùa, ngày cày cấy, cả nhà dồn sức vào làm ruộng.

Quanh nhà dư đất, bà trồng các loại rau để tự túc phần lớn nguồn rau cho gia đình. Vào ngày nông nhàn, con dâu bà đi may cho nhà máy, con trai tham gia công trình xây dựng BV Việt Đức, BV Bạch Mai tại quê nhà. Chồng bà cũng tham gia công trình này, phụ trách phần kéo cáp điện.

Bố chồng bà 90 tuổi được trời thương, phú cho sức khỏe vẫn giúp bà việc trông cháu, chăn bò hay dọn dẹp nhà cửa. Cả ngày bà ở nhà quanh quẩn ruộng vườn, chăm sóc đàn gà lợn, lo các bữa ăn cho mọi thành viên trong gia đình. Làm việc quần quật nhưng người khỏe ra, hoạt bát.

Dù 61 tuổi mà trông bà chỉ khoảng 50. Ngoại trừ cái chân mắc bệnh khớp khiến bà phải uống thuốc, có lúc không đi được nhưng hết bệnh bà lại vui, không bao giờ để cho chân tay nghỉ ngơi.

Bà Huệ trông cháu cho các con đi làm

Người mẹ thứ hai của các cháu

Bà Huệ sinh được 4 con trong đó có hai con gái, hai con trai. Con trai lớn của bà công tác tại khu công nghiệp Biên Hòa. Anh con trai lớn đã lập gia đình, có hai con trai. Lần nào vợ chồng anh sinh cháu, bà cũng khăn gói vào hỗ trợ. Gọi là hỗ trợ nhưng cháu lớn, cứng cáp bà mới ra Bắc.

Khi vợ chồng anh chuẩn bị sinh cháu thứ hai, trước đó bà đem cháu lớn ra chăm sóc giúp. Bà bảo: “Làm công chức nhà nước áo trắng cổ cồn không sướng đâu. Sáng vợ chồng chúng nó đi làm từ sớm, tối mịt mới về, con cái ăn uống vất vưởng. Mình có chân, có tay, có thời gian chả nhẽ không đỡ đần con.

Thương chúng nó sống xa xôi nên mỗi lần vào là tôi cố gắng ở lâu lâu cho cháu thật cứng mới ra”. Các cháu con anh lớn rất quý bà. Có lần cháu đòi theo bà ra Bắc và ở với bà hơn hai năm. Cháu quen gọi bà xưng con, coi bà như người mẹ của mình.

Hai con gái của bà Huệ lấy chồng cùng làng, cả hai đều làm nông nghiệp cùng gia đình chồng. Dù việc nhà bận rộn nhưng hễ nhà con gái có công to việc lớn, sửa sang nhà cửa, làm sân…bà đều lăn vào phụ giúp. “Mình làm nông nghiệp, không giàu có gì, không có tiền thì có công giúp các con.

Ốm đau thì không kể chứ khỏe mạnh mà ngồi không chân tay buồn bực lắm”- bà nói. Với anh con trai nhỏ mà bà đang sống cùng, vợ chồng anh thấy bà bận tối ngày, luôn chân luôn tay nên cũng học theo bà. Rời việc đồng ruộng là vợ vào nhà máy may gia công kiếm thêm thu nhập, chồng làm thêm ngoài công trình. Con cái của anh chị cứ đẻ ra là ăn cùng bà, ở cùng bà, chúng gọi bà xưng con, đi đâu cũng bám bà như hình với bóng.

Gần gũi hàng xóm

Cả nhà làm nông nghiệp, không rủng rỉnh gì nhưng hàng xóm có việc cười, việc khóc bà Huệ đều nhiệt tình tham gia. Khi ốm, không đến dự được, bà cắt cử con cháu đi thay. Sống hòa thuận với xóm giềng cả làng, cả xã đều biết gia đình bà, đến đâu bà cũng được nhiều người giúp đỡ.

Bà kể: “Bố chồng tôi 90 tuổi vẫn đạp xe ra đường. Cụ buồn nên đi chơi hết nhà này sang nhà khác. Tôi bảo, bố đi ít thôi không va vào ai người ta phải đền khổ người ta ra. Cụ nói, không đi được tức là chết đấy, còn sức còn đi cho khỏe, cho có tình cảm bà con lối xóm. Cụ đi nhiều đến nỗi chiếc xe cà tàng tã hết ra, đem ra tiệm sửa, họ biết gia đình mình đứng đắn nên cho mượn chiếc xe mới của họ đi tạm, sửa xong thì đem xe trả họ”.

Thấy bà Huệ vất vả quanh năm, dịp tết tây vừa rồi, con cháu dành hết việc nhà, giải phóng cho bà lên Hà Nội chơi với chị gái vài hôm. Dù các con đã hiểu rõ cách tổ chức công việc của bà nhưng bà vẫn cắt cử công việc đâu ra đấy.

Ngồi ôm cháu trên Hà Nội mà bà chưa yên tâm, vẫn gọi điện về hỏi han sức khỏe từng người, hỏi han việc nhà. Mọi người bảo: “Một người lo bằng cả kho người làm”, bà chỉ cười, còn sức còn giúp con cháu, mình làm là một chuyện nhưng qua đó, xây dựng nếp nhà để các con sau này biết còn theo.

Đỗ Thị Hương

Từ Khoá

BẢN DESKTOP