Khám phá

Quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng và tài xử án

Quan Nội tán

Hình minh họa.

18 tuổi đã ra làm quan

Nguyễn Khoa Đăng (1690- 1725) sinh tại huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên – Huế). Trong bộ Quý hương tiên nguyên dã sử của làng Triệu Tường, tỉnh Thanh Hóa có đoạn chép về dòng họ Nguyễn Khoa như sau: Ông Nguyễn Ư Kỳ, nguyên Thái phó triều Lê và là cậu ruột của Nguyễn Hoàng.

Năm 1557 Nguyễn Ư Kỳ theo Nguyễn Hoàng vào trấn miền Nam, khi đi có dẫn theo một người con nuôi mới lên sáu tuổi tên là Nguyễn Đình Thân (1553 – 1633), vốn là người làng Trạm Bạc, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay là tỉnh Hải Dương).

Ông Thân sau đó làm tướng trải hai triều chúa là Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Nguyên; con cháu ông thay nhau làm quan cho các chúa Nguyễn:

Nguyễn Đình Khôi (1594 – 1678), con Nguyễn Đình Thân, tước Thuần Mỹ nam; năm 1636, chúa Nguyễn dời phủ chúa từ Bắc Thuận Hóa về làng Kim Long (Hương Trà, Thừa Thiên), ông Khôi nhập tịch ở huyện ấy và được phép chúa đổi thành họ Nguyễn Khoa.

Nguyễn Khoa Danh (1632 – 1697), con ông Khôi, tước Cảnh Lộc bá. Nguyễn Khoa Chiêm là con duy nhất của Nguyễn Khoa Danh, làm quan đến chức Thượng thư bộ Lại, tước Bảng Trung hầu và là một danh sĩ giỏi thơ văn, tác giả của Nam triều công nghiệp diễn chí soạn vào năm 1719. Và Nguyễn Khoa Đăng, con thứ ba của Nguyễn Khoa Chiêm.

Nguyễn Khoa Đăng vốn thông minh từ nhỏ, mười tám tuổi ra làm quan, lần lượt trải đến chức Nội Tán kiêm Án Sát Sứ, Tổng Tri Quân Quốc Trọng Sự, tước Diên Tường hầu vào năm Nhâm Dần 1722, nổi danh là người có mưu lược, trung thực và đức độ.

Bị cướp giết

Theo Trang thông tin dòng họ Nguyễn Khoa thì vào mùa hạ năm Ất Tỵ (1725) Nguyễn Phúc Chu qua đời. Nguyễn Khoa Đăng đang bận việc quân ở Cam Lộ (Quảng Trị).

Chưởng dinh Nguyễn Cửu Thế (1666 – 1730), con trai thứ ba của Nguyễn Cửu Ứng) là một quyền thần vốn ganh ghét ông, thừa cơ mạo chiếu giả để gọi ông về triều; khi đi được nửa đường thì bị ám sát chết.

Sách Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam cho biết: Tính ông cương trực, khiến đám quyền thần và bọn cường hào ác bá đều kiêng oai. Tuy nhiên do quá cứng rắn, thiếu cảnh giác, ông bị kẻ cướp giết chết… Hôm ấy là ngày 29/4/Ất Tỵ (1725) hưởng dương 35 tuổi và ông đã làm quan được 17 năm.

Nguyễn Khoa Đăng có vợ là bà Phạm Thị Tý, sinh bốn con trai và một con gái. Nguyễn Khoa Đăng có nhiều con cháu đã làm nên danh phận, nổi bật trong số đó có Nguyễn Khoa Toàn (1724 – 1789), võ tướng đời chúa Nguyễn Phúc Thuần; làm quan trải đến chức Tham chính, coi bộ Hộ và bộ Binh, khi mất được tặng Vô tích Thượng Khanh.

Nguyễn Khoa Kiên (? – 1775), cháu nội, con Nguyễn Khoa Toàn, cũng là võ tướng đời chúa Nguyễn Phúc Thuần. Ông có sức mạnh, lại có trí dũng, mưu lược, được người đương thời xưng tụng là “Triệu Tử Long”.

Năm 1775, cha ông phò chúa Nguyễn chạy vào Gia Định, ông ở lại ra sức cản ngăn không cho đối phương đuổi theo thuyền chúa Nguyễn.

Gặp trận gió lớn, thuyền bị chìm, rạt vào cù lao Ba Bánh. Quân Tây Sơn bắt được ông và chở ra Quy Nhơn; không dụ hàng được, ông bị giết chết.

Nguyễn Khoa Minh (1778 – 1837), em ruột ông Nguyễn Khoa Kiên, năm Minh Mạng thứ 10 (1829), được lãnh chức Thượng thư bộ Lễ, tước Thành Mỹ Hầu. Nguyễn Khoa Hào (1799-1849), em ruột Nguyễn Khoa Minh.

Nhờ học lực giỏi, năm 1803, dưới triều Gia Long, được bổ làm Thị Thơ không phải thi. Năm 1828, ông giữ chức Thượng thư bộ Lễ, sau đó là bộ Binh…

(còn nữa)

Nguyễn Thành Trung

BẢN DESKTOP