Khoa học & Công nghệ

Quan niệm chưa đúng về sữa của cha mẹ có thể làm trẻ chậm phát triển

Những hiểu lầm về sữa và vai trò của ăn dặm của cha mẹ có thể khiến bé thiếu hụt chất dinh dưỡng.

Một báo cáo gần đây của nhóm TS. Motuma A.A. Viện Y Tế Cộng Đồng, Ethiopia cho thấy nhiều cha mẹ suy nghĩ chưa đúng về vai trò ăn dặm cho trẻ dưới 2 tuổi. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ thiếu hụt chất dinh dưỡng, chậm hoặc bỏ lỡ cơ hội phát triển cũng như thiết lập thói quen ăn uống tốt ở các bé.

Quan niệm 1: 6 tháng -1 tuổi, sữa là chính, ăn dặm là phụ

Sai lầm của quan niệm này thường dẫn đến bỏ qua vai trò của ăn dặm, cho trẻ uống sữa bù.

Chúng ta nên hiểu lại cho đúng. 6 tháng-1 tuổi, sữa là nguồn cung cấp năng lượng chính nhưng ăn dặm chiếm một phần không nhỏ (30-40%) năng lượng cần nạp cho bé.

Ăn dặm rất quan trọng cho phát triển kỹ năng cảm nhận vị giác, mùi vị thức ăn và học về hành vi ăn uống. Ảnh: Kknews

Ăn dặm rất quan trọng cho phát triển kỹ năng cảm nhận vị giác, mùi vị thức ăn và học về hành vi ăn uống. Ngoài ra, ăn dặm sẽ giúp bổ sung một số chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ trong giai đoạn này.

Quan niệm 2: Trẻ 1-2 tuổi, sữa vẫn rất quan trọng

Nhiều cha mẹ cho rằng cứ mua sữa cho bé hoặc vẫn duy trì tăng lượng sữa theo độ tuổi. Điều này có thể làm bé biếng ăn, nguy cơ thiếu hụt chất dinh dưỡng và chậm tăng trưởng.

Trẻ phát triển lớn hơn sẽ bú nhiều? Thực tế, các bé tự điều chỉnh, thân hình ít bụ bẫm, giảm lượng bú cho phù hợp. Sự thay đổi về thể trạng đôi lúc làm mẹ lúng túng và lo lắng, ép con ăn có thể làm trẻ biếng ăn và bú sữa.

Từ 1 đến 2 tuổi, sữa bắt đầu cần thay thế dần bởi thức ăn dặm do nhu cầu năng lượng và chất dinh dưỡng tăng dần. Do đó, như sự phát triển tự nhiên, trẻ sẽ bắt đầu ‘chán’ sữa, nhưng vẫn có một số bé vẫn còn duy trì thói quen uống sữa rất nhiều sau 1 tuổi.

Duy trì sữa quá nhiều sẽ làm lượng ăn của bé giảm lại. Do đó, lời khuyên dành cho bé bú sữa công thức hoặc sữa tươi thanh trùng là dưới 500 ml/ngày. Trẻ bú mẹ vẫn được khuyên bú theo nhu cầu (theo sự phát triển tự nhiên, trẻ bú mẹ sẽ tự điều chỉnh lượng bú và thời gian bú), riêng việc bú đêm của bé nên cắt giảm nếu bé tăng trưởng bình thường.

Từ 1 đến 2 tuổi, sữa bắt đầu cần thay thế dần bởi thức ăn dặm do nhu cầu năng lượng và chất dinh dưỡng tăng dần. Ảnh: Pediatricblog

Độ tuổi 1-2 là khoảng thời gian phát triển nhanh về mặt nhận thức của não bộ. Đây là thời điểm tốt để trẻ học về cách phối hợp mùi vị trong thức ăn, cách nhai và hành vi khi ăn uống. Chúng rất tốt cho việc phát triển thói quen ăn uống lành mạnh sau này. Năng lượng từ thức ăn dặm lúc này sẽ chiếm từ 60-70%.

Sau 2 tuổi, sữa chỉ được xem như một phần thức uống bổ sung dưỡng chất như canxi và protein. Bạn có thể đa dạng nguồn sữa như sữa tươi có hương, sữa đậu nành, sữa mè đen.. Hoặc thay thế sữa bằng cách làm bánh từ sữa, sữa chua, phô mai để đa dạng khẩu phần và giúp trẻ đỡ ngán.

Bài viết của bác sĩ Anh Nguyễn, thành viên của Hiệp Hội Dinh Dưỡng Lâm sàng Anh Quốc, Chuyên khoa Dinh dưỡng Nhi, ĐH Worcester.

Tài liệu tham khảo:

– Motuma A.A. et al. (2016) Complementary Feeding: Review of Recommendations, Feeding Practices, and Adequacy of Homemade Complementary Food Preparations in Developing Countries – Lessons from Ethiopia. Frontier Nutrition. 41(3).

Theo Bác sĩ dinh dưỡng Anh Nguyễn/News.zing.vn

BẢN DESKTOP