Bình luận

Quản đèn đỏ kiểu “mắt nhắm mắt mở”

Người làm luật cần thay đổi cách nhìn đối với mua, bán dâm trong xu hướng xã hội phát triển. Tình dục phải được coi như một nhu cầu thiết yếu của con người.

Không thừa nhận lập “phố đèn đỏ”, nhưng cần phải quản lý theo kiểu “mắt nhắm, mắt mở”, PGS.TS Chung Á, nguyên PCT UBQG về phòng chống HIV/AIDS và ma túy, mại dâm chia sẻ.

đèn đỏ

PGS.TS Chung Á trò chuyện cùng PV KH&ĐS. Ảnh Trần Hải.

Đặc khu kinh tế vẫn phải tuân thủ  luật pháp

Đề xuất mở “phố đèn đỏ” đối với các đặc khu kinh tế của Việt Nam đang nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của dư luận và gây tranh cãi. Quan điểm của ông, một nhà xã hội học, chuyên gia  của Ủy ban Quốc gia PC AIDS và phòng chống tệ nạn Ma túy, mại dâm của Chính phủ  như thế nào về vấn đề này?

Tất nhiên, đối với các đặc khu kinh tế thì sẽ có những điều bổ sung, ưu tiên hơn mà luật pháp phải qui định, nhưng về bản chất trong việc quản lý xã hội ở những đặc khu này, vẫn phải theo hiến pháp và luật pháp Việt Nam (VN).

Khi ở VN hiến pháp và luật pháp vẫn coi mại dâm, là tệ nạn xã hội thì không có chuyện ở chỗ này được phép thực hiện và được Nhà nước bảo trợ còn khu khác thì không. Trước hết vẫn phải lấy luật pháp, hiến pháp ra để giải quyết vấn đề.

Có ý kiến cho rằng, quan niệm về tình dục hiện nay đã “thoáng” hơn rất nhiều. Trong quá trình hội nhập với thế giới, chúng ta cũng nên “thoáng” để bắt kịp xu thế thời đại, kể cả về pháp luật?

Đúng vậy, quá trình hội nhập với thế giới nhiều vấn đề đã và sẽ còn thay đổi nhanh chóng. Nhưng theo như tôi được biết, thì trên thế giới chỉ có 26 – 27 nước cho phép mại dâm là một nghề, còn 60 – 70% các quốc gia và vùng lãnh thổ vẫn coi mại dâm là một vấn đề xã hội cần phải quản lý và không cho phép.

Quốc hội và công luận các nước cũng tranh cãi về vấn đề này nhiều lắm. Ví dụ Đức là một nước phát triển rất nghiêm về pháp luật, vẫn coi mại dâm là nghề. Chính phủ Anh, Thụy Điển từng cử người sang Đức, Hà Lan để nghiên cứu cách quản lý nhưng không áp dụng được, vì nó còn liên quan tới luật pháp, quản lý xã hội, không phải chuyện đơn giản.

Nhưng giả sử, nếu nó thu hút được nguồn ngoại tệ, tạo nên sức hút lớn về du lịch đối với các đặc khu kinh tế, thì nên chăng chúng ta cũng nên cân nhắc nghiên cứu?

Chúng ta không nên vì thu hút đầu tư và phát triển kinh tế mà vi phạm pháp luật. Sửa đổi luật pháp liên quan đến vấn đề này phải đi trước một bước. Hơn nữa, thử xem có nhiều nơi ở nước ta, mại dâm có được công nhận là nghề đâu mà vẫn thu hút khách du lịch đấy thôi? Nếu chỉ nhìn ở góc độ kinh tế và thu hút khách du lịch mà quên đi những yếu tố về luật pháp… thì không ổn.

Ảnh minh họa.

Quản lý kiểu “mắt nhắm, mắt mở”

Không đứng từ góc độ luật pháp, quan điểm của riêng ông, ông có cho mại dâm là một tệ nạn xã hội không?

Theo tôi, trước hết việc mua bán bằng tình dục từ xưa đến nay xã hội loài người và ở nước ta đều không chấp nhận và coi đó là tệ nạn.

Nhưng có phải ai cũng may mắn có được người yêu, người bạn đời để đáp ứng được nhu cầu tình dục đâu? Trong khi tình dục, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, nó cũng cần tựa như việc cần “cơm ăn nước uống” vậy?

Đúng vậy, tình dục là nhu cầu không thể thiếu của con người, không chỉ vì bản năng sinh tồn và  tình dục làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn… Người ta có tình dục với vợ, chồng và bạn tình… nhưng cũng có những người không có “may mắn” đó. Họ không thể “ nhịn” suốt đời.

Vậy phải giải quyết nhu cầu bằng cách nào? Chỉ có thể bằng việc đi mua dâm hoặc sắm dụng cụ hỗ trợ tình dục… Điều đó tốt hơn rất nhiều so với việc đi hiếp dâm, quấy rối tình dục, nó còn tồi tệ và làm đảo lộn xã hội hơn nữa. Khi vấn đề nhu cầu mà không được giải quyết một cách căn cơ, có bài bản thì những hệ lụy tăng lên rất nhiều.

Vậy theo ông, giải quyết thế nào là căn cơ và có bài bản?

Đây là một bài toán khó. Về mặt luật pháp, trước hết cần thay đổi về cách nhìn của người làm luật, phải thấy mại dâm là một thực tế xã hội, không thể cấm. Bởi đó là nhu cầu của con người, vấn đề là giải quyết vấn đề nhu cầu đó như thế nào.

Đã không thể cấm được thì phải tổ chức cách quản lý nhằm giảm thiểu tác hại do mại dâm gây ra. Đặc biệt cũng cần có cách nhìn thông cảm hơn, độ lượng hơn, nhân ái hơn với người bán dâm và người mua dâm.

Nhưng như vậy là cần có một nơi để cho họ “giải quyết” nhu cầu?

Đúng thế. Để quản lý được phải hạn chế cấp phép các hoạt động kinh doanh dễ nảy sinh hoạt động mại dâm, chỉ cấp phép vào những khu vực nhất định để dễ kiểm soát và can thiệp giảm tác hại.

Khu đó theo tôi phải xa khu dân cư, xa trường học. Sẽ có an ninh kiểm soát những vấn đề liên quan tới tội phạm như buôn bán người, bạo lực tình dục, đảm bảo về mặt y tế, khám bệnh, phát bao cao su miễn phí… Quản lý kiểu “mắt nhắm mắt mở” sẽ giúp hài hòa giữa luật pháp và nhu cầu con người.

Người không có cơ may không có được người bạn đời, bạn tình thì nếu họ đi mua dâm sẽ tốt hơn rất nhiều việc họ đi hiếp dâm, quấy rối tình dục. Khi có nhu cầu mà không được giải quyết thì dễ sinh ra các vấn đề bệnh lý, dẫn tới những hành vi tồi tệ. 

Cái được nhiều hơn cái mất

Những khu vực không được cấp phép sẽ xử lý như thế nào, thưa ông?

Những nơi khác mà nếu để mại dâm hoạt động thì phải xử lý theo luật pháp, các nhà lãnh đạo và công an các địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Như vậy sẽ làm giảm việc bảo kê cho mại dâm hoạt động, điều mà chúng ta biết đang phổ biến ở nhiều địa phương hiện nay.

Vậy liệu có mâu thuẫn với luật pháp là vẫn đang coi mại dâm là cái cần phải “phòng chống”?

Tôi nghĩ là không. Ta có thừa nhận mại dâm là nghề, và có lập phố đèn đỏ để mua bán dâm đâu. Chỉ quản lý chặt những dịch vụ dễ liên quan tới mại dâm thôi!

Nhiều ý kiến lo ngại rằng, dù là thừa nhận trong “nháy nháy” thì cũng vẫn một phần là thừa nhận, làm ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống và đặc biệt là phá hoại hạnh phúc gia đình?

Thì được cái này mất cái khác, còn hơn để như hiện nay mại dâm không quản lý được. Hơn nữa, có phải không thừa nhận thì nó mất đi đâu, xã hội vẫn tràn lan mại dâm đó thôi. Có phải cứ không thừa nhận thì xã hội “sạch” đâu, tưởng “sạch” nhưng hóa ra vẫn “bẩn”.

Vấn đề là phải nhìn thẳng vào hiện thực, việc quản lý sẽ hạn chế được tội phạm, bệnh tật… So giữa cái được và mất thì cái được vẫn nhiều hơn. Nhà nước chỉ lo ở cấp quản lý, làm sao để xã hội bình yên. Còn việc giữ gìn hạnh phúc gia đình  là việc của mỗi người, mỗi gia đình và phải cùng chia sẻ với Nhà nước chứ.

Vừa rồi, có vụ việc một cụ ông đi mua dâm bị phơi bày hình ảnh trên mạng và bị dư luận “ném đá”. Theo ông việc đi mua dâm có liên quan tới vấn đề đạo đức và tuổi tác? Người cao tuổi khi đi mua dâm dường như bị kỳ thị hơn?

Đạo đức là một phạm trù rộng lớn, không nên chỉ đánh giá qua việc đi mua dâm hay không, hơn nữa còn tùy vào hoàn cảnh cụ thể từng người.

Tại sao lại cứ nói người già thì không được đi mua dâm? Có khi người già sau nhiều năm dồn nén thì bùng nổ, hoặc hồi xuân. Khi đã đi mua dâm thì người già cũng như trẻ.

Tuổi tác thì có liên quan gì đến nhu cầu sinh lý là ở mỗi người? Nhiều người trẻ tuổi, vợ con đàng hoàng vẫn đi mua dâm, trong khi đó một người có tuổi vẫn còn cầu tình dục lại không còn vợ con nên phải đi mua dâm, thì hai trường hợp đó ta phán xét như thế nào về đạo đức, về thuần phong mỹ tục?

Trân trọng cảm ơn ông!

Mới đây, trong phiên thảo luận vê Dự án Luật Đơn vị Hành chính  – Kinh tế đặc biệt của UB Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề, ở những đặc khu dự kiến cũng phải đồng ý cho kinh doanh một số ngành nghề mà nơi khác không thể có, ví dụ như kinh doanh sòng bạc – casino, thậm chí phải có khu vui chơi “đèn xanh – đèn đỏ”. Ba đặc khu kinh tế dự kiến gồm Vân Đồn – Quảng Ninh, Bắc Vân Phong – Khánh Hòa, Phú Quốc – Kiên Giang.

Mai Loan (thực hiện)

BẢN DESKTOP