Khám phá

Quả chỉ ngon khi cây trồng “đúng đất”

Theo các chuyên gia, vì nhiều lý do khác nhau, có một số giống cây ăn quả không cho ra sản phẩm chất lượng cao nếu đem đi trồng ở nơi khác. Đó là lý do để giống bưởi hồng da xanh khi trồng ở miền Bắc không ngon bằng miền Nam dù được chăm sóc tốt.

Giống bưởi da xanh được trồng nhiều ở Miền Bắc

Đất, khí hậu quyết định

Mấy năm gần đây, giống bưởi da xanh được người dân vùng Bắc Giang trồng nhiều. Do năng suất đạt mức khá nên nhiều hộ gia đình quyết định đầu tư với diện tích lớn. Vùng Lục Ngạn (Bắc Giang), người dân trồng xen canh bưởi, vải khá phổ biến. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các tỉnh phía Bắc.

Cùng là bưởi da xanh nhưng giá thành bưởi trồng ở miền Bắc rẻ hơn bưởi da xanh miền Nam do không mất công vận chuyển. Đó cũng là một lý do để người tiêu dụng lựa chọn.

Tuy vậy, để so sánh về chất lượng bưởi da xanh trồng ở hai vùng khí hậu khác nhau thì người dùng đều khẳng định bưởi da xanh trồng ở miền Nam ngon hơn.

Nhìn bên ngoài, trái bưởi miền Bắc nhỏ hơn, màu xanh không đậm bằng, phần ruột cũng không đỏ bằng bưởi da xanh miền Nam. Khi ăn, cũng có vị ngọt, nhiều nước, tôm không nát, tuy vậy hương vị không đậm như bưởi da xanh miền Nam. Mùi thơm cũng nhạt hơn, các múi nhỏ hơn.

Lý giải về điều này, ThS Nguyễn Mạnh Khải, Khoa Công nghệ Sau thu hoạch, Học viện Nông nghiệp cho biết, các giống cây đặc sản khi đem đi trồng ở vùng đất khác, khí hậu khác thì đa phần có chất lượng thấp hơn là trồng ở đúng nơi giống cây ấy được nghiên cứu ra.

Ví dụ điển hình nhất là một số giống cây ăn quả của Thái Lan được chúng ta nhập về trồng. Cây cũng cho quả, nhưng dù có được chăm sóc tốt như thế nào thì quả cũng không thể ngon bằng cây trồng ở Thái Lan.

Do đó hàng năm, sản lượng rau quả nhập khẩu từ Thái Lan vẫn còn rất lớn. Giống bưởi da xanh cũng vậy. Nếu được trồng ở Nam Bộ chúng sẽ có chất lượng tốt hơn là đem ra miền Bắc.

“Có thể trong quá trình chọn tạo giống chưa cho ra giống chuẩn, rồi kỹ thuật canh tác không phù hợp, điều kiện khí hậu, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng… không phù hợp nên cây cho ra quả không đảm bảo chất lượng như ban đầu. Mặc dù có những loại về cảm quan bên ngoài giống hệt, nhưng chất lượng bên trong vẫn khác”, ThS Nguyễn Mạnh Khải cho biết.

Phân biệt không khó

Theo ThS Nguyễn Mạnh Khải, với người tiêu dùng, không khó để phân biệt đâu là quả trồng ở đất gốc. Thông thường quả được trồng đúng ở vùng đất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết thì quả mọng, căng, màu sắc rõ nét.

Với bưởi da xanh thì có thể dễ dàng nhận thấy khi trồng ở miền Nam, bưởi có trọng lượng lớn hơn, tròn đều hơn, màu xanh đậm, vỏ mỏng, tép bưởi to, màu hồng đậm.

Trong khi đó bưởi trồng ở miền Bắc có vỏ màu hơi ngả sang vàng, quả không to, màu sắc không bóng đẹp và giá thành thì đương nhiên là rẻ hơn. Hay như giống xoài thái trồng ở Thái Lan có khối lượng rất lớn, lớp thịt dày, ngọt, nhiều nước. Giống này trồng ở Việt Nam thì cho quả nhỏ, mùi vị chua hơn, vỏ sần sùi hơn…

Theo ThS Nguyễn Mạnh Khải, vì lý do mỗi loại cây chỉ phù hợp với một điều kiện sinh trưởng nhất định nên khi chọn cây để trồng, cần phải nghiên cứu kỹ đặc tính của chúng.

Nếu chỉ trồng chơi thôi thì một vài cây không có ý nghĩa, nhưng nếu trồng trên quy mô lớn để làm kinh tế thì không nên trồng những cây khác lạ với điều kiện khí hậu, thời tiết.

Ví dụ như cây sầu riêng, trồng trên nền đất ở miền Bắc cây vẫn phát triển nhưng thường không cho ra quả, hoặc có thì quả cũng rất nhỏ, chất lượng rất thấp.

Hay như măng cụt, chôm chôm, mãng cầu… là những loại cây chỉ phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết vùng Nam Bộ, không thể phát triển tốt nếu đưa cây ra ngoài miền Bắc để trồng.

Ví dụ như ở Sơn La mấy năm nay có trồng cà phê. Cây vẫn sinh trưởng tốt nhưng sản lượng không cao do điều kiện khí hậu không phù hợp. Thời tiết ẩm ướt nên việc phơi, sấy, chế biến rất khó khăn, tỉ lệ mốc, hỏng nhiều. Đó là lý do vì sao khi nghiên cứu cây trồng, người ta phải dựa vào đặc điểm đất đai, khí hậu để lai tạo cho cây những đặc tính cần thiết”, ThS Nguyễn Mạnh Khải.

Bảo Khánh

BẢN DESKTOP