Y học và đời sống

Phương pháp điều trị cường giáp hiệu quả

Cường giáp là một trong các chuỗi bệnh nội tiết. Cường giáp theo cơ chế tổn thương gây thiếu hụt hormon tuyến giáp, từ đó dẫn đến tăng chuyển hóa với nhiều biểu hiện rất rõ ràng giúp người bệnh nhận biết dễ dàng…

Cần thận trọng bệnh cường giáp

Triệu chứng đặc hiệu

BSCK II Mai Thị Minh Hậu, Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện 19-8, Bộ Công an cho biết, các biểu hiện nổi bật của bệnh như ăn rất nhiều nhưng vẫn gầy, sút cân nhanh. Nhiều người, gầy 5 – 10kg trong vài ba tháng. Có người một tháng gầy 4 – 5kg.

Người bị cường giáp hay ra mồ hôi nhớp nháp, da nóng ẩm, nhất là mồ hôi trong lòng bàn tay. Kèm theo là dấu hiệu run tay, nhất là đầu ngọn chi. Cơ thể hay gặp tình trạng hồi hộp, nhịp tim nhanh, mắt có hiện tượng lồi mắt, chảy nước mắt, ra ghèn mắt.

Người bị cường giáp cũng sợ ánh sáng, sợ lạnh nhưng lại nóng bức trong người như bốc hỏa. Các dấu hiệu này là do nội tiết trong cơ thể tăng chuyển hóa. Nhất là bệnh nhân sẽ xuất hiện triệu chứng đặc hiệu là phù niêm trước xương chày với màu như màu vỏ cam.

Khi bị bệnh, bệnh nhân cần đi khám và làm các xét nghiệm nội tiết. Trong đó, xét nghiệm sẽ cho thấy TSH giảm, còn T3, T4 tăng.

Cẩn trọng khi quyết định mổ bóc tách

BSCK II Mai Thị Minh Hậu cũng cho hay, khi đi khám các bác sĩ sẽ cho biết mức độ của bệnh lý, trong đó có khâu chọc sinh thiết tế bào để loại trừ u ác. Tuy nhiên, qua thực tế của bác sĩ cho rằng, trường hợp hay gặp ở các bệnh nhân này vẫn là nang tuyến giáp, tỷ lệ người bị u không cao.

Để theo dõi bệnh, cần 6 tháng siêu âm một lần. Nếu nang to có thể chọc để hút, trường hợp chèn ép gây vướng hoặc khó thở thì mới nên xử lý bằng mổ bóc tách.

“Chúng tôi thường không khuyến khích phương pháp bóc tách nang tuyến giáp nhỏ. Bởi về cơ bản, nang không ảnh hưởng nhiều đến cơ thể, không dẫn đến ung thư. Thậm chí nếu bóc tách không khéo có nguy cơ ảnh hưởng đến hệ tuyến giáp của cơ thể”, BSCK II Mai Thị Minh Hậu cho biết thêm.

Tuy nhiên, khi phát hiện ra tuyến giáp là u ác tính, tức có tế bào ung thư thì tùy vào thực tế thường bệnh nhân sẽ được tư vấn bóc tách để tránh tình trạng u phát triển và di căn. Lúc này, dù u bé cũng cần áp dụng phương pháp phẫu thuật.

Đối với quá trình điều trị cường tuyến giáp, BSCK II Mai Thị Minh Hậu cho hay, có những thông tin cho rằng người bệnh không được ăn bắp cải. Điều này chưa phù hợp. Với cường giáp, bệnh nhân không nên kiêng cữ bất cứ thứ gì, vẫn cần ăn uống bình thường để đảm bảo sức khoẻ.

Ngay cả việc dùng các thuốc nội tiết cũng không ảnh hưởng vì cơ bản đây là thuốc bổ, cơ thể sẽ tự cân bằng. Cũng không cần ăn bổ sung nhiều iốt. Muốn điều trị hiệu quả, cần dùng thuốc kháng giáp trạng để kìm chế sự tăng trưởng của hormon tuyến giáp.

Hà Linh

BẢN DESKTOP