Khám phá

Phùng Khắc Khoan- trạng của dân- kỳ 2: Không đỗ trạng nguyên vẫn được gọi là trạng

Cuối đời, Phùng Khắc Khoan đạt đến đỉnh cao địa vị quan trường: Thượng thư bộ Công kiêm Tế Tửu Quốc tử giám, Thượng thư bộ Hộ, tước Mai quận công; được xem là một trong số công thần bậc nhất trong công cuộc trung hưng nhà Lê.

Tiếng thơm còn mãi

 Dân chúng rất mến mộ Phùng Khắc Khoan bởi giữ chức vụ gì, ông đều toàn tâm, toàn ý phụng sự triều đình và dân chúng. Cho nên dù không đỗ trạng nguyên, người ta vẫn gọi ông là Trạng Bùng. Thậm chí sau cuộc đi sứ nhà Minh thành công, dân gian còn lưu truyền ông là “lưỡng quốc Trạng nguyên” nữa.

Nhà thờ Phùng Khắc Khoan ở Thạch Thất, Hà Nội

Về phương diện văn học, thơ văn Phùng Khắc Khoan là tiếng nói chân thành của một trí thức dân tộc có tâm huyết, có tấm lòng yêu nước thương nòi. Nói như Phan Huy Chú, “văn chương ông thanh nhã, dồi dào có các tập truyền ở đời”.

Phùng Khắc Khoan được người đời sau vị nể bởi ông đã để lại di sản khá lớn với khoảng 500 tác phẩm viết bằng chữ Hán và chữ Nôm với nhiều thể tài thơ từ, văn bia, văn tự, văn tế…

Phùng Khắc Khoan mất năm Quý Sửu (1613), thọ 85 tuổi, được truy tặng chức Thái phó, ban thuỵ là Nghị Trai, được dân tôn làm phúc thần, đời đời tôn thờ.

Cuộc đời Phùng Khắc Khoan vắt qua hai thế kỷ với đầy biến động phức tạp của thời thế, nhưng Phùng Khắc Khoan vẫn biết cách tự khẳng định tài năng của mình để lại tiếng thơm còn mãi muôn đời.

Chuyến đi sứ khó khăn

Việc Phùng Khắc Khoan đi sứ, sử chép lại rằng, lúc này, bang giao giữa nhà Lê và nhà Minh rất căng thẳng và phức tạp. Cho nên đi sứ nhà Minh thực là một đại hoạ khôn lường.

Trước đó vào thời nhà Mạc, Lê Như Hổ đi sứ đã bị sơn cả hai mắt, Lê Quang Bí bị chúng lấy mất đồ cống, bị vu cho là giả và bị giam cầm đến 18 năm sau mới được tha về nước.

Khi lên ngôi, các vua nhà Mạc tỏ ra yếu hèn, quỵ lụy, tiến cống, hối lộ quá nhiều để mong được vua quan nhà Minh che chở nên nhà Minh càng được thể.

Năm 1593, vua Lê về Thăng Long, trong khi nhà Mạc phải phiêu bạt lên trú ngụ vùng biên giới Cao Bằng, liền cho người sang Minh tố cáo rằng vua Lê là “rởm”. Do đó năm 1596, nhà Minh sai sứ đem điệp văn sang Đại Việt “dọa lên dọa xuống”, đòi vua Lê phải lên tận Nam Quan để “xác minh” xem Thế Tông có đúng là con cháu nhà Lê hay không ?

Vua Lê Thế Tông cũng lên Nam Quan, nhưng bị quan nhà Minh tìm cách không gặp.

Ngày 29 tháng Giêng âm lịch năm 1596, vua Lê sai Đỗ Uông, Nguyễn Văn Giai lên trấn Nam Quan làm tiền trạm giao thiệp với sứ nhà Minh.

Sau đó lại sai Lê Ngạnh, Lê Hựu và Phùng Khắc Khoan mang hai kiểu ấn, một của nhà Mạc, một của nhà Lê, tức ấn An Nam đô thống sứ ty và ấn An Nam quốc vương, 100 cân vàng, 1000 cân bạc cùng kỳ lão trong nước đến trấn Nam Quan đợi hội khán cũng không thành.

Trong hoàn cảnh như vậy, Phùng Khắc Khoan đang làm Tả thị lang bộ Công được vua Lê cử làm Chánh sứ sang triều Minh cống nạp và xin sắc phong. Đến Bắc Kinh, đoàn sứ bộ phải tạm trú trong 5 tháng liền mà không được bàn đến việc chính là cầu phong cho vua Lê Thế Tông.

Trong triều nhà Minh, có phe ủng hộ sứ giả họ Phùng công nhận vua Lê, có phe ăn tiền của nhà Mạc tìm cách trì hoãn. Phùng Khắc Khoan mềm mỏng, ôn hoà và cương quyết buộc quan nhà Minh phải tổ chức để ông được dâng biểu lên vua Minh.

Gặp tiết Vạn Thọ của vua Minh, Phùng Khắc Khoan làm một lúc 30 bài thơ mừng vua Minh. Vua Minh Vạn Lịch phục lắm, cầm bút phê khen và sai đưa xuống khắc in để ban hành trong nước. Tập thơ lại có lời tựa của sứ Triều Tiên là Hình tào tham phán Lý Toái Quang.

(còn nữa)

         TS Nguyễn Thành Hữu

BẢN DESKTOP