Môi trường

Phúc Thọ - Hà Nội: Hàng nghìn người k‎ý tên kêu gọi chấm dứt nuôi nhốt gấu

  • Tác giả : Trần Hòa
(khoahocdoisong.vn) - Hơn 5000 người dân tại Phúc Thọ (Hà Nội) - điểm nóng về nuôi nhốt gấu đã ký tên kiến nghị kêu gọi cơ quan chức năng khẩn trương hành động.

Hơn 5000 người dân tại Phúc Thọ (Hà Nội) - điểm nóng về nuôi nhốt gấu đã ký tên kiến nghị kêu gọi cơ quan chức năng khẩn trương hành động nhằm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu.

Kết quả này một lần nữa cho thấy sự thay đổi tích cực trong nhận thức của cộng đồng đối với việc chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu tại nước ta.

Mất tay vì gấu

Việt Nam đã tham gia Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Cites). Thế nhưng, công cuộc bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) hiện đang gặp khó khăn bởi mâu thuẫn từ chính sách pháp lý cho đến thực tế. Thế nên mới xảy ra những vụ việc đau lòng như: hổ ngoạm mất tay ở Nghệ An, hay gấu ăn tay trẻ ở TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ…

Đến nay, nhiều người không thể quên hình ảnh một cậu bé 5 tuổi (ở Phú Thọ) ngồi trên giường bệnh với hai cánh tay bị mất vĩnh viễn. Cậu bé bị một con gấu nuôi nhốt cướp đi đôi tay ấy. Kém cậu bé này 2 tuổi, một bé trai ở Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) cũng bị một con gấu nuôi nhốt trong nhà mình cắn mất một cánh tay.

Cá thể gấu nuôi nhốt tại Phúc Thọ.

Cá thể gấu nuôi nhốt tại Phúc Thọ.

Sau mỗi vụ việc xảy ra, dư luận lại đặt câu hỏi vì sao người ta lại để những con vật hung dữ nuôi nhốt tại khu dân cư? Vì sao Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về Buôn bán động thực vật hoang dã nguy cấp mà vẫn để tình trạng này?.

Thực tế cho thấy, ở nhiều địa phương, tình trạng nuôi nhốt động vật hoang dã vì mục đích kinh doanh vẫn còn. Điển hình như nuôi gấu lấy mật phục vụ khách du lịch ở TP. Hạ Long (Quảng Ninh), hay như nuôi nhốt gấu ở xã Phụng Thượng (Phúc Thọ, Hà Nội).

Trong một khảo sát tại các cơ quan kiểm lâm đối với hoạt động gây nuôi ĐVHD nguy cấp, quý hiếm cho thấy, có tới 80% trên 47 Chi cục Kiểm lâm tham gia khảo sát đều không ủng hộ việc cho phép gây nuôi thương mại các loài nguy cấp, quý hiếm như hổ với lý do chính các cán bộ kiểm lâm cũng không phân biệt được cá thể hợp pháp và bất hợp pháp.

Điều này càng chứng tỏ việc cho phép gây nuôi các loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm đã vô tình tạo nên một thị trường hợp pháp song song với thị trường bất hợp pháp, tạo cơ hội cho các đối tượng săn bắt từ tự nhiên và hợp pháp hóa trong trang trại, thúc đẩy các hoạt động săn bắt bất hợp pháp.

Việc không kiểm soát tiêu chuẩn chuồng trại và điều kiện gây nuôi, an toàn kỹ thuật đã dẫn đến nhiều trường hợp người dân gặp nguy hiểm khi tiếp cận các khu vực nuôi nhốt ĐVHD nguy cấp, quý hiếm.

Người dân huyện Phúc Thọ tham gia ký tên kêu gọi chấm dứt nuôi nhốt gấu.

Người dân huyện Phúc Thọ tham gia ký tên kêu gọi chấm dứt nuôi nhốt gấu.

Trên 5000 người ký đơn

Theo thông báo của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, hơn 5.000 chữ ký của người dân đã được gửi đến Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ nhằm kêu gọi các cơ quan chức năng có hành động quyết liệt trong việc khuyến khích các chủ nuôi gấu trên địa bàn huyện tự nguyện chuyển giao gần 170 cá thể gấu còn lại cho các trung tâm cứu hộ.

Việc xóa sổ thành công hoạt động nuôi nhốt gấu ở điểm nóng Phúc Thọ sẽ trở thành nhân tố thúc đẩy công tác chuyển giao gấu tại các địa phương khác còn tồn tại tình trạng này.

Đại diện Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó giám đốc cho biết: “Kết quả trên đã cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của đông đảo người dân huyện Phúc Thọ với những nỗ lực chấm dứt nuôi nhốt gấu tại địa phương. Tuy nhiên, việc Phúc Thọ có thể trở thành địa phương không còn gấu nuôi nhốt hay không thì phụ thuộc nhiều vào nỗ lực của chính các cơ quan chức năng trong việc giám sát, quản lý, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm liên quan”.

Phúc Thọ không chỉ là điểm nóng nuôi nhốt gấu ở Hà Nội mà là điểm nóng của cả nước. Tình trạng nuối gấu lấy mật và những hệ lụy nguy hiểm trong thời gian dài ở Phúc Thọ đã trở thành mục tiêu chiến lược trong khuôn khổ chiến dịch bảo vệ gấu của các tổ chức bảo vệ động vật từ năm 2008.

Từ đó đến nay, các tổ chức trong và ngoài nước đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, góp phần truyền tải thông điệp chấm dứt nuôi nhốt gấu tới người dân địa phương thông qua các buổi triển lãm bảo vệ gấu tại các khu chợ, phát trên sóng phát thanh địa phương và qua những buổi nói chuyện trực tiếp với các em học sinh.

“Hơn bao giờ hết, chúng ta cần khiến các chủ nuôi gấu hiểu rằng hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật đang dần đi đến hồi kết. Kinh doanh mật gấu không những tốn kém mà còn vi phạm pháp luật. Cộng đồng cũng đang quay lưng với hoạt động lỗi thời này bằng việc không sử dụng mật gấu và các sản phẩm từ gấu,” bà Dung khẳng định.

Bảng tuyên truyền kêu gọi bảo vệ gấu tại huyện Phúc Thọ.

Bảng tuyên truyền kêu gọi bảo vệ gấu tại huyện Phúc Thọ.

Cần nhanh chóng chấm dứt nuôi nhốt gấu

Hiện nay cả nước ghi nhận 25 địa phương không có gấu nuôi nhốt. Chính điều này đang trở thành động lực to lớn cho cộng đồng, các chủ nuôi gấu, các tổ chức phi chính phủ và cơ quan chức năng trong việc tăng cường nỗ lực chung nhằm thúc đẩy chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu tại nước ta.

Năm 2018 đánh dấu nhiều thành tựu đáng kể trong công tác chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu. Với 19 cá thể gấu được tự nguyện chuyển giao trong năm vừa qua, số lượng gấu bị nuôi nhốt đã giảm xuống còn khoảng 750 cá thể, thấp hơn nhiều so với hơn 4.300 cá thể gấu bị nuôi nhốt tại hàng trăm cơ sở trên cả nước vào năm 2005.

Trường Tiểu học xã Phụng Thượng (Phúc Thọ) với cuộc thi vẽ tranh bảo vệ gấu.

Trường Tiểu học xã Phụng Thượng (Phúc Thọ) với cuộc thi vẽ tranh bảo vệ gấu.

Năm 2019 hứa hẹn sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều nỗ lực trong việc xóa sổ hoàn toàn hoạt động nuôi nhốt gấu. Cuộc thi “Viết thư cho chủ gấu” với chủ đề “Hãy cho gấu cuộc sống tốt đẹp hơn” vẫn đang diễn ra và đã thu hút hơn 1000 bài dự thi, khuyến khích các chủ gấu tự nguyện chuyển giao các cá thể gấu nuôi của mình.

Trước thực trạng buôn bán, vận chuyển, xuất nhập khẩu, sử dụng trái phép ĐVHD, từ năm 2014 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 03/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo tồn các loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm, hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trần Hòa

BẢN DESKTOP