Dữ liệu y khoa

Phục hồi sức khỏe sau khi nhiễm Covid-19

  • Tác giả : BSCKII Huỳnh Tấn Vũ
(khoahocdoisong.vn) - Không được tập thở ngay khi mới bị nhiễm Covid-19 và sức khỏe còn yếu với nhiều triệu chứng mới xuất hiện hay khi diễn biến bệnh cảnh còn phức tạp.

Chấp nhận chuyện đã xảy ra

Hồi phục sức khỏe sau khi nhiễm Covid-19 không phải là điều đơn giản. Điều đầu tiên là chú ý đến yếu tố tinh thần, phải lạc quan, phải tin rằng bên cạnh mình còn có chính quyền, lực lượng y tế, đồng nghiệp, có người thân sẵn sàng… giúp đỡ. Bên cạnh đó là chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và tập luyện.

Những ngày đầu nhiễm Covid-19, phải biết chấp nhận chuyện sẽ xảy ra và lắng nghe cơ thể, theo sát các phản ứng cơ thể với virus nhất là thể nhẹ, thể trung bình.

bn-covid.jpg
Những ngày đầu nhiễm Covid-19, biết chấp nhập chuyện sẽ xảy ra, lắng nghe cơ thể lên tiếng, theo sát các phản ứng cơ thể với virus nhất là thể nhẹ, thể trung bình.

Đó sẽ là những ngày ho, sốt, ớn lạnh, đau đầu, mất ngủ, đi tiêu chảy, huyết áp tăng (chuẩn bị dụng cụ đo huyết áp), nhiệt độ tăng (có nhiệt kế), và khó thở (tự đo SpO2 - độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi)… để có sự điều chỉnh phù hợp.

Lúc này sức khỏe bệnh nhân không được tốt, đứng lên phải vịn vào thành giường, khi xoay trở, các động tác không nên đột ngột và mạnh mẽ vì các cơ rất yếu; thở không dám thở mạnh vì thở mạnh bị ho.

Tập thở khi nào?

Bệnh nhân có thể tập hít thở sau 2 tuần đã xét nghiệm lại RT-PCR với CT >30 hay âm tính. Lúc này các triệu chứng cơ thể đã ổn định mới tập, chứ không tập ngay khi mới bị nhiễm và sức khỏe còn yếu với nhiều triệu chứng mới xuất hiện và diễn biến bệnh cảnh còn phức tạp.

Xin nói thêm, những di chứng vẫn tiếp tục tồn tại sau khi nhiễm Covid-19. Nhiều bệnh nhân Covid-19, dù nhẹ hay nặng, kể họ vẫn bị triệu chứng hành hạ nhiều tháng sau khi xét nghiệm âm tính với virus, bao gồm khó thở, cơ bắp yếu, tâm thần không ổn... Người bệnh cần thời gian và sự chăm sóc phù hợp để hồi phục bao gồm chế độ dinh dưỡng, vận động, dùng thuốc nhất là thuốc y học cổ truyền với bồi bổ khí huyết, mạnh gân cốt, nhuận phế, chỉ khái...

Trong tập luyện, bệnh nhân chú ý đến tập thở. Có nhiều phương pháp luyện thở, tuy nhiên, qua nghiên cứu nhiều năm về Yoga - khí công, kết hợp thực tế lâm sàng chọn ra 1 - 2 động tác phù hợp.

Nếu không khỏe, bệnh nhân có thể tập động tác thở 4 thời có kê mông và giơ chân. Còn nếu ngồi dậy tốt ổn định, người bệnh có thể tập bài luyện thở với tư thế ngồi hoa sen.

Ngồi hoa sen

Động tác ngồi hoa sen là tập trong tư thế ngồi, rất nhẹ nhàng, tư thế vững chắc, không sợ té ngã, phù hợp với khả năng hồi phục, không cần sử dụng thêm các dụng cụ tập gì.

Bài này có các động tác phù hợp để luyện thở, làm tăng sức thở cho người mới tập; làm cột sống được thẳng, giãn ra là một điều kiện thuận lợi cho hô hấp. Ngoài ra, ngồi hoa sen là một tư thế giúp tập trung tinh thần (cho nên ngồi thiền hay ngồi ở tư thế này).

hoa-sen-1.png
Ngồi hoa sen.
hoa-sen-2.png
... là động tác đơn giản nhất, dễ tập nhất trong chuỗi các động tác của Yoga khí công.

Các khớp chi dưới cũng được giãn ra. Khí huyết lưu thông làm ấm toàn bộ cột sống với mục đích: Hồi phục sức thở, tăng sức cơ, ổn định tâm thần. Bài tập Ngồi hoa sen là động tác đơn giản nhất, dễ tập nhất trong chuỗi các động tác của Yoga khí công. Nếu sức khỏe cho phép và cảm thấy phù hợp, các bạn có thể tập thêm các động tác khác.

Trong tư thế ngồi hoa sen, toàn bộ cột sống được khí huyết lưu thông, ấm cả cột sống, thần kinh giao cảm và phó giao cảm hoạt động tốt, từ đó cải thiện được sức khỏe.

Cách thực hiện: Xếp bằng kép hai bàn chân bắt chéo, lòng bàn chân ngửa lên trên.

Nếu không ngồi được thì ngồi nửa hoa sen (xếp bằng đơn). Hai bàn tay để lên 2 đầu gối, lưng thẳng rồi bắt đầu thở. Hít vào tối đa, ưỡn lưng được càng tốt, giữ hơi mở thanh quản (bằng cách hít thêm), đồng thời dao động thân qua lại 2 - 6 lần, thở ra quay đầu qua bên trái, đuổi hết khí trọc trong phổi ra, rồi lại bắt đầu một hơi thở thứ hai thở ra và quay đầu qua phải sau đó làm tiếp tục; làm từ 2 - 4 lần. hoặc nhiều hơn tùy sức khỏe

Nên tập tư thế nằm nếu cơ thể yếu

Cần tập vừa sức. Nên cố gắng để tập đúng phần giữ hơi mở thanh quản vì đây là phần trọng tâm của động tác. Cần hít thở đúng để tăng cường hô hấp đưa không khí vào sâu tận đáy phổi. Giữ hơi mở thanh quản thì hõm cổ lõm, các cơ vùng ngực bụng luôn giữ được độ căng.

Khi bắt đầu dao động, bắt đầu hít vào luôn, trong quá trình dao động vẫn liên tục hít vào, khi kết thúc dao động mới thở ra. Như vậy là giữ được nguyên tắc thở "giữ hơi mở thanh quản". Nếu tập lâu ngày đã quen với cách thở, các cơ hô hấp vùng ngực bụng đã mạnh có thể hít vào trước rồi tiếp tục giữ hơi trong lúc dao động.

nam-tho.png
Thở 4 thời có kê mông và giơ chân lên khỏi thảm. 

Lưu ý thêm, để có tác dụng cần tập đều chứ không phải tập nhiều, và hít bằng mũi thở ra bằng mũi. Tập đều, 2 lần sáng chiều, mỗi lần 15 - 30 phút. Đây là điểm khó nhất của Khí công - Yoga, nó đòi hỏi tính kiên trì và kỷ luật cao.

Tuy nhiên, thành quả đạt được rất ngọt ngào, xứng đáng cho người kiên nhẫn. Với người bệnh Covid-19 cũng vậy, qua tập nhiều ngày, sức khỏe được cải thiện, tương đối bình ổn, đã gần như hết các triệu chứng.

BSCKII Huỳnh Tấn Vũ (Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3)

BSCKII Huỳnh Tấn Vũ

BẢN DESKTOP