Khám phá

Phục dựng thành công 'nỏ thần' huyền thoại thời An Dương Vương

Sau nhiều tháng nghiên cứu, kỹ sư tên lửa Vũ Đình Thanh và các cộng sự đã phục dựng thành công chiếc nỏ có cơ chế hoạt động giống chiếc “nỏ thần” thời An Dương Vương.

Nỏ Liên Châu thời An Dương Vương được nhiều người biết đến khi gắn liền với lịch sử triều đại Âu Lạc (nước Việt cổ) từ 2.300 năm trước. "Nỏ thần" thể hiện cho sự thông minh, sáng tạo của người Việt và đó là minh chứng cho sự phát triển trong sản xuất, chế tạo vũ khí bảo vệ quốc gia, dân tộc

Giải câu đố nghìn năm

Kỹ sư tên lửa Vũ Đình Thanh và các cộng sự đã phục dựng thành công chiếc nỏ có cơ chế hoạt động giống chiếc “nỏ thần” thời An Dương Vương sau nhiều tháng miệt mài nghiên cứu. Sáng chế này đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền sáng chế tháng 8/2022 với phương pháp duy nhất trên thế giới cho phép bắn cùng lúc nhiều mũi tên.

Để phục dựng thành công "nỏ thần" thời An Dương Vương, nhóm nghiên cứu của kỹ sư Vũ Đình Thanh đã nghiên cứu mũi tên bằng đồng được khai quật ở khu di tích Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội. Hiện mũi tên này được lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam. Sau khi khẳng định tính xác thực về chiếc “nỏ thần” huyền thoại trong lịch sử Việt Nam, kỹ sư Vũ Đình Thanh và các cộng sự đã tìm kiếm tư liệu trong những nghiên cứu về nỏ thần trong truyền thuyết. Sau đó, nhóm đã tiến hành phục dựng, chế tạo chiếc nỏ và mũi tên 3 cạnh có ưu điểm vượt trội bởi độ xoáy rất lớn nhờ khí động học.

Kỹ sư Vũ Đình Thanh giới thiệu cơ chế hoạt động của "nỏ thần" thời An Dương Vương sau khi được phục dựng thành công. Ảnh: Trần Việt/TTXVN.

Theo kết quả phục dựng của nhóm nghiên cứu do kỹ sư Vũ Đình Thanh dẫn dắt, mũi tên có thể xoay như mũi khoan, có độ sát thương cao. Thêm nữa, nỏ có thể bắn cùng lúc nhiều mũi tên trúng mục tiêu với khoảng cách hàng trăm mét.

Chiếc nỏ được nhóm nghiên cứu của kỹ sư Vũ Đình Thanh phục dựng và bắn thành công, góp phần chứng minh“nỏ thần” thời An Dương Vương là có thật.

Kỹ sư Vũ Đình Thanh cho biết về hoạt động của "nỏ thần" An Dương Vương: "Các mũi tên kích thước nhỏ được xếp trong một ống hình tròn, đầu mũi tên hướng về phía mục tiêu sẽ bắn. Lực của dây cung sẽ tác động lên ống hình tròn, như là bắn một mũi tên to đi. Khi ống tre bay đến vị trí ở đầu nỏ sẽ có hai thanh hãm để "phanh" ống tre lại, còn 6 mũi tên thì theo quán tính bay về phía trước. Mũi tên bay ra khỏi ống nỏ tương tự như khi bạn đi xe máy tốc độ nhanh, bạn tông phải chướng ngại vật khiến xe máy dừng lại, còn người ngồi trên xe bay về phía trước. Nghĩa là, các mũi tên bay ra phía trước theo quán tính, lực của dây cung không trực tiếp tác động vào từng mũi tên như cách bắn nỏ hoặc cung thông thường".

Theo kỹ sư Vũ Đình Thanh, nguyên lý vận hành chiếc nỏ rất gần với nguyên lý của tên lửa container. Nó là một dạng quả tên lửa to, bên trong chứa những quả tên lửa nhỏ. Khi bay xuống thì quả tên lửa to tách ra, các quả tên lửa nhỏ lại tiếp tục bay tiếp.

Truyền thuyết về "nỏ thần"huyền thoại

Theo nhận định của nhiều chuyên gia sử học, khảo cổ học và khoa học quân sự Việt Nam, chiếc nỏ được phục dựng và bắn thành công, phần nào minh chứng “nỏ thần” thời An Dương Vương là có thật.

Chia sẻ với báo chí, PGS, TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng: “Thực tế chúng ta đã tìm ra lò đúc, khuôn đúc, kho mũi tên. Ở thành Cổ Loa, chúng ta còn tìm thấy hệ thống lò đúc liên hoàn, nó không chỉ đúc tên đồng mà đúc vũ khí của An Dương Vương. Do đó, nếu giải mã xong nỏ thần bắn thế nào thì câu chuyện nỏ thần sẽ trở nên sinh động”.

Chiếc nỏ thần cũng được giới sử học đánh giá là bằng chứng rõ ràng về triều đại Âu Lạc (nước Việt cổ) từ 2.300 năm trước. Nhờ có vũ khí lợi hại này, dân tộc ta đã chiến đấu ngoan cường để bảo vệ giang sơn xã tắc.

Ngược dòng lịch sử, sau khi đánh tan 50 vạn quân Tần dù dân số chỉ chưa tới triệu người, triều đại An Dương Vương đã ra đời. Ông lên ngôi hoàng đế vào ngày mùng 6 tháng Giêng năm 257 trước Công Nguyên và bắt đầu tìm đất xây dựng kinh đô.

Dù tìm được đất nhưng thành xây nhiều lần đều bị sụp đổ. Phải tới khi thần Kim Quy xuất hiện, giúp đỡ tiêu diệt yêu ma thì thành xây mới không đổ nữa. Kỳ diệu hơn, thần Kim Quy còn rút một chiếc móng của mình trao cho An Dương Vương để làm vũ khí. Nhà vua ra lệnh cho tướng Cao Lỗ dùng chiếc móng đó chế làm lẫy nỏ, chế thêm nỏ thần, mỗi lần bắn ra cả trăm mũi tên, bách phát bách trúng.

Chuyện tình Mỵ Châu - Trọng Thuỷ gắn liền với truyền thuyết về chiếc nỏ thần thời An Dương Vương.

Triệu Đà làm chúa đất Nam Hải, mấy lần đem quân sang cướp đất Âu Lạc nhưng đều thất bại vì An Dương Vương có nỏ thần. Nhận thấy dùng binh không có lợi nên Triệu Đà xin giảng hòa với An Dương Vương, sai con trai là Trọng Thuỷ sang cầu thân nhưng mục đích chính là tìm cách phá chiếc nỏ thần.

Công chúa Mỵ Châu - con gái An Dương Vương vì mất cảnh giác đã trao cho Trọng Thuỷ nỏ thần để xảy ra bi kịch mất nước. Câu chuyện tình nhuốm màu sắc huyền thoại này là bài học về sự cảnh giác từng được nhắc nhớ trong những câu thơ của Tố Hữu: "Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu/ Trái tim lầm chỗ để trên đầu/ Nỏ thần vô ý trao tay giặc/ Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu...”

BẢN DESKTOP