Y học và đời sống

Phù bạch huyết là gì?

  • Tác giả : Khánh Thủy (ghi)
(khoahocdoisong.vn) - Phù bạch huyết là tình trạng ứ trệ cục bộ lưu thông của hệ thống bạch huyết tại một vùng nào đó trong cơ thể dẫn tới sưng nề, chèn ép tại chỗ. Phù bạch huyết hay gặp sau điều trị một số bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư phụ khoa, ung thư tiết niệu – sinh dục, sarcoma phần mềm chi và ung thư đầu - cổ.

Hỏi: Tôi bị ung thư vòm họng đã điều trị. Gần đây tôi thấy hiện tượng sưng nề dưới da vùng cổ - mặt, có cảm giác căng da, khó vận động ở cổ và vai, khi nói bị khàn tiếng… Bác sĩ nói tôi bị phù bạch huyết, xin hỏi đây là bệnh gì, có nguy hiểm không?

Dương Ninh (Thái Nguyên)

BS Nguyễn Đình Châu.

BS Nguyễn Đình Châu.

BS Nguyễn Đình Châu, Khoa Xạ trị - Xạ phẫu, Viện Ung thư,  Bệnh viện T.Ư Quân đội 108: Phù bạch huyết là tình trạng ứ trệ cục bộ lưu thông của hệ thống bạch huyết tại một vùng nào đó trong cơ thể dẫn tới sưng nề, chèn ép tại chỗ. Phù bạch huyết hay gặp sau điều trị một số bệnh như ung thư vú, ung thư phụ khoa, ung thư tiết niệu – sinh dục, sarcoma phần mềm chi và ung thư đầu - cổ.

Phẫu thuật và xạ trị là hai nguyên nhân chính làm biến đổi cấu trúc giải phẫu của hệ thống bạch mạch, dẫn tới thẩm thấu và ứ đọng dịch bạch huyết tại mô kẽ, kích hoạt việc tăng sinh nguyên bào xơ và mô liên kết. Phù bạch huyết thường xảy ra từ 2 - 6 tháng sau khi điều trị. Phù bạch huyết có thể xuất hiện ở tổ chức dưới da vùng mặt - cổ hoặc niêm mạc họng - miệng. Việc điều trị phù bạch huyết càng sớm thì kết quả càng tốt. Các phương pháp trị liệu khá đơn giản, bệnh nhân có thể tự tập tại nhà bao gồm xoa bóp, sử dụng các ngón tay xoa bóp nhẹ nhàng trên da vùng mặt - cổ theo vòng tròn để thúc đẩy lưu thông bạch huyết, tăng cường vận động các cơ vùng đầu - cổ, nằm ngủ tư thế đầu cao, không để thừa cân, chiếu đèn hồng ngoại để làm giảm quá trình xơ hóa, sử dụng máy tạo rung áp lực âm…

Khánh Thủy (ghi)

BẢN DESKTOP