Chữa bệnh không dùng thuốc

Phòng trị đau khớp khi chuyển mùa

  • Tác giả : Xuân Hoài
(khoahocdoisong.vn) - Trong số các bệnh xương khớp thì phong thấp, tê thấp... là những bệnh nặng, biểu hiện lên toàn thân, nhanh chóng làm người bệnh suy kiệt.

Phong thấp, tê thấp, hàn thấp

Phong thấp là một bệnh toàn thân gây tổn thương ở nhiều cơ quan, đặc biệt là ở khớp xương, tim, hệ thần kinh, da, tổ chức dưới da. Theo LY. Thu Hằng, TT Ứng dụng các bài thuốc gia truyền, bệnh thường có những đợt cấp tính, tái phát và các giai đoạn ổn định, nên tùy theo từng giai đoạn diễn tiến của bệnh có tổn thương chính nằm ở cơ quan nào, tiến triển đến giai đoạn nào mà gọi tên cho phù hợp như: thấp khớp cấp, thấp khớp tái phát, thấp tim cấp, thấp tim tiến triển, thấp tim tái phát, di chứng van tim hậu thấp.

Trong các biến chứng của phong thấp thì biến chứng trên tim là trầm trọng hơn cả, để lại di chứng suốt đời. Tuy nhiên, biểu hiện chính của phong thấp là viêm khớp. Người bệnh thường thấy các khớp đau nhức lan từ khớp này sang khớp khác, khó cử động, toàn thân mệt mỏi, buồn bực, chỉ muốn nằm. Đa số bệnh nhân bị viêm nhiều khớp như khớp lớn, khớp gối, khuỷu, vai, cổ tay, cổ chân; di chuyển từ khớp này qua khớp khác rất nhanh, đôi khi có tràn dịch với nước trong, bệnh nhân có thể không đi được do đau trong vài ngày rồi tự lành dù không điều trị. Ở những lần mắc sau, bệnh sẽ nặng hơn và điều trị càng ngày càng khó.

Tê thấp là chứng bệnh đau cơ bắp và đau khớp là chính, chủ yếu ảnh hưởng tới các bộ phận kết nối trong cơ thể, y học hiện đại không coi tê thấp là căn bệnh cụ thể nào đó mà là tên gọi chung của một chứng bệnh biểu hiện là đau khớp, đau cổ, đau vai, đau lưng, đau gót chân nói chung, da thịt tê bì, đi lại chậm chạp, khó khăn, nhận biết cảm giác giảm mạnh, bệnh nặng có thể bị tê liệt một bên cơ thể... Do tê thấp không có triệu chứng rõ rệt trong thời kỳ đầu, chỉ là sưng khớp, cứng khớp và đau cơ bắp, đuối sức, mồm khô, mắt khô cho nên dễ bị chẩn đoán sai, điều trị sai, từ đó dẫn đến biến dạng khớp, tàn tật, miễn dịch suy giảm, có thể dẫn tới tử vong.

Ngoài hai thể bệnh trên, người bệnh có thể mắc thể hàn thấp với chứng đau cố định ở một khớp hoặc nhiều khớp, thời tiết càng lạnh càng đau, đau nhiều về đêm, khiến người bệnh co cứng tay chân, lao động khó khăn. 

Phong thấp, tê thấp, hàn thấp theo cách gọi dân dã nói chung là phong tê thấp, riêng đối với căn bệnh này, Đông y có thế mạnh về chữa trị dựa trên nguyên tắc: Trừ nhiệt giảm sưng nóng, trừ phong tránh đau lan tỏa, trừ thấp để tiêu sưng khi bị cấp. Nếu đã chuyển thành mãn tính thì trừ phong tránh lan tỏa, trừ nhiệt tránh tái cấp tính, trừ thấp tránh sưng nề, tán hàn tránh sơ nhiễm.

Cây quanh nhà trị bệnh

Người mắc bệnh phong tê thấp nói chung vào giai đoạn chuyển mùa thường đau nhức các khớp xương, để phòng và trị căn bệnh này theo LY. Thu Hằng có thể lấy một nắm to lá lốt rửa sạch cho vào ấm sắc với 2 bát nước trên lửa liu riu đến khi còn lại 1 bát nước thuốc thì tắt bếp. Uống trước khi ngủ để làm ấm người, giảm đau nhức. Bài thuốc đơn giản nên cần thực hiện hằng ngày. Lá lốt có thể nấu canh cùng thịt bò để bồi bổ sức khỏe và giảm đau các khớp. Mỗi tuần có thể ăn 3 lần giúp hạn chế đau khớp trong khi chuyển mùa.

Ở nông thôn, cây chìa vôi không khó kiếm, có thể kết hợp chìa vôi với lá lốt và dây đau xương với tỷ lệ bằng nhau đem rửa sạch, phơi khô rồi sao vàng hạ thổ. Cho thuốc vào ấm sắc với nước lấy nước thuốc uống trong ngày. Chìa vôi cũng có thể kết hợp với cành dâu, bạch chỉ, quế chi sắc với nước uống giúp giảm đau và sưng khớp.

Để xoa bóp bên ngoài, lấy lá cúc tần, ngải cứu mỗi thứ một nắm đem sao, cho thêm chút rượu vào chườm lên khớp đau khi còn ấm nóng. Mỗi ngày chườm 1 lần, trước khi đi ngủ để giảm đau. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý, tránh nơi lạnh và ẩm thấp, kết hợp tập luyện và xoa bóp hằng ngày để ngăn chặn bệnh tái phát lại.

Xuân Hoài

BẢN DESKTOP