Dữ liệu y khoa

Phòng tránh suy dinh dưỡng bào thai

  • Tác giả : Khánh Thủy
(khoahocdoisong.vn) - Trong thời kỳ mang thai, nếu bà mẹ ăn uống không đầy đủ sẽ gây ra tình trạng suy dinh dưỡng bào thai, hậu quả là đứa trẻ sinh ra nhẹ cân.

Suy dinh dưỡng kéo theo nhiều bệnh mãn tính 

Các nghiên cứu gần đây cho thấy, có mối quan hệ giữa suy dinh dưỡng bào thai với các bệnh mạn tính như tim mạch, rối loạn chuyển hoá, thiếu máu dinh dưỡng, các dị tật bẩm sinh. Trẻ sinh đủ tháng có cân nặng dưới 2.500g được coi là suy dinh dưỡng bào thai (SDDBT). Nguyên nhân do thời gian mang thai, người mẹ không được ăn uống đầy đủ, làm việc và nghỉ ngơi không hợp lý hoặc bị đau ốm bệnh tật. Thường các bà mẹ có mức tăng cân ở cuối thai kì thấp dưới 6 kg sẽ bị SDDBT.

TS.BS Đỗ Thị Phương Hà, Viện Dinh dưỡng QG cho biết, nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng, trẻ sinh ra trong các gia đình nghèo, cận nghèo thường mắc suy dinh dưỡng bào thai, đây là thể suy dinh dưỡng sớm nhất. Trẻ suy dinh dưỡng thì các cơ quan đều bị ảnh hưởng, trẻ sinh ra nhẹ cân. Nếu suy dinh dưỡng xảy ra ở 3 tháng cuối thai kỳ thường làm cho não chậm phát triển. Trẻ bị SDDBT có nguy cơ bị thấp còi sau này, dễ bị thừa cân béo phì do thấp chiều cao. Tổng điều tra dinh dưỡng được tiến hành năm 2009-2010 cho thấy, trẻ từ 5-19 tuổi có hơn 24% suy dinh dưỡng, 8,5% thừa cân béo phì.

Can thiệp dinh dưỡng càng sớm càng tốt

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, tốc độ phát triển chiều dài của thai nhi đạt mức cao nhất trước tuần thứ 15 của thai kỳ; còn cân nặng phát triển nhanh nhất vào tuần thứ 32 đến 34. Mọi can thiệp nhằm cải thiện chiều dài của bào thai, giảm thiểu béo phì sau này phải thực hiện càng sớm càng tốt. Người mẹ ngay từ những tuần đầu mang thai cần ăn đủ chất đạm, canxi và đặc biệt là iốt vì thiếu nó, bào thai sẽ không phát triển được. Những chất quan trọng khác đối với sự phát triển của trẻ trong bào thai và những năm đầu đời là sắt, vitamin A, folat. Nếu mẹ không cung cấp đủ folat, trẻ sinh ra có thể bị dị tật ống thần kinh. Người mẹ khi mang thai cần có chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý.

Mẹ khi mang thai cần ăn đủ chất, ăn đa dạng các loại thực phẩm, đặc biệt ăn nhiều trái cây tươi, rau củ, hạt, thực phẩm giàu protein. Có thể ăn 4-5 bữa/ngày để đảm bảo thai nhi có đầy đủ các chất dinh dưỡng. PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng QG cho biết, mẹ mang thai nên ăn các thức ăn giàu đạm, canxi như tôm, cua, trứng, sữa. Trong thai kỳ, mẹ cần tăng từ 9-14kg. Mẹ mang thai không nên uống rượu, bia, chất kích thích như cà phê, đặc biệt hít khói thuốc lá nhiều sẽ làm em bé trong bụng có nguy cơ bị thiếu cân suy dinh dưỡng. Để tránh suy dinh dưỡng, cần phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng và Tổ chức Y tế thế giới, phụ nữ có thai nên bổ sung viên sắt và axit folic hằng ngày ngay từ khi phát hiện có thai cho tới sau đẻ 1 tháng để dự phòng nguy cơ thiếu máu. Kết quả một số nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa tình trạng thiếu máu của mẹ và cân nặng sơ sinh cũng như tình trạng thiếu máu ở trẻ, vì vậy bổ sung viên sắt và axit folic là bước quan trọng đầu tiên để dự phòng nguy cơ thiếu máu thiếu sắt không chỉ ở mẹ mà còn ở trẻ nhỏ. Bên cạnh đó phụ nữ có thai nên bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất mà khẩu phần ăn thường không cung cấp đủ so với nhu cầu khuyến nghị như canxi, vitamin D, kẽm... Liều bổ sung nên tuân theo sự hướng dẫn của cán bộ y tế cho từng trường hợp cụ thể.

Vitamin A và các thành phần vi chất dinh dưỡng khác trong sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển và sức khỏe của trẻ nhỏ. Ngay trong tháng đầu sau khi sinh, người mẹ cần uống một liều vitamin A (200.000 đơn vị) và trong suốt thời gian cho con bú người mẹ nên uống bổ sung viên đa vi chất.

Thanh Hòa

Khánh Thủy

BẢN DESKTOP