Y học và đời sống

Phòng tránh đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính khi giao mùa

  • Tác giả : Giang Thu (Tổng hợp)
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một trong những bệnh gây tàn phế (suy hô hấp) và có tỷ lệ tử vong cao - đứng thứ 3 chỉ sau đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

Co kéo cơ hô hấp, hõm ngực,... triệu chứng của đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Theo thông tin từ khoa Nội -Trung tâm y tế huyện Phù Ninh (Phú Thọ), bệnh nhân N.D.K 73 tuổi, (Phù Ninh, Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng ho nhiều tăng tiết đờm, khó thở tăng dần, đau tức ngực, có tiền sử hút thuốc lá...

Khi nhập viện, bệnh nhân sốt cao, thở rít, nói ngắt quãng không thành câu, khó thở tăng dần, đau tức ngực. Bệnh nhân có biểu hiện co kéo cơ hô hấp và hõm ngực. Đây là các triệu chứng điển hình của đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Điều trị bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ảnh: BVCC

Điều trị bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ảnh: BVCC

Các bác sĩ chẩn đoán: Bệnh nhân bị đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Hiện tại, sau 7 ngày điều trị, bệnh nhân đã ổn định, ra viện duy trì thuốc điều trị thường xuyên theo y lệnh của bác sĩ.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nguy hiểm thế nào?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một trong những bệnh hô hấp phổ biến trên thế giới cũng như ở nước ta và có xu hướng ngày càng gia tăng. Hiện nay, COPD là một trong 3 nguyên nhân tử vong hàng đầu trên Thế giới và 90% số ca tử vong này nằm ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ mắc COPD đứng hàng đầu trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Đây là bệnh tiến triển nặng dần, không hồi phục do có những đợt cấp và xuất hiện các biến chứng trầm trọng gây tàn phế và đưa đến tử vong như suy hô hấp mạn tính, suy tim phải.

Triệu chứng, dấu hiệu sớm

Những triệu chứng, dấu hiệu ban đầu để nhận biết liệu mình có đang bị COPD, xuất hiện ở giai đoạn cấp tính đến giai đoạn ổn định, bao gồm:

Khó thở là triệu chứng thường gặp và quan trọng nhất: ban đầu người bệnh khó thở thành cơn, khó thở khi gắng sức sau khó thở tăng dần, liên tục cả khi gắng sức lẫn khi nghỉ ngơi và giai đoạn cuối bệnh nhân có thể xuất hiện các cơn suy hô hấp bất chợt.

Tình trạng ho dai dẳng, ho khan, ho có đờm kéo dài.

Sốt nhẹ hoặc cảm thấy ớn lạnh khi có tình trạng bội nhiễm.

Tức ngực.

Người cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng.

Những biểu hiện ban đầu thường khiến người bệnh chủ quan lầm tưởng mình đang bị viêm phế quản thông thường. Nếu như không được can thiệp kịp thời sẽ khiến tình trạng trở nên nặng hơn, xuất hiện triệu chứng khó thở liên tục. Từ đó, khi bệnh bước vào giai đoạn cuối sẽ dẫn đến những biến chứng vô cùng nghiêm trọng như suy hô hấp, suy tim,...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Triệu chứng khi bị COPD nặng

Giai đoạn COPD trở nặng xảy ra rất đột ngột, khi đến giai đoạn này, chức năng của phổi đã bị suy giảm nặng nề, khiến bệnh nhân phải nhập viện thường xuyên. Dấu hiệu, triệu chứng khi bị COPD nặng bao gồm:

Tình trạng khó thở kéo dài và nặng dần, thở khò khè, thở rít.

Ngực bị đau tức, cảm thấy nặng ngực thường xuyên.

Thường xuyên đau đầu vào buổi sáng.

Nói khó hoặc thều thào, ngắt quãng.

Tím môi, ngọn chi do thiếu Oxy mạn tính.

Người bệnh thường ở trạng thái lơ mơ.

Nhịp tim bất thường.

Cảm giác mệt mỏi, chán ăn và cân nặng giảm.

Khi nhận biết bản thân đang gặp phải những triệu chứng này cần phải đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán, điều trị tránh tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và những biến chứng không mong muốn xảy ra.

Phòng ngừa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mùa lạnh

Cần mặc ấm: Những thay đổi về nhiệt độ và thời tiết có thể làm cho các triệu chứng COPD trở nên tồi tệ hơn. Theo nghiên cứu, không khí lạnh, khô hoặc nóng có thể gây bùng phát các triệu chứng COPD. Do đó, khi thời tiết trở lạnh, trở gió, hãy mặc ấm, che miệng, mũi cẩn thận khi ra ngoài.

Cần bỏ thuốc lá và tránh xa các chất kích thích: Hút thuốc là yếu tố nguy cơ chính của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Theo một số nghiên cứu, những người hút thuốc có nguy cơ mắc COPD cao hơn 10 lần so với những người không hút thuốc. Có tới 80-90% bệnh nhân COPD hút thuốc và gần 50% người hút thuốc lâu năm bị COPD. Hút thuốc lá thụ động cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Vì vậy, cách hiệu quả nhất để phòng ngừa COPD là nói không với hút thuốc lá (chủ động và thụ động).

Cần tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm: Bụi bẩn, phấn hoa, lông thú, khói nhiên liệu…, là những tác nhân khiến các triệu chứng COPD dễ tái phát. Cần luôn giữ cho không khí ở nơi sinh sống luôn sạch sẽ, thông thoáng.

Tránh tình trạng nhiễm trùng hô hấp: Nhiễm trùng đường hô hấp rất nguy hiểm đối với những người bị COPD vì nó ảnh hưởng đến phổi và đường hô hấp. Một số yếu tố lây nhiễm, chẳng hạn như cảm lạnh và cúm, có thể làm cho tình trạng khó thở, ho khan và thở khò khè trở nên tồi tệ hơn. Cách tốt nhất để ngăn ngừa COPD là giảm nguy cơ nhiễm trùng. Những người bị bệnh phổi tắc nghẽn nên rửa tay thường xuyên và đảm bảo rằng họ đã được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin cần thiết.

Đặc biệt, với người cao tuổi mắc bệnh COPD, để phòng ngừa bệnh tái phát, giảm nguy cơ biến chứng nên hạn chế đến mức thấp nhất việc tiếp xúc với các dị nguyên có thể làm tái phát bệnh. Người bệnh COPD nên duy trì luyện tập các bộ môn thể thao như đạp xe, đi bộ... ở mức độ trung bình từ 30-60 phút/ngày, tùy theo khả năng. Với bệnh nhân nặng có thể giảm thời gian luyện tập hoặc tập thở bằng cách hít sâu và thở mạnh ra hết sức...

Đối với những người bị COPD trước mùa lạnh nên tiêm phòng cúm và tuân thủ việc dùng thuốc để ngừng tái phát COPD đợt cấp.

Ngoài việc luyện tập, người bệnh COPD cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ăn đồ loãng, nóng, thức ăn mềm dễ hấp thu. Chế độ ăn cần đủ chất dinh dưỡng và bổ sung thêm nước hoa quả, trái cây, rau xanh. Khi bệnh tái phát hoặc diễn biến nặng thì nên đi khám bệnh ngay.

Giang Thu (Tổng hợp)

BẢN DESKTOP