Chữa bệnh không dùng thuốc

Phòng ngừa đau nhức xương khớp khi thời tiết chuyển mùa

  • Tác giả : Giang Thu (T/H)
Thời tiết chuyển lạnh, nhiều người bị cơn đau nhức xương khớp ghé thăm. Những cơn đau nhức kéo dài gây cảm giác khó chịu và ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống hằng ngày, có thể tiềm ẩn nguy cơ nhiều bệnh lý nghiêm trọng.

Trời chuyển lạnh - thời điểm dễ bị đau nhức xương khớp

Các thống kê gần đây chỉ ra rằng, Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia có tỷ lệ mắc các bệnh lý cơ xương khớp cao nhất thế giới và đang có xu hướng trẻ hóa. Cụ thể, số liệu của Hội Cơ xương khớp Việt Nam cho thấy có khoảng 30% người trên 35 tuổi, 60% người trên 65 tuổi và 85% người trên 80 tuổi mắc bệnh thoái hóa khớp.

Khi thời tiết chuyển lạnh, triệu chứng của các căn bệnh xương khớp trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến khả năng vận động, sinh hoạt của người bệnh.

Khi thời tiết thay đổi, trời lạnh đột ngột, sự chuyển hóa những sản phẩm trung gian từ hoạt động khớp bị ứ trệ. Bên cạnh đó, nhiệt độ giảm, các cơ, gân, dây chằng, dây thần kinh bị kích thích và tăng cảm giác đau.

Đặc biệt, khi bất kỳ khớp nào trong cơ thể hoạt động đều sinh ra một sản phẩm chuyển hóa trung gian là axit lactic. Trường hợp bạn không vận động hoặc do thời tiết lạnh sẽ làm ứ đọng axit lactic nhiều trong các khớp, không giải phóng ra được, từ đó gây nên triệu chứng đau nhức.

Trời chuyển lạnh - thời điểm dễ bị đau nhức xương khớp. Ảnh minh họa

Trời chuyển lạnh - thời điểm dễ bị đau nhức xương khớp. Ảnh minh họa

Bảo vệ cơ thể, cải thiện sức khỏe xương khớp trong mùa lạnh

Bệnh cơ xương khớp không gây chết người nhưng nguy cơ gây tàn phế cao, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt, công việc hằng ngày.

Các nghiên cứu của Hội Cơ xương khớp Việt Nam trên bệnh nhân cho thấy khoảng 5 năm sau khi bệnh khởi phát, số bệnh nhân có thể lao động bình thường chỉ khoảng 40%, trong đó 16% người bệnh mất chức năng đi lại nghiêm trọng.

Điều chỉnh chế độ ăn uống, đây là nền tảng quan trọng để ngăn ngừa đau khớp. Hãy đảm bảo tăng cường vitamin, khoáng chất và uống đủ nước. Vitamin D, E, A và K, axit béo omega-3 được biết rất tốt cho sức khỏe xương khớp, có nhiều trong cá hồi hoặc các loại hạt, rau xanh đậm màu. Riêng cam, ớt đỏ và cà chua cung cấp nguồn vitamin C cần thiết để làm chậm quá trình mất sụn.

Giữ ấm cơ thể: Khi nhiệt độ giảm, thời tiết thay đổi, bạn cần chủ động giữ ấm cơ thể bằng cách tắm với nước ấm, mặc nhiều quần áo ấm vào ban ngày, sử dụng tất chân, gang tay,… Để nhiệt độ phòng ngủ ấm áp, có thiết bị tăng nhiệt độ bên trong nhà.

Giảm áp lực cho xương khớp: Càng lao động nặng, đi lại nhiều thì đau nhức xương khớp khi giao mùa càng nghiêm trọng. Vì thế, giảm áp lực cho các khớp sẽ giúp giảm đau hiệu quả, hãy nhờ đến sự giúp đỡ của người khác nếu bạn cần bê vác vật nặng.

Chườm đá khi sưng khớp: Mặc dù phương pháp này không hữu ích cho tất cả mọi người, nhưng nó tiện lợi trong một số trường hợp nhất là khi cơ và gân bị sưng và đau do viêm và thay đổi thời tiết, giúp làm giảm triệu chứng và trả lại các khớp về tình trạng khỏe mạnh, hoạt động bình thường.

Nếu đau nhức, cũng có thể chườm nóng, hãy sử dụng một miếng đệm nóng, chai nước hoặc khăn để làm ấm các khớp. Ngoài ra có thể massage khớp và quanh khớp, giúp lưu thông máu tốt hơn, giảm đau nhức khi thời tiết thay đổi với tần suất 3 - 5 lần /tuần, đặc biệt khi thời tiết thay đổi.

Trong trường hợp nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường hoặc mới nào, đừng ngần ngại liên hệ với bác sĩ. Sưng và đỏ dai dẳng, đau không thể chịu được…là điều bác sĩ cần biết để có các liệu pháp điều trị thích hợp, hiệu quả hơn.

Giang Thu (T/H)

BẢN DESKTOP