Dữ liệu y khoa

Phòng ngừa biến chứng phồng lồi đĩa đệm cột sống

  • Tác giả : ThS Hoàng Khánh Toàn
(khoahocdoisong.vn) - Với những triệu chứng đau đớn thoáng qua của bệnh phồng lồi đĩa đệm, nhiều người bệnh vẫn chủ quan và chưa chú ý đến việc chữa trị. Điều này vô tình khiến bệnh biến chứng nguy hiểm hơn, gây ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt cũng như sức khỏe.

Phồng lồi đĩa đệm là tình trạng một vài vị trí trên bao xơ xuất hiện những tổn thương gây nên sự lỏng lẻo, đồng thời phần nhân nhầy bị chảy, rò rỉ ra khỏi phần trung tâm đĩa đệm nhưng chưa thoát ra hẳn phần bao xơ. Chính hiện tượng này đã khiến đĩa đệm bị lồi lên, phồng ra và chèn ép các dây thần kinh xung quanh, từ đó tạo ra nhiều cơn đau ở phần đốt sống cho người bệnh. Vị trí xuất hiện phổ biến nhất trên các đốt sống L4-L5,L5-S1.

Dưới đây là một số biến chứng của căn bệnh này.

Thoát vị đĩa đệm: Phồng lồi đĩa đệm là một trong những nguyên nhân dẫn đến thoát vị đĩa đệm. Một khi lớp vỏ bao xơ bị xé rách, sẽ tạo điều kiện cho nhân nhầy thoát ra ngoài và hình thành các khối thoát vị. Lúc này, các dây chằng cũng bị phì đại, kết hợp cùng các khối thoát vị sẽ nhanh chóng chèn ép vào tủy sống và các rễ thần kinh trung ương. Điều này gây ra tình trạng hẹp ống sống, khiến cho người bệnh đau đớn, làm giảm khả năng điều khiển các hoạt động của cơ thể.

Tê mỏi, giảm khả năng vận động, teo cơ: Khi bị phồng lồi đĩa đệm, người bệnh sẽ rất dễ gặp phải các biến chứng nguy hiểm như tê mỏi kéo dài, giảm khả năng vận động, teo cơ. Điều này làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, khi bị phồng lồi đĩa đệm, các nhân nhầy bên trong nhanh chóng lệch khỏi vị trí trung tâm, thoát ra ngoài. Chúng gây chèn ép trực tiếp lên các tủy sống và các dây thần kinh, gây đau đớn.

Cách phòng ngừa: Để điều trị căn bệnh này, bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân có thể dùng các thuốc giảm đau, vật lý trị liệu, châm cứu, bấm huyệt... Bên cạnh việc điều trị bệnh theo các chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, bạn nên tuân thủ một số vấn đề sau đây:

- Hạn chế mang vác các vật nặng, có chế độ lao động, sinh hoạt hợp lý để tránh đau tái phát hoặc tiến triển sang thoát vị đĩa đệm.

- Duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý.

- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để có một cơ thể khỏe mạnh và cột sống vững chắc.

- Có tư thế làm việc đúng đắn, nhất là trong sinh hoạt hằng ngày (ngồi học, ngồi làm việc, mang vác vật nặng đúng cách...).

- Tránh mang vác vật nặng, nhất là bê vật nặng ở tư thế cúi lom khom.

- Ngồi lâu kéo dài trong tư thế gò bó cũng ảnh hưởng không tốt đến cột sống thắt lưng.

- Hạn chế mọi nguy cơ bị chấn thương cho cột sống khi lao động, tham gia giao thông, các vận động, động tác thể thao quá mức và kéo dài,…

ThS.BS Hoàng Khánh Toàn (nguyên Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

ThS Hoàng Khánh Toàn

BẢN DESKTOP