Khoa học & Công nghệ

Phòng Covid-19: Đừng nghĩ chỉ đeo khẩu trang là đủ

  • Tác giả : Hà Bình
(khoahocdoisong.vn) - Đeo khẩu trang là biện pháp tốt nhất để phòng dịch Covid-19, tuy nhiên không có nghĩa cứ đeo khẩu trang là yên tâm không cần đến các biện pháp phòng dịch khác.

Nên đeo khẩu trang bao lâu?

Các nhà khoa học thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) vừa nghiên cứu và tìm thấy lượng lớn vi khuẩn, nấm mốc trong khẩu trang (mức độ tăng dần) khi sản phẩm này được sử dụng trong thời gian dài. Thử nghiệm sử dụng khẩu trang dùng một lần và tái sử dụng được đeo trong 6 giờ và 12 giờ nhằm mục đích so sánh. Sau đó, các nhà khoa học kiểm tra tổng số vi khuẩn, nấm mốc, cũng như vi khuẩn tụ cầu liên quan đến nhiễm trùng da và trực khuẩn mủ xanh liên quan đến phát ban có trong khẩu trang.

Vi khuẩn tụ cầu và trực khuẩn mủ xanh không có trong bất kỳ mẫu khẩu trang nào. Lượng nấm mốc và vi khuẩn ở khẩu trang đã đeo trong 12 giờ cao hơn hẳn loại 6 giờ. Theo lý giải của các nhà khoa học, môi trường ấm và ẩm trong các loại khẩu trang có lợi cho vi sinh vật phát triển. Trong môi trường bao quanh chúng ta đều có vi khuẩn, trong hệ tiêu hóa (miệng và ruột) cũng vậy. Chất liệu của khẩu trang cũng liên quan tới việc tích tụ vi khuẩn. Lớp bên trong này rất có thể là nơi vi khuẩn bị giữ lại khi ho, hắt hơi hoặc nói chuyện.

PGS.TS Phạm Văn Nho, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, chắc chắn virus, vi khuẩn sẽ tăng dần theo thời gian sử dụng khẩu trang. Do đó, khẩu trang không có khả năng diệt khuẩn chỉ nên đeo liên tục tối đa 3 tiếng, sau đó phải được thay bằng khẩu trang khác thì mới tránh được nguy cơ nhiễm vi khuẩn, nấm mốc từ khẩu trang. Nhiều người có thói quen cho khẩu trang vào trong túi xách tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm lớn. Túi xách là nơi có thể trú ngụ của nhiều loại vi khuẩn, virus khác nhau. Để khẩu trang trong túi xách vô tình có thể khiến khẩu trang thành nơi hút vi khuẩn. Do vậy, nên có túi riêng cho khẩu trang trước khi cất vào túi.

"Với các trường hợp bị ho từ bất cứ lý do gì, phải thay khẩu trang ít nhất 3 - 4 lần trong khoảng thời gian làm việc (8 tiếng) tránh biến khẩu trang thành ổ vi khuẩn khiến tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp nặng thêm", PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết thêm.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Khẩu trang cần kết hợp với diệt khuẩn tay

Đeo khẩu trang là biện pháp tốt nhất để phòng dịch, tuy nhiên không có nghĩa cứ đeo khẩu trang là yên tâm không cần đến các biện pháp phòng dịch khác. TS Phạm Thị Khoa, nguyên cán bộ Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư cho biết, thực tế không thể nói phải thay khẩu trang sau bao nhiêu phút mà phải tùy vào điều kiện cụ thể. Chẳng hạn, nếu đi vào và tiếp xúc trong những môi trường nghi ngờ có mầm bệnh thì sau khi rởi khỏi đó phải thay ngay và lưu ý rửa tay ngay sau khi cởi bỏ khẩu trang vào thùng rác. Ngoài ra, có thể sử dụng khẩu trang đến khi nào mặt tiếp xúc da có độ ẩm làm bạn khó chịu thì nên thay.

Nên nhớ không phải đeo khẩu trang, dù là khẩu trang y tế, khẩu trang diệt khuẩn hay khẩu trang vải là sẽ không nhiễm bệnh. Nếu không tuân thủ các biện pháp rửa tay, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống xung quanh… thì khả năng nhiễm virus luôn chực chờ. Để bảo vệ sức khỏe, cần kết hợp nhiều biện pháp khác nhau để chặn đường xâm nhập của virus. 

Để phòng dịch hiệu quả, PGS.TS Phạm Văn Nho khuyên không nên quá lạm dụng các loại dung dịch rửa tay khô, bởi đây là các loại hóa chất không tốt cho sức khỏe. Nếu có điều kiện thì tốt nhất là rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước. Các loại nước súc miệng cũng có tác dụng rất tốt để phòng tránh lây nhiễm virus, nên chọn loại không chứa cồn, fluor và các phụ gia độc hại thích hợp cho người già, người bị suy giảm miễn dịch và trẻ em. Có thể pha nước muối ấm dùng để súc họng hằng ngày, sau khi đi ra ngoài về… có tác dụng phòng bệnh rất tốt.

Với người dùng khẩu trang vải kháng khuẩn, cần lưu ý là tính năng kháng khuẩn sẽ giảm dần sau mỗi lần giặt. Sau khoảng 10 lần giặt trở lên thì khẩu trang kháng khuẩn không còn tính năng kháng khuẩn nữa mà chỉ như khẩu trang vải thông thường. Tốt nhất là thay khẩu trang mới sau 10 - 15 lần sử dụng.

BS Hoàng Xuân Đại, nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Y tế cho biết, khẩu trang không thể an toàn một cách tuyệt đối vì vẫn có những khe hở. Kể cả những loại khẩu trang gồm nhiều lớp vải thì cũng không thể ngăn cản hoặc lọc hết được vi khuẩn ở kích thước micromet. Để sử dụng khẩu trang vải một cách an toàn thì nên là (ủi) trước khi dùng, hoặc phơi ngoài trời nắng để diệt các loại vi  khuẩn có khả năng lưu trú. Sau khi sử dụng, khẩu trang phải được giặt sạch. Tối kị nhất là sử dụng lại khẩu trang trong nhiều ngày liên tiếp. Một số loại khẩu trang có lớp kháng khuẩn, lọc virus ở giữa thì cần bảo quản lớp này, sử dụng theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất.

Hà Bình

BẢN DESKTOP