Y học và đời sống

Phòng chống bệnh sởi: Sởi người lớn dễ biến chứng nặng

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Sởi đang nằm trong chu kỳ dịch, không chỉ trẻ em mà cả người lớn, phụ nữ mang thai cũng mắc. Sởi người lớn thường gây các biến chứng nặng với tỷ lệ tử vong cao.

Mắc sởi trên nền cơ địa đặc biệt

Chị Nguyễn Thị H., 30 tuổi (Bắc Giang) đang mang thai tuần thứ 24 thì có biểu hiện sốt cao, sau đó xuất hiện nốt ban đỏ. Sau 1 tuần không đỡ chị đi khám sản thì được chuyển tới chuyên khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai. Với các dấu hiệu điển hình của bệnh sởi: sốt cao, có ho, phát ban từ sau tai, lên mặt, lan xuống thân mình, ngực, lưng; ban đỏ sẩn, đau mắt, chảy nước mắt nhiều, các bác sĩ đã chỉ định chị phải nhập viện để điều trị và theo dõi.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ những tháng cuối năm 2018 đến nay, khoa tiếp nhận nhiều các trường hợp mắc sởi đến khám, nhập viện điều trị. Nếu vài tháng trước, trung bình mỗi tháng, Khoa có khoảng 10 trường hợp điều trị thì mấy ngày gần đây mỗi ngày khoa đều tiếp nhận 2 – 3 ca, có những ngày 4 – 5 ca (9-10/1).

Điều đặc biệt, các bệnh nhân phải nhập viện điều trị đa phần là người lớn. Một số ca trong tình trạng mắc sởi trên nền cơ địa đặc biệt như có thai, mắc các bệnh tim, phổi, thận,... mạn tính. Với thai phụ mắc sởi, PGS.TS Nguyễn Huy Cường cảnh báo nguy cơ dễ sảy thai, đẻ non do sốt rất cao, dễ bội nhiễm do suy giảm miễn dịch hơn người khác.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, bệnh sởi có xu hướng gia tăng rải rác, cục bộ từ những tháng cuối năm 2018 đến nay, chủ yếu tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, các thành phố lớn như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp lớn như Đồng Nai, Bình Dương …

Đối tượng mắc bệnh chủ yếu chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi ở trẻ em, nhưng đã ghi nhận nhiều người lớn mắc bệnh, trong đó có phụ nữ mang thai.
Tưởng khỏi bệnh lại biến chứng chết người

PGS.TS Trần Đắc Phu cảnh báo, người chưa bị mắc bệnh hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vắc xin phòng bệnh sởi đều có thể mắc bệnh. Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não … có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ bị mắc sởi trong khi cơ thể đã có bệnh nền. Đối với phụ nữ bị mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sảy thai, đẻ non...

Theo ThS Nguyễn Hồng Hà, Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới TƯ, trẻ em mắc sởi thường dễ phát hiện với biểu hiện sốt cao, viêm long được hô hấp trên và viêm kết mạc, sao đó phát ban. Các di chứng thường gặp các di chứng như viêm tai giữa, viêm phế quản phổi, viêm thanh quản, viêm loét giác mạc, cam tổ mã (tức bị hoại tử, loét các phần miệng, họng, hàm...), thậm chí dễ nhiễm lao...Trong khi đó ở người lớn dấu hiệu bệnh cảnh rất mờ nhạt thường dễ nhầm lẫn với các sốt phát ban khác như luban....

Đặc biệt, người lớn mắc bệnh sởi, ít gặp các biến chứng về đường hô hấp, tuy nhiên điều nguy hại chính là những di chứng của bệnh sởi ở người lớn thường không ai có thể biết để ngăn chặn. Thông thường sau khi bệnh nhân tưởng đã khỏi bởi hết sốt, hết phát ban thì sẽ xuất hiện trở lại sốt li bì và khi đó nhiều người đã bị viêm não màng não với các biến chứng nặng. Bệnh nhân sau khỏi sẽ dẫn đến các di chứng liệt, động kinh, ngớ ngẩn và tỷ lệ tử vong khá cao, khoảng 15%.

Bệnh nhân sởi đang sốt cần cho ăn nhẹ như sữa, cháo, thịt, súp thịt, nước cam, xoài, dưa hấu, long nhãn, thanh long và uống đủ nước. Khi hết sốt cho ăn bình thường nhưng tăng cường chất đạm, vitamin nhằm chống gầy yếu, phục hồi sức lực. Khi đã phục hồi vẫn phải tắm nước nóng trong phòng kín, tránh lạnh…

Thúy Nga

BẢN DESKTOP