Trong nước

Phòng bệnh dại mùa nắng nóng như thế nào?

  • Tác giả : Yến Thanh
Từ đầu năm 2024 đến ngày 24/3, cả nước xảy ra 26 ca tử vong trên người do bệnh dại ở 15 tỉnh, thành. Tại TP HCM nhiều năm liền không xảy ra bệnh dại trên động vật cũng như trên người.

Thông tin trên được ông Lê Minh Trí, Phó trưởng Phòng Chăn nuôi dịch tễ thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP HCM cung cấp tại buổi họp báo diễn ra vào chiều 28/3.

Tập trung tiêm phòng vaccine đại trà

Theo ông Trí, hiện nay tổng đàn chó mèo tại TP HCM là 183.700 con được nuôi tại 106.060 hộ dân, trung bình nuôi 1,73 con/hộ. Theo thông tin của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, từ đầu năm 2024 đến ngày 24/3 cả nước có 26 người tử vong do bệnh dại ở 15 tỉnh, thành (tăng hơn hai lần so với cùng kỳ năm 2023 - có 12 ca). Tuy nhiên, trên địa bàn TP HCM nhiều năm liền không xảy ra ca dại trên động vật cũng như trên người.

Để đạt được thành quả như trên, TP HCM đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, như tiêm phòng vaccine cho chó, mèo trên địa bàn; hỗ trợ 50% chi phí vaccine tại 5 huyện ngoại thành. Tập trung tiêm phòng vaccine đại trà vào khoảng tháng 3-5 hằng năm và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi.

Khi dẫn cho ra đường đi dạo, phải rọ mõn hoặc xích và giữ để chó không cắn người. Ảnh minh họa.

Khi dẫn cho ra đường đi dạo, phải rọ mõn hoặc xích và giữ để chó không cắn người. Ảnh minh họa.

Trong công tác bắt chó thả rông, Chi cục CN&TY đã hỗ trợ các quận, huyện và TP Thủ Đức trong công tác tập huấn bắt chó thả rông, hỗ trợ phương tiện, dụng cụ bắt chó, hỗ trợ xử lý... đến nay có 59 phường, xã đã thành lập tổ bắt chó thả rông trên địa bàn TP HCM.

Đối với việc xây dựng vùng an toàn bệnh Dại, từ năm 2008 Chi cục CN&TY đã tham mưu, triển khai xây dựng được 2 phường an toàn bệnh dại đầu tiên của TP HCM là phường 4 và 6, quận Tân Bình. Đến năm 2014 tiếp tục xây dựng mở rộng 4 quận nội thành (quận 1, 3, 4 và 5). Năm 2016, mở rộng các quận, huyện ven nội và nội thành khác và có 17 quận nội thành, ven nội thành; 50 phường, xã an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại. Từ đó, xây dựng TP HCM là vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại, và được Cục Thú y cấp giấy chứng nhận vào ngày 9/1/2020.

Phòng bệnh dại mùa nắng nóng

Hiện nay các tỉnh miền Nam nói chung và TP HCM nói riêng đang trong giai đoạn nắng nóng. Do đó, để công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn đạt hiệu quả, góp phần duy trì TP HCM là vùng an toàn bệnh dại, cũng như bảo vệ sức khỏe của người dân, Chi cục CN&TY khuyến cáo người dân nên tiêm phòng vaccine bệnh dại cho chó, mèo mỗi năm 1 lần.

Mũi tiêm đầu tiên thực hiện từ 12 tuần tuổi, trường hợp chó hoặc mèo được tiêm phòng trước 12 tuần tuổi, thì mũi bổ sung phải tiêm vào lúc 12 tuần tuổi hoặc lớn hơn. Đây là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu cho vật nuôi trong nhà, từ đó không xảy ra bệnh dại cho con người.

Cần kê khai động vật chăn nuôi 2 lần/năm cho chính quyền địa phương; khai báo với Trạm CN&TY địa phương hoặc chính quyền địa phương khi đưa chó, mèo từ nơi khác về nuôi, nhất là chó mèo chưa được tiêm phòng bệnh dại; không mua chó, mèo bán rông trên đường phố hoặc không rõ nguồn gốc về nuôi, vì đây là mối nguy cơ xảy ra và lây lan bệnh dại trên động vật rất cao.

Cần xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải đảm bảo an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó, hoặc xích giữ chó và có người dắt.

Khi bị chó, mèo hay động vật cào cắn, cần xử lý vết thương và đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị dự phòng bệnh dại kịp thời.

Khi phát hiện chó, mèo có triệu chứng bệnh dại, như: thường trốn vào góc tối, kín đáo, tỏ ra vồn vã thái quá, thỉnh thoảng sủa vu vơ, tru lên từng hồi; hoặc bồn chồn, nhảy lên đớp không khí, chó liếm hoặc tự cắn, cào đến rụng lông, chảy máu, chó bỏ ăn, nuốt khó, sốt, dãn đồng tử…, thì phải nhốt riêng và báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y để xử lý kịp thời, nhằm khống chế, không để phát sinh và lây lan bệnh dại trong cộng đồng.

Yến Thanh

BẢN DESKTOP