Bệnh lý rất phức tạp
Đau cột sống là một bệnh lý rất phức tạp và có thể do rất nhiều nguyên nhân gây nên như thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống, thoái hóa khớp cột sống, gai xương chèn ép, cốt hóa các dây chằng, trượt đốt sống, vẹo cột sống… Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều bệnh lý không phải cột sống, nhưng lại có những triệu chứng gần giống đau cột sống, dễ gây ra nhầm lẫn tai hại trong chẩn đoán như đau do thoái hóa khớp háng, khớp gối, viêm khớp cùng chậu, các bẫy thần kinh…
Bệnh nhân bị đau cột sống thường bị ám ảnh bởi những cơn đau triền miên, kéo dài nhiều năm. Bệnh nhân điều trị khắp nơi, cả Đông y lẫn Tây y, thậm chí gây ra biến chứng loét dạ dày. Phần nhiều bệnh nhân cột sống rất lo sợ khi phải phẫu thuật, với nỗi ám ảnh chính là sợ bị liệt. Họ thường chịu đựng đau, chất lượng cuộc sống giảm trầm trọng, và đôi khi dẫn đến những bệnh lý khác như trầm cảm, tâm thần…
Trong nhiều trường hợp đau lưng mạn tính, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh thực hiện tiêm phong bế vào cột sống. Tiêm phong bế thần kinh cột sống có thể giúp tìm ra được vị trí và nguyên nhân gây ra cơn đau dai dẳng và cũng được sử dụng để điều trị giảm đau hiệu quả. Nếu một mũi tiêm giúp người bệnh giảm đau tại khu vực được tiêm, chắc chắn khu vực đặc biệt này là thủ phạm gây đau.
Tiêm phong bế còn có nhiều ưu điểm nổi trội như: Không tàn phá tổ chức, ra viện ngay trong ngày tiêm, thích hợp với bệnh nhân có nhiều bệnh lý phối hợp, người cao tuổi (không đủ sức để trải qua cuộc phẫu thuật)… Một điểm đặc biệt lưu ý là tiêm phong bế cột sống khác hẳn với kỹ thuật thủy châm trong Đông y (á thị huyệt), các phương án tiêm giảm đau vào cơ thông thường (tiêm mù). Điểm mấu chốt ở chỗ, tiêm phong bế cột sống cần phải sử dụng màn huỳnh quang tăng sáng, các kiến thức về giải phẫu thần kinh cột sống, kinh nghiệm chuyên sâu của bác sĩ, để tìm ra đúng vị trí nghi ngờ gây bệnh và can thiệp một cách hiệu quả nhất.
Rủi ro liên quan đến tiêm phong bế cột sống
Nói chung, khi người bệnh có một số bệnh lý phối hợp, bác sĩ có thể quyết định không an toàn để thực hiện tiêm cột sống. Nếu có nguy cơ chảy máu cao hoặc đang điều trị chống đông máu (thuốc ngăn ngừa đông máu), thì việc tiêm tủy sống không phải là lựa chọn tối ưu. Người bệnh phải ngừng tất cả các loại thuốc như aspirin và ibuprofen 5 ngày trước khi tiêm. Những loại thuốc này có thể làm giảm khả năng đông máu và có thể gây ra tai biến khi tiêm. Hãy thông báo cho bác sĩ danh sách các loại thuốc dị ứng của bạn trước khi làm thủ tục tiêm.
Nếu bạn bị nhiễm trùng tại chỗ hoặc toàn thân, tiêm cột sống có thể khiến bạn có nguy cơ lây nhiễm bệnh vào cột sống cao hơn, gây viêm màng não (viêm ở vùng bao quanh tủy sống). Hãy báo với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ vết thương bị nhiễm trùng, nhọt hoặc phát ban bất cứ nơi nào trên cơ thể. Một bệnh nhân không ổn định về tình trạng sức khỏe nên được điều trị ổn định trước khi tiêm phong bế cột sống.
Ngoài ra, tiêm phong bế cột sống không thích hợp cho bệnh nhân bị tiểu đường hoặc suy tim sung huyết.
Tiêm phong bế cột sống phải được thực hiện bởi các chuyên gia về thần kinh cột sống hoặc bác sĩ điện quang thần kinh can thiệp vì đây là một bệnh lý vô cùng phức tạp, đòi hỏi phải chẩn đoán lâm sàng, hình ảnh đúng, thực hiện kỹ thuật phong bế thật sự chính xác mới đảm bảo chẩn đoán bệnh đúng và điều trị hiệu quả. Nếu thực hiện kỹ thuật sai, không những bệnh nhân không khỏi bệnh, mà chẩn đoán bệnh cũng sai lầm.
TS.BS Đỗ Mạnh Hùng (Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức)