Y học và đời sống

Phối hợp thuốc trị đại tiện nhiều do ung thư dạ dày

Mỗi người bị ung thư dạ dày lại có các biểu hiện khác nhau, tùy theo nguyên nhân, triệu chứng của bệnh mà Đông y có cách chữa khác nhau. Với tình trạng UTDD ăn vào là đại tiện, phân thường sống hoặc lỏng loãng, nhiều khi đi ngoài không dứt… đông y phối hợp giữa hai bài thuốc cổ “Phụ tử lý trung thang” với “Kim quỹ thận khí hoàn” gia giảm để trị liệu.
ung thư dạ dày

Ảnh minh họa

Ung thư dạ dày là bệnh lý ung thư đứng hàng thứ 4 trên thế giới với tỷ lệ tử vong cao hàng thứ 2 sau ung thư phổi. Bệnh thường gặp nhiều ở nam giới và ở các nước đang phát triển. Trong giai đoạn sớm, 70% số bệnh nhân hầu như không có triệu chứng nên việc phát hiện bệnh sớm là hết sức khó khăn.

Đa phần người bệnh được phát hiện vào giai đoạn giữa và cuối, khi đó bệnh đã trầm trọng, người bệnh rất đau đớn. Trong giai đoạn đầu, có thể xuất hiện chứng trạng như chán ăn, bụng đầy trướng, chậm tiêu, có cơn đau mơ hồ ở vùng thượng vị…

Trong Đông y không có bệnh danh ung thư dạ dày, nhưng căn cứ vào các triệu chứng của bệnh có thể thấy căn bệnh này thuộc phạm vi các bệnh như vị quản thống, vị phản, tào tạp, phục lương, tích tụ… Đông y cho rằng, bệnh nguyên bệnh cơ của ung thư dạ dày chủ yếu là do rối loạn tình chí lâu ngày, ẩm thực bất điều khiến cho can mất sơ tiết, vị mất hóa giáng hoặc mắc các chứng bệnh lâu ngày làm thương tổn tỳ vị, công năng vận hóa suy giảm, đàm ngưng khí trệ, giao kết tại vị, tích tụ thành u cục mà phát bệnh.

Đàm khí giao trở tại vị làm ảnh hưởng đến công năng vận hóa mà hình thành chứng tỳ vị hư nhược; dần dần đàm khí giao kết, ứ huyết, nhiệt độc bên trong không giải gây tổn thương vị lực dẫn đến tiện huyết, thổ huyết; tiêu hóa rối loạn làm khí huyết mất nguồn hóa sinh, dẫn đến khí huyết đều hư; nhiệt độc tích tụ quá lâu có thể gây tổn thương vị âm mà tạo chứng vị âm khuy tổn. Trong giai đoạn sau, đa phần mang tính chất hư thực kiêm tạp.

Trị liệu thông thường Tây y sẽ tiến hành phẫu thuật kết hợp với hóa trị liệu. Đông y có thể can thiệp vào tất cả các giai đoạn của bệnh với vai trò là chính hoặc phụ một cách linh hoạt trên nguyên tắc biện chứng luận trị hoặc biện bệnh luận trị. Tùy theo biểu hiện mà có bài thuốc khác nhau.

Với trường hợp bị bụng lạnh đau, thích chườm nóng và xoa ấm, hoặc sáng ăn chiều thổ hoặc chiều ăn sáng hôm sau thổ, phân sống và lỏng loãng, thậm chí đi nhiều không dứt, tiểu tiện bất lợi, mặt nặng chân phù, da nhợt nhợt, chất lưỡi nhợt bệu, có vết hằn răng, rêu lưỡi mỏng và trơn nhờn… theo Đông y thuộc thể “tỳ thận dương hư” phải dùng phép trị: ôn trung tán hàn, ôn trợ thận dương.

Phương dược có hiệu quả cho thể bệnh này là sự kết hợp giữa hai bài thuốc “Phụ tử lý trung thang hợp Kim quỹ thận khí hoàn gia giảm” bao gồm: đẳng sâm 20g, bạch truật 10g, bán hạ chế 10g, phụ tử chế 10g, trần bì 10g, đậu khấu 6g, can khương 6g trư linh 15g, phá cổ chỉ 15g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Trong bài dùng phụ tử, can khương và phá cổ chỉ để ôn bổ tỳ thận để tán hàn; đậu khấu và trần bì lý khí để giúp kiện tỳ. Các vị thuốc phối hợp với nhau để tạo nên công dụng ôn trung tán hàn, ôn trợ thận dương của phương thuốc; Nhân sâm nha truật, xuyên khung làm gia tăng công năng kháng ung của bài thuốc.

Gia giảm: Nếu hàn ngưng huyết ứ gia: kê huyết đằng 10g, đào nhân 10g, hồng hoa 10g để ôn dương hành khí và hoạt huyết. Nếu hàn ngưng ứ trệ gia: ô dược 10g và mộc hương 10g để khứ hàn hành khí. Nếu thận dương hư nặng gia: nhục thung dung 10g và đỗ trọng 15g để ôn thận trợ dương. Nếu thủy thấp nội đình gia: bạch linh 15g, trạch tả 15g, xa tiền tử 15g và quế chi 6g để ôn dương, lợi thủy, hóa thấp.

BS Khánh Hiển

(Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

BẢN DESKTOP