Đời sống

Phối hợp nhiều bài tập tự chữa bệnh

Phối hợp nhiều bài tập tự chữa bệnh giúp Bà Đỗ Thị Thuận 69 tuổi, sống vui, sống khỏe. Đến nay vợ chồng bà vẫn ở cùng các con, giúp các con rất nhiều việc.

Dạ dày hành hạ

Bà Thuận về hưu từ năm 2005. Từ hồi thanh niên bà đã khổ với bệnh dạ dày, oái oăm là bà đau hang vị dạ dày nên khó chữa. Lúc mới đau, bà cảm thấy tưng tức, đau âm ỉ ở vùng thượng vị. Khi nào ăn uống thất thường thì đau dữ hơn, có khi đau từ 1 giờ chiều đến 10 giờ đêm chưa dứt. Đau dạ dày đã khó chữa, đau hang vị dạ dày còn khó chữa hơn.

Bà cho biết, tất cả các phần của dạ dày đều có thể bị đau nhưng phần dễ bị tổn thương nhất là hang vị. Khi bà đi khám, các bác sĩ nói rằng, niêm mạc vùng hang vị rất mỏng manh, nồng độ acid ở khu vực này thấp hơn so với các vùng khác của dạ dày nên thường trở thành khu vực tấn công đầu tiên của các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn HP.

Tình trạng viêm nhiễm lâu ngày không được chữa trị dứt điểm có thể xuất hiện những vết loét, lâu dần có thể ung thư…Lo ngại cho sức khỏe, bà đi khám nhiều nơi, sau uống thêm thuốc đông y, không ăn chua, ăn uống điều độ, đúng bữa, bệnh mới lui dần.

Tự chữa đau dạ dày, xương khớp

Khi bà về hưu, có thời gian hơn, bà không để cho dạ dày đói hay no quá. Sáng sáng bà ra công viên đi bộ, trước là để hít thở không khí trong lành buổi sáng, sau là tập luyện cho xương khớp dẻo dai.

Bệnh dạ dày của bà không cho phép đi bộ khi mới ăn xong nên tập thể dục vào buổi sáng là tốt nhất. Bà kể : ”Hồi còn đi làm, mặc dù còn trẻ nhưng tôi rất hay lên cơn đau dạ dày. Khi đi công tác hay du lịch, đi bộ một lúc là thấy mệt. Thế mà về hưu, do luyện tập đi bộ thường xuyên nên mỗi dịp hè, đi du lịch cùng bạn bè, con cháu, tôi đi bộ cả tiếng mà không thấy mệt”.

Bà Thuận có bệnh xương khớp, khi chuyển mùa các khớp xương kêu răng rắc, người nhức mỏi, lắm khi chỉ muốn nằm trên giường, không muốn nhúc nhích chân tay. Thế nhưng bà nghiệm thấy, càng nằm lâu càng mệt.

Nếu mỗi hôm tập đi bộ, vẩy tay một chút thì sức khỏe nâng dần, xương khớp nếu có đau cũng không đến độ nhức, buốt. Hôm nào mưa gió hay mệt mỏi, bà ở nhà tự mát xa theo phương pháp Cốc Đại Phong (phương pháp của người Trung Quốc). “Theo phương pháp này, người ta coi rốn là nơi tập trung nguồn dinh dưỡng của cơ thể.

Khi xoa bóp phải tập trung hướng về rốn. Xoa trực tiếp lên da. Lực mạnh yếu tuỳ thuộc vào sức khoẻ. Bất cứ lúc nào rảnh rỗi cũng có thể tự xoa bóp, nhưng xoa bóp vào buổi sáng khi mới thức dậy là tốt nhất. Với bệnh dạ dày, trước khi đi ngủ xoa tay xung quanh rốn theo chiều kim đồng hồ. Kết thúc chà tay vào vùng bụng dưới. Cách mát xa này không chỉ giúp duy trì trạng thái ổn định cho dạ dày mà còn kích thích dạ dày hoạt động tốt hơn”- bà cho biết.

Có thời gian, bà còn mầy mò học Diện chẩn. Bà nói, đây là hệ thống các kỹ năng thực hành tác động lên bề mặt da của cơ thể, giống như xoa bóp thông thường. Diện chẩn rất lành, phù hợp với mọi đối tượng, lứa tuổi, giúp hỗ trợ điều trị các bệnh mãn tính rất tốt.

Từ khi tích cực mát xa, xoa bóp, các khớp xương của bà không còn lục cục, sáng sớm không thấy đau nhức, đi bộ dẻo dai hơn. Riêng với bệnh gai gót chân, bà kể, trước kia bước chân xuống đất là nhói lên như có kim đâm. Tập chữa bệnh theo Diện chẩn hay Cốc Đại Phong, ấn vào chỗ gai rồi day, thế mà bệnh khỏi.

Theo bà Thuận, có tuổi là lúc bệnh tật tấn công. Nếu ỉ lại thuốc thang, bệnh viện chưa chắc đã khỏi bệnh. Bản thân cũng phải tập luyện, nâng cao sức khỏe. Có sức rồi thì giúp con giúp cháu, vừa vui, vừa khỏe người. Sống khỏe, sống có ích mới có ý nghĩa.

Minh Hoa

BẢN DESKTOP