Giáo dục

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Thi vào đầu cấp vẫn còn rất căng thẳng

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hiện nay thi vào các đầu cấp học phổ thông vẫn còn rất căng thẳng, tức là chúng ta chưa tuân thủ nguyên tắc.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, tương lai của mọi gia đình và dân tộc đều phụ thuộc vào sự nghiệp giáo dục.

Giáo dục có đặc thù là liên quan tới mọi nhà, nhất là với một dân tộc hiếu học như Việt Nam. Mọi sự đổi mới đều có ý kiến đóng góp và tranh luận, nhiều khi trái ngược nhau.

Đổi mới rất cần sự đồng thuận, nhưng thật hiếm khi nào có chính sách về đổi mới mà nhận được sự đồng thuận 100%. Nhưng một khi chúng ta đã xác định được rồi, phải rất kiên trì, kiên định.

Cũng theo Phó Thủ tướng, mọi đổi mới của giáo dục đều cần có lộ trình, thời gian, chứ không như các lĩnh vực khác. Ví dụ như đổi mới sách giáo khoa, chưa kể thời gian chuẩn bị, chỉ cần cuốn chiếu cũng đã dự tính mất 6 năm. Có thời kỳ mất 11 năm.

Hoặc thi THPT quốc gia, lộ trình ban đầu đổi mới ban đầu đặt ra là 6 năm,  từ 2015 - 2020 mới xong một bước. Và trong quá trình thực hiện không bao giờ hoàn mỹ. 

Theo Phó Thủ tướng, trục trặc ở kỳ thi năm ngoái là một ví dụ. Lúc đó, dư luận xã hội vì điều này mà có rất nhiều ý kiến, yêu cầu bỏ lộ trình đổi mới. Tuy nhiên, xác định đây là chủ trương phù hợp, đúng đắn nên hệ thống chính trị và Bộ GD&ĐT đã kiên định, không vì một vài hiện tượng cá biệt mà từ bỏ lộ trình đã đề ra.

Đối với giáo dục phổ thông, Phó Thủ tướng cho rằng cần phải đảm bảo 3 nguyên lý. Thứ nhất, phải đảm bảo đủ trường, lớp, thầy cô giáo để học sinh học đủ hai buổi một ngày gần nhà và không phân biệt đầu vào. 

"Còn chúng ta hiện nay, thi vào các đầu cấp vẫn còn rất căng thẳng, tức là chúng ta chưa tuân thủ nguyên tắc ấy", Phó Thủ tướng nói.

Thứ hai, Nhà nước phải lo chung, trong đó trường công phải lo từ mức phổ cập trung bình trở xuống, lo cho người yếu thế (các cháu khuyết tật, tự kỷ, dân tộc thiểu số), đào tạo nhân tài. Còn phân khúc chất lượng cao dành cho xã hội. Nhà nước không thể bao cấp hết được. 

Và đặc biệt, điều rất quan trọng - thứ 3 là trường học phổ thông không phải chỉ đơn thuần là một thiết chế của chính quyền. Mà nó là thiết chế của cả cộng đồng. Mô hình quản lý các trường phổ thông không chỉ có chính quyền cấp huyện cấp sở quận của ban giám hiệu, mà cần có sự hiện diện của đại diện cộng đồng, phụ huynh học sinh.

Mai Loan

BẢN DESKTOP