Dọc đường

Phiến đá oán hờn ở chùa Thập Tháp

Những ngày cuối năm, chúng tôi về mảnh đất võ Bình Định để tìm hiểu và nghe thêm nhiều câu chuyện lịch sử và tâm linh tại ngôi cổ tự.

Các câu chuyện nửa thực nửa hư với những chứng tích lịch sử cách đây hàng trăm năm được lưu truyền trong dân gian, vẫn còn mang nhiều điều huyền bí mà các bậc cao niên tại địa phương bấy lâu nay truyền lại cho con cháu.

Phiến đá oán hờn ở chùa Thập Tháp.

Phiến đá oán hờn ở chùa Thập Tháp.

Khối bạch thạch “oán hờn

Từ thủ phủ Quy Nhơn, chúng tôi nóng lòng tới phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, nơi có ngôi cổ tự Thập Tháp, được gắn biển di tích quốc gia với niên đại gần 400 năm.

Nhiều đời qua, nơi đây nổi tiếng với di tích phiến đá chém. Tương truyền là Vua Gia Long – Nguyễn Ánh – khi Bắc tiến, chiếm được thành Đồ Bàn đã đưa những nghĩa quân Tây Sơn lên đây xét xử nên phiến đá này rất linh thiêng.

Để tìm hiểu thêm thông tin về ngôi chùa, người viết liên lạc với ông Nguyễn Thanh Quang, Trưởng phòng Nghiệp vụ của Ban quản lý di tích tỉnh Bình Định. Ông Quang cho biết, chùa Thập Tháp thuộc vào hàng chùa chiền ra đời sớm ở Đàng Trong, từ năm 1677.

Tính đến nay, lịch sử chùa đã được gần 4 thế kỷ. 10 ngôi tháp yểm hậu của người Chàm (Chămpa) trên khu gò phía Bắc thành Đồ Bàn đã gãy đổ nhưng ngôi cổ tự vẫn còn in đậm dấu vết trên địa danh này.

Phía sau chùa vẫn còn những nền móng nhuốm màu rêu phong. Chùa nằm trên đồi Long Bích, mặt hướng về núi Mò O, dân gian còn gọi là núi Thiên Bút, là vùng lãnh uyển của vua chúa Chiêm Thành xưa.

“Bản tự cung soạn” viết ngày 28/12 năm Kỷ Mùi (năm 1799) hiện lưu giữ tại chùa cũng giải thích: “Chùa Thập Tháp được mang tên “Thập Tháp Di Đà tự”.

Nguyên trước đây trên khu đồi này có 10 ngọn tháp Chăm, sau thời gian và chiến tranh loạn lạc, bị điêu tàn, sụp đổ. Vì chùa có 10 ngôi tháp nên gọi là Thập Tháp.

Còn Di Đà cũng có nghĩa lý tính, bản giác chúng sinh. Tổng hợp hai ý nghĩa trên tổ đình được mệnh danh là “Thập Tháp Di Đà tự”.

Chùa Thập Tháp tọa lạc trên khu đồi mang tên Long Bích. Về phía bắc, nằm yểm hậu sát cạnh thành Đồ Bàn, thuộc thôn Vạn Thuần, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định”.

Trước ngôi chùa này còn có cổ mộ của những người trụ trì trước đây của chùa. Do nằm cạnh QL1A nên ngày cuối tuần hay lễ tết, lượng phật tử, khách du lịch đổ về đây chiêm bái, tìm thanh thản trong thuyết giáo luân hồi của nhà Phật rất đông.

Dạo bước giữa màu xanh ngút ngàn của cây cối, chúng tôi muốn diện kiến khối đá linh thiêng là tâm điểm của Thập Tháp tự.

Chú tiểu dẫn khách đường xa bước qua một cổng đầy Hán tự và trước mặt là phiến đá được yên vị ngay trước chính điện.

Khối bạch thạch cao khoảng 0,38m, dài khoảng 1,58m, rộng 1,3m, toàn thân láng như hòn đá mài, 4 góc được đẽo hoa văn đơn giản.

Nếu không nghe kể chuyện về khối bạch thạch này, thoạt trông không ai có thể ngờ phiến đá hiền hậu và đơn giản kia đã chứa đựng biết bao nỗi oan khuất của hàng trăm mạng người.

Phía trước khối bạch thạch được đặt thêm một khối đá nhỏ khác, với ý đồ để làm bậc tam cấp bước vào chính điện.

Các nhà sư nói rằng, việc đặt phiến đá chém ở đây là có ý đồ của nhà chùa. Các bậc tiền bối muốn khối oan hờn này được thường xuyên nghe kinh kệ của chùa mà làm cho những sinh mạng từng bỏ mình trên đó được siêu thoát.

Nguyên ban đầu khối bạch thạch được mang về đặt cạnh cây thị cổ thụ 200 – 300 năm tuổi nằm phía bắc tường bao của nhà chùa và được đặt tên là “phiến đá chém”. Đã về đến cửa Phật mà nỗi oan khiên trong phiến đá chém vẫn còn vất vưởng, ám ảnh cả vào trong tâm thức người ta.

Có những câu chuyện rõ là hoang đường nhưng vẫn ám ảnh các sư đến tận bây giờ. Một trong số đó là câu chuyện đồn rằng thuở nhà sư Mật Hạnh (trụ trì của chùa trước đây) lúc 20 tuổi, vào những đêm mùa đông, trong tiết trời âm u, nhà sư thấy một phụ nữ thường xuyên bước ra từ hòn đá rồi đi đến chỗ đặt tấm bia di tích của nhà chùa.

Người phụ nữ này đêm nào cũng mặc áo cụt trắng, quần đen. Khi chó trong chùa sủa ran thì bóng người phụ nữ mới biến mất!

Lại có chuyện rằng một thời gian sau, sư phụ của nhà sư Mật Hạnh là cao tăng Phước Huệ lại một lần nữa chuyển hòn đá vào để ngay cửa bước vào chính điện của nhà chùa.

Sau đó nhà sư Phước Huệ kể lại với các đệ tử của mình chuyện trong đêm đầu tiên chuyển hòn đá vào chùa, nhà sư đang ngon giấc trên gác thì thấy có một vị mặc trang phục võ tướng hiện hình nói rằng: “Ông ỷ mình là đệ tử của Phật nên phá nhà tôi hả?”. Nhà sư Phước Huệ hét to một tiếng khiến tất cả sư đệ trong chùa đều nghe thấy.

Lúc chúng tôi đến, trụ trì chùa là nhà sư Thích Viên Định đi vắng. Thầy Thích Nhật Tánh, trụ trì chùa Tân An, thị xã An Khê, Gia Lai trước đây, mới chuyển về trụ trì ở gần đó, thêm phần ly kỳ:

“Từ nhỏ tôi đã nghe câu chuyện linh thiêng này. Thấy bảo buổi tối phiến đá còn phát sáng nhưng đến nay thì không còn nữa. Trong 3 tháng hè thì các trụ trì của các chùa trong vùng lại tập trung về chùa Thập Tháp để cùng nhau cúng kính những vong hồn vương vãi trên phiến đá oán hờn…”.

Nhà sư Thích Nhật Trường đã tu 22 năm tại đây cho biết hiện có nhiều nhà nghiên cứu đã về đây để tìm hiểu về câu chuyện lịch sử liên quan đến khối bạch thạch này. Bản thân những gì liên quan đến phiến đá chính là lí do của sự linh thiêng.

Chú tiểu tên Hoàng, 19 tuổi, pháp danh Nhất Huy, quê ở xã Cát Tường, huyện Phù Cát, Bình Định, sống ở chùa hơn chục năm qua, trong câu chuyện của mình, cũng khẳng định từ nhỏ chú đã nghe nói về sự linh thiêng này.

Phiến đá oán hờn ở chùa Thập Tháp ảnh 2

Lối vào chùa Thập Tháp.

Thường được chứng kiến các ngài (nhà sư) trong chùa và các vùng lân cận tập trung lại để hồi hướng cho hòn đá sớm siêu thoát đi, chú nhớ lại câu chuyện mà các sư huynh kể lại về những đêm nhà chùa tổ chức cúng hành binh, hành khiển hằng năm vào lúc nửa đêm 30 tháng Chạp, rạng sáng ngày mùng 1 tết Nguyên đán trước đây.

Khi ấy nhà sư Mật Hạnh còn nhỏ, chỉ được đứng hầu sư phụ và các sư thúc lên đàn. Bàn thờ cúng được trần thiết ngay chính điện, nơi đặt phiến đá chém bên dưới.

Trong mỗi lần cúng, đến khi đổ 3 hồi trống chiến là tự nhiên có một dải lụa trắng, tỏa ra ánh hào quang sáng rực xuất hiện bay lượn ngang chính điện một lần rồi biến mất!

Những câu chuyện mười phần hư ảo nhưng thực ra lại chính là thể hiện ước vọng của con người thực tại, muốn phần nào giải tỏa những ai oán của một thời lịch sử phân tranh đẫm máu.

Hòn đá voi giẫm

Rời thị xã An Nhơn, chúng tôi trực chỉ sân bay Phù Cát, sau đó quyết định thượng sơn về thôn Bến Đức, xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn, để tìm hiểu về một hòn đá khác cũng mang trên mình những chứng tích lịch sử của một thời tàn khốc. Hòn đá ở đây tương truyền là đế để voi dẫm lên nghĩa quân Tây Sơn cho đến chết. Hòn đá này hiện đang đặt ở chùa Hồng Quang.

Ngôi chùa này nằm lọt thỏm giữa đồng lúa xanh mơn mởn. Khu vực này có nhiều chùa nhưng hỏi về ngôi chùa có hòn đá mang chứng tích lịch sử linh thiêng thì ai cũng biết. Vào chùa phải men theo đường ruộng.

Trụ trì chùa Hồng Quang là nhà sư Thích Hồng Phương cho biết, hòn đá voi giẫm trông khá vuông vức, dài và rộng khoảng 0,6m, cao khoảng 0,5m.

Hòn đá voi giẫm ở chùa hồng Quang.

Hòn đá voi giẫm ở chùa Hồng Quang.

Nhìn hòn đá bề ngoài hết sức bình thường, ít ai có thể ngờ rằng nó mang trên mình những câu chuyện ly kỳ bởi chính những sự kiện đã xảy ra, đau thương và oan khuất, vừa kì dị vừa rùng rợn của cả một giai đoạn lịch sử.

Tất nhiên, hòn đá ban đầu cũng chỉ là vật vô tri vô giác, về sau do hành vi của con người tác động vào mới sinh ra “oán hờn” đến nỗi hàng trăm năm vẫn chưa nguôi.

Nhấp một ngụm trà, sư thầy Thích Hồng Phương chậm rãi vào chuyện. Truyền rằng, xưa kia quân lính nhà Nguyễn khi trả thù nhà Tây Sơn đã đưa tù binh đến đây, dùng hòn đá này để kê đầu người, sau đó cho voi giẫm lên.

Tuy không to lớn như phiến đá trắng ở chùa Thập Tháp nhưng hòn đá này khi ở pháp trường cũng chứng kiến biết bao cảnh đau thương.

Được biết ban đầu, quân lính nhà Nguyễn lên núi tìm không phải một mà là nhiều hòn đá lớn, đem về tạc cho vuông vức, mang ra đặt ở pháp trường.

Các nạn nhân lần lượt bị giải đến, sau đó bị hành hình trên hòn đá bằng cách cho voi giẫm lên. Trong số đó, rất nhiều người vô tội phải chết oan uổng, khắc sự căm hờn thấm sâu vào đá. Bởi thế khi cuộc trả thù kết thúc, hòn đá vô tri vô giác kia đã bị nỗi oán hờn bao bọc tầng tầng lớp lớp.

Sau khi không còn được sử dụng nữa, những hòn thạch trảm bị vứt bỏ. Qua bao cuộc vật đổi sao dời, chỉ còn lại một hòn đá nằm trơ trọi tại làng Ngãi Chánh, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn.

Thời gian cũng làm cho những câu chuyện một thời trở nên li kì, huyền hoặc và chẳng mấy ai chú ý đến hòn đá thô cộc nằm cạnh con đường làng. Thế rồi cách đây 30 năm, sư thầy Phương đã cúng kính và di dời hòn đá này về chùa ở huyện Tây Sơn bây giờ.

Hòn đá đặt giữa hồ, ngay gian chính điện. Cạnh đó là bàn thờ phật suốt ngày nghi ngút khói hương của lữ khách và phật tử xung quanh đến làm công quả cho nhà chùa.

Vị sư này nói rằng, giữa không khí linh thiêng của Phật pháp, hy vọng hòn đá mang nhiều nỗi đau đời đó sẽ được gột rửa, làm nhẹ đi những nỗi oan khiên đầu rơi máu chảy mà ngược lại phù hộ cho dân làng yên ấm, hạnh phúc.

Chị Nguyễn Thị Thảo, một phật tử sống cạnh chùa Hồng Quang thêm phần giải thích về căn nguyên của việc đưa hòn đá về chùa. “Lịch sử của hòn đá thì không ai tính được. Chỉ nghe họ nói rằng, trong một giấc mộng của thầy Phương, hòn đá đã báo mộng cho thầy”.

Bà sãi Hai, năm nay 68 tuổi, là người giúp việc ở chùa kể bà về đây từ năm 1979 cũng chứng kiến nhiều sự mầu nhiệm từ tảng đá tưởng như vô tri vô giác đó như chuyện dân làng và xung quanh no ấm, ít lũ lụt, ngập nặng như trước đây.

Các gia đình quanh chùa đều yên bề gia thất, mạnh khỏe. Nghe tiếng đồn về hòn đá, du khách thập phương trong và ngoài tỉnh rủ nhau đến viếng thăm ngôi chùa và thắp hương đông hơn.

Hằng ngày, các bà, các chị gần đó hay qua làm công quả và giới thiệu cho khách gần xa về ngôi chùa và hòn đá voi giẫm đẫm màu lịch sử, như một câu chuyện đậm chất nhân văn nơi miền quê nghèo nhưng thanh bình, yên ả.

Hà Tiên (Theo CAND)

BẢN DESKTOP