Thời sự

Phẫu thuật thành công bệnh nhân mắc nấm trong xoang bướm

  • Tác giả : BS Nguyễn Thế Trọng
Nấm là một trong những tác nhân gây viêm xoang mạn thường gặp nhất. Viêm xoang do nấm thường lành tính và ít xâm lấn. Tuy nhiên trong một số ít trường hợp nấm gây u xâm lấn và gây nhiều biến chứng nặng nề.

Vừa qua, Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện TWQĐ 108 tiếp nhận và phẫu thuật thành công bệnh nhân mắc nấm trong xoang bướm. Đó là bệnh nhân nữ (65 tuổi) tiền sử khỏe mạnh. Vài tháng gần đây, bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng đau vùng đỉnh đầu bên phải, đau âm ỉ kèm theo thỉnh thoảng khịt khạc đờm về buổi sáng, chóng mặt khi thay đổi tư thế.

Bệnh nhân đã điều trị tại nhiều cơ sở y tế khác, được chẩn đoán đau đầu theo dõi do thiểu năng tuần hoàn não và uống nhiều đơn thuốc mà tình trạng đau đầu không cải thiện. Sau đó, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện TWQĐ 108 được các bác sỹ khám và chỉ định chụp phim cộng hưởng từ sọ não thì không thấy hình ảnh tổn thương bất thường của nhu mô và mạch máu não, tuy nhiên trong lòng xoang bướm phải có hình ảnh khối tròn nhẵn, nằm về thành trong dưới.

Với hình ảnh tổn thương này chưa loại trừ polip đơn độc xoang bướm, bệnh nhân được chỉ định chụp phim cắt lớp vi tính mũi xoang, kết quả hình ảnh khối tròn nhẵn trong lòng xoang bướm tăng tỷ trong lòng, các thành xương xoang bướm không bị ăn mòn.

Hình ảnh nấm xâm lấn trong xoang bướm trên phim chụp

Hình ảnh nấm xâm lấn trong xoang bướm trên phim chụp

Tại Bệnh viện TWQĐ 108, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi nấm xoang bướm phải, các bác sĩ Khoa Tai Mũi Họng thực hiện phẫu thuật nội soi mở thông xoang bướm, quan sát thấy có khối nấm kích thước 1x1 cm giống như “hòn bi”, màu nâu đen hình cầu bề mặt nhẵn, cứng chắc.

Sau phẫu thuật bệnh nhân không đặt các vật liệu cầm máu trong hốc xoang, tình trạng đau đầu và chóng mặt giảm ngay sau khi kết thúc phẫu thuật, bệnh nhân được ra viện trong ngày thứ 2 sau mổ.

TS.BS Nguyễn Tài Dũng, Phụ trách Chủ nhiệm Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết, nấm xâm nhập vào cơ thể chúng ta qua đường mũi xoang là chủ yếu. May mắn là hệ thống miễn dịch giúp chúng ta không bị nhiễm nấm. Nấm là một trong những tác nhân gây viêm xoang mạn thường gặp nhất.

Viêm xoang do nấm thường lành tính và ít xâm lấn. Tuy nhiên trong một số ít trường hợp nấm gây xâm lấn và gây nhiều biến chứng nặng nề. Do đó việc nhận biết viêm xoang do nấm không xâm lấn hoặc xâm lấn là rất cần thiết vì cách điều trị và tiên lượng khác nhau đối với mỗi loại.

Viêm xoang do nấm chia thành hai loại là không xâm lấn (u nấm và viêm xoang dị ứng do nấm), xâm lấn (cấp tính, mạn tính, khối u hạt nấm khổng lồ).

“Vì vây, các bệnh nhân có biểu hiện nghẹt mũi, ngứa mũi, chảy mũi nhiều, sốt cao, đau đầu dai dẳng… cần được đến thăm khám và điều trị, tránh bỏ sót tổn thương viêm xoang do nấm nếu có”. BS Dũng khuyên.

Choáng, đau đầu bệnh nhân không ngờ “hòn bi” nấm trong xoang bướm

Choáng, đau đầu bệnh nhân không ngờ “hòn bi” nấm trong xoang bướm

Nấm trong xoang là sự tích tụ dày đặc không xâm lấn của sợi nấm trong một khoang xoang, thường là xoang hàm sau đó đến xoang bướm. Tỷ lệ mắc bệnh nấm cầu đơn độc trong xoang bướm được báo cáo là từ 8,0 đến 24,7% ở những bệnh nhân mắc nấm cầu trong xoang.

Bệnh thường gặp ở phụ nữ, lớn tuổi. Triệu chứng thường gặp nhất là đau đầu khu trú ở nhiều vùng khác nhau như ở vùng thái dương hoặc thái dương, sau ổ mắt hoặc quanh ổ mắt, vùng trán, vùng chẩm.

Một số ít bệnh nhân đau đầu lan tỏa. Mặt khác, các triệu chứng ở mũi như ngạt mũi, chảy dịch hoặc thường xuyên khạc đờm, đôi khi mùi hôi xuất hiện với tỷ lệ tương đối thấp cho nên các bệnh nhân thường đến khám và điều trị tại chuyên khoa nội thần kinh.

Phương pháp phẫu thuật nội soi mở thông xoang bướm là biện pháp điều trị duy nhất. Xoang bướm là một xoang sâu nhất trong các xoang hàm mặt, gần với các cầu trúc quan trọng như nền sọ, động mạch cảnh, thần kinh thị.

Chính vì vậy phẫu thuật nội soi mũi xoang mở thông bướm là rất nguy hiểm nếu không được thực hiện bởi các phẫu thuật viên có kinh nghiệm và tại các cơ sở thiếu trang thiết bị và dụng cụ phẫu thuật hiện đại.

BS Nguyễn Thế Trọng (Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện TWQĐ 108)

BS Nguyễn Thế Trọng

BẢN DESKTOP