Khám phá

Phát hiện thêm 91 ngọn núi lửa mới ở Nam Cực và điều vô cùng đáng sợ

Cùng với 47 núi lửa đã được xác định, Nam Cực trở thành nơi có mật độ núi lửa lớn nhất thế giới.

Theo như những gì chúng ta đã biết, tất cả mọi thứ về Nam Cực đều được gói gọn trong một chữ “nhất”. Nó là lục địa lạnh nhất, cao nhất, khô nhất và nhiều gió nhất. Giờ, nó đã có thêm một “thành tựu” đầy tự hào nữa: Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng nơi đây có mật độ núi lửa lớn nhất trên Trái đất.

 Phát hiện thêm 91 ngọn núi lửa mới ở Nam Cực và điều vô cùng đáng sợ ảnh 1

Theo Quartz, các nhà khoa học thuộc Đại học Edinburgh (Anh) đã đưa ra kết luận này sau khi họ tìm thấy 91 núi lửa mà các cuộc khảo sát địa chất trước đây không phát hiện ra. Kết quả thu được đã nâng tổng số núi lửa đã xác định trên lục địa này lên 138 – tất cả đều nằm trong khu vực được gọi là West Antarctic Rift System (tạm dịch: Hệ thống Rạn nứt Tây Nam Cực). Phát hiện này cũng đã khiến Đông Phi đánh mất “danh hiệu” khu vực có mật độ núi lửa lớn nhất thế giới đã nắm giữ bấy lâu nay.

Những ngọn núi lửa này đã được các nhà khoa học phát hiện bằng cách sử dụng một cơ sở dữ liệu có tên là Bedmap 2, trong quá trình tìm kiếm các điểm nhô ra trên bề mặt băng tại Tây Nam Cực. Tuy chúng ẩn dưới lớp băng dày của Nam Cực, Bedmap 2 sử dụng tín hiệu radar có khả năng xuyên qua địa hình để khảo sát và phát hiện các điểm nhô ra.

Robert Bingham, một trong những tác giả của khám phá chia sẻ: “Câu hỏi lớn được đặt ra là: những núi lửa này hoạt động như thế nào? Và đó là điều mà chúng ta cần phải xác định càng sớm càng tốt. Bất kì điều gì gây khiến băng tan chảy – thứ mà một vụ núi lửa phun trào chắc chắn sẽ làm – nhiều khả năng sẽ đẩy nhanh tốc độ của dòng chảy băng ra biển”.

Mối liên kết cũng có thể hoạt động theo chiều hướng ngược lại, theo như ông Bill McGuire, tác giả của cuốn sách Waking the Giant: How a changing climate triggers earthquakes, tsunamis, and volcanoes. Nhìn vào những dữ liệu có trong quá khứ, ông cho rằng những tảng băng tan sẽ khiến tầng trên cùng của Trái đất “nảy lại” và kích hoạt các núi lửa.

Giữa lớp vỏ vững chắc ở trên và lớp quyển Manti (Mantle) khá dày của Trái đất là một lớp mềm và cấu tạo lỏng có tên là aethnosphere. Hiện nó đang phải chịu sức ép từ những tảng băng ở phía trên, nhưng giống như việc bạn dìm một con vịt cao su xuống nước, nó sẽ nảy lại khi băng tan. Điều đó sẽ khiến các núi lửa bị kích hoạt, đẩy dung nham ra ngoài, khiến cho băng tiếp tục bị tan chảy nhiều hơn.

Băng tại Nam Cực vốn đã tan chảy với tốc độ nhanh khủng khiếp ở thời điểm hiện tại. Tháng trước, một tảng băng có kích thước lớn gấp 60 lần thành phố Paris đã bị tách khỏi đỉnh cực tây bắc của thềm lục địa Larsen C và nó sẽ dần dần tan vào biển.

Những sông băng trước đây được tảng băng này giữ lại giờ sẽ bắt đầu rơi xuống biển, làm gia tăng lượng băng bi mất. Nếu như giả thiết của ông McGuire là đúng, việc băng tan sẽ dẫn đến tần suất hoạt động của núi lửa tăng lên, thì sự tồn tại của gần 140 ngọn núi lửa ẩn dưới lớp băng của Nam Cực là điều không tốt một chút nào.

 Theo VnReview

BẢN DESKTOP