Y học và đời sống

Phát hiện nhanh rối loạn chuyển hóa sắt

Bệnh nhân vào viện trong tình trạng xơ gan, gan nhiễm độc, da có các vết sạm nám… Sau đó các bác sĩ phát hiện ra bệnh nhân bị lắng đọng sắt ở gan với chỉ số cao đến mức vượt ngưỡng máy đo. Nhưng sau một thời gian điều trị, chỉ số trở về bình thường, bệnh nhân sức khỏe ổn định.

BS thăm khám cho bệnh nhân mắc chứng rối loạn chuyển hóa sắt

Chỉ số sắt cao vượt ngưỡng máy đo

Bệnh nhân Phạm Tiến Dũng (Hà Giang) nhập viện trong tình trạng bị xơ gan, gan nhiễm độc, trên da xuất hiện các đám sắc tố đen giống như phụ nữ bị nám. Sau khi làm các xét nghiệm gan cho thấy bệnh nhân bị nhiễm độc gan rất nặng.

Khi tìm hiểu, bệnh nhân cho hay đã đi khám và điều trị nhiều nơi với bệnh lý tổn thương gan sau đó mới vào điều trị tại Bệnh viện 19-8 (Bộ Công  an).

Tại đây, các bác sĩ đã làm nhiều xét nghiệm về gan, hồi cứu lại các chế độ ăn, tìm hiểu các nguyên nhân như viêm gan virus, nhiễm độc từ thuốc lá rừng… Tất cả đều cho thấy bệnh nhân không mắc phải yếu tố nào gây nên tình trạng trên. Sau khi quyết định, một lần nữa các bác sĩ làm xét nghiệm lượng sắt và ferritin. Kết quả cho thấy, ferritin rất cao, trên 2.000 đơn vị. Chỉ số cao đến mức vượt ngưỡng đo của máy. Trong khi ngưỡng của người bình thường chỉ khoảng 400 đơn vị.

“Sắt và ferritin thường thấy ở bệnh nhân về máu do truyền máu nhiều mà không thải được nên bị ứ động sắt. Nhưng với bệnh nhân này thì khác biệt. Bởi đây là bệnh lý tổn thương ở gan. Sau khi hội chẩn với khoa huyết học, chúng tôi quyết định thải sắt cho bệnh nhân”, BS Phạm Thị Việt Anh cho hay.

Vị chuyên gia cũng cho biết thêm, sau khi thải sắt thông qua tiêm truyền bệnh nhân đã có thay đổi rõ rệt về sức khỏe. Ngoài sự ổn định của các chỉ số sức khỏe thì da hết các đám sắc tố đen, da cơ thể sáng hơn. Tuy nhiên, do cơ địa thì sau khoảng nửa năm bệnh nhân lại nhập viện một lần để thải sắt.

Cần hạn chế ăn các loại thịt đỏ

Theo BS Phạm Thị Việt Anh, trường hợp lắng đọng sắt không phải là bệnh hiếm, mà rất hay gặp. Nguyên nhân gây nên tình trạng này có thể do nhiều yếu tố như truyền máu nhưng không thải được sắt, do chế độ ăn uống quá nhiều sắt. Với các bệnh ở gan cũng có thể do yếu tố cơ địa như thiếu hụt một chất chuyển hóa trong chu trình chuyển hóa của gan.

Ngoài ra, trước thực tế các bệnh chuyển hóa do chế độ ăn có nhiều tồn dư chất bảo vệ thực vật, hóa chất cũng có thể dẫn đến  tình trạng này.

Các dấu hiệu thừa sắt thường không rõ ràng, ví dụ có người da bị sạm đi so với trước đó, hoặc xuất hiện các đám ở trên cơ thể như ở mặt, chân tay, bụng… Khi có các dấu hiệu này, tốt nhất cần đi khám và làm các xét nghiệm để biết rõ chỉ số sắt trong máu.

Với những bệnh nhân bị lắng đọng sắt, nên có chế độ ăn giảm các thực phẩm chứa nhiều sắt. Như, hạn chế ăn các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn… Thay vào đó nên ăn một phần thịt màu trắng như thịt gà (phần ức gà), tôm cua cá đồng… Bởi, nếu ăn thực phẩm nhiều sắt vào, cơ thể không dung nạp được sẽ dẫn đến ứ đọng nặng hơn. Nếu không phát hiện ra bệnh sớm và thải sắt kịp thời có thể dẫn đến tình trạng nhiễm độc cho gan thận, trong đó có suy gan, suy thận.

 Hà Linh

BẢN DESKTOP