Khoa học & Công nghệ

Phát hiện gạo mốc xát lại tránh ảnh hưởng sức khỏe

Phát hiện gạo mốc xát lại nhanh tránh ảnh hưởng sức khỏe,

Gạo nhỏ do mốc xát lại?

Chị Nguyễn Thị Lan (Hoàng Mai, Hà Nội) thường hay mua gạo ở một cửa hàng gần nhà. Vì đi làm về muộn, vội vàng nên khi mua chị thường ngồi trên xe, báo cần mua bao nhiêu cân, gạo gì người bán sẽ mang ra xe. Chị cũng cho hay, thường thấy người bán đong ra từ bì đựng đặt dưới đất hoặc trong chậu to bày sẵn.  Nhưng lần vừa rồi, về nhà, cầm nắm gạo lên xem, chị thấy hạt nhỏ hơn bình thường nên nghĩ đến việc, có hay không gạo mốc xát lại mà nhiều người hay nói.

Phát hiện gạo mốc xát lại nhanh

Trao đổi về vấn đề này, ThS Đào Quang Trung, Giám đốc Công ty TNHH chuẩn nông Việt Nam, trên thực tế xuất hiện thông tin cho thấy có những lô gạo xuất khẩu bị trả về do bị nhiễm nấm mốc, nhất là nhiễm nấm aflatoxin. Nhưng sau đó, các lô này được xát lại để bán ra thị trường trong nước. Cũng chính vì xát lại nên hạt gạo nhỏ hơn bình thường. Do đó, khi mua gạo, nếu thấy hạt gạo nhỏ bất thường so với giống đã định thì người dân cần cân nhắc để tránh ảnh hưởng sức khỏe.

“Gạo là thực phẩm rất dễ bị mốc do tác động bởi độ ẩm. Trong mốc của gạo có chứa aflatoxin là chất có thể gây ung thư. Điều đáng nói, gạo là thực phẩm sống còn ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn nòi giống. Nên dù lượng nấm mốc thấp nhưng do ngày nào cũng dùng nên mức độ nhiễm độc cao”, ThS Đào Quang Trung nói.

Ở góc độ khác, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho hay, thông tin gạo bị mốc xát lại ông chưa rõ, nhưng trường hợp này cũng có thể xảy ra. Điểm cần nói là hiện nay có nhiều giống gạo hạt nhỏ nên người dân cần chú ý để tránh nhầm lẫn.

Nhận biết bằng mùi và độ cứng hạt gạo

PGS.TS Nguyễn Văn Hoan còn cho biết thêm, ngoài việc cân nhắc bằng kích thước hạt gạo to hay nhỏ cần tùy vào giống thì người tiêu dùng có thể phát hiện nhanh gạo bị mốc, dù đã xát lại bằng cảm quan như ngửi hoặc sờ vào hạt gạo.

Cụ thể, nếu gạo đã bị mốc thì xát kiểu gì cũng còn mùi mốc, không bao giờ hết. Lúc này người dùng chỉ cần đưa hạt gạo lên ngửi sẽ thấy mùi lộ rõ. Bởi, khi xát lớp mốc bên ngoài sẽ mịn ra thành cám, cám dính vào gạo nên không thể hết mùi mốc.

Đặc điểm thứ hai chính là nhìn hạt gạo. Nếu hạt gạo mốc khi xát lại sẽ có tình trạng nát. Bởi gạo mốc trong điều kiện độ ẩm cao. Nhưng mốc đồng nghĩa hạt gạo sẽ bị phân hủy, xát lại sẽ bị nát. Bằng cảm quan, nếu hạt gạo sáng, đều, không gãy, trắng trong thì khả năng dùng gạo mốc xát lại rất thấp.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, để tránh tình trạng gạo bị nhiễm nấm mốc, không an toàn thì bản thân người tiêu dùng cần đặt vấn đề này lên hàng đầu. Như, không mua gạo ở các cửa hàng bán tự do với các cách bảo quản thô sơ như cho vào chậu nhựa để đong bán, hay để cả bì đã mở bảo quản xuống nền đất, ai mua bao nhiêu lấy ra bấy nhiêu. Thậm chí, có những hàng gạo tồn mấy tháng mà không bảo quản tốt, như vậy nguy cơ gạo nhiễm nấm mốc cũng như các chất bẩn khác là rất cao.

Thay vào đó, cần mua gạo của các công ty có nhãn mác, tên tuổi, địa chỉ rõ ràng. Các túi gạo cần được bảo quản trong túi, bao bì kín và có thể hút chân không.

“Khả năng hạt gạo bị mốc và không mốc rất khác nhau chính là sự phân hủy. Mốc chính là một loại nấm phân hủy tinh bột. Do đó khi xát lại sẽ không cứng, trong veo hay ngon. Ngược lại, nếu hạt gạo nhỏ nhưng vẫn trong veo, cứng là gạo ngon”, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan nói.

Hiền Dung

BẢN DESKTOP