Dữ liệu y khoa

Phát hiện các bệnh lý dễ phát sinh ung thư dạ dày

  • Tác giả : ThS Trần Anh
(khoahocdoisong.vn) - Có nhiều bệnh lý làm tăng nguy cơ UTDD. Phát hiện sớm có thể tăng tỷ lệ khỏi bệnh lên 60 – 65%.

Ung thư dạ dày (UTDD) là bệnh thường gặp, đứng thứ 2 ở nam giới và thứ 5 ở nữ giới. Bệnh khó phát hiện được sớm vì không có triệu chứng lâm sàng, khi có triệu chứng cũng mơ hồ, dễ bị bỏ qua. Vì vậy, những người mắc các bệnh lý có nguy cơ cần khám sàng lọc để phát hiện và điều trị kịp thời.

Viêm teo dạ dày mạn tính, dị sản ruột: Là yếu tố trung gian sinh bệnh học có dị sản ruột. Tuy nhiên, dưới 10% người bệnh có tình trạng này sẽ phát triển thành ung thư dạ dày. Điều quan trọng cần lưu ý, viêm teo dạ dày có dị sản ruột là một chẩn đoán dựa trên bệnh học chứ không dựa vào một thể bệnh lâm sàng riêng biệt. Tình trạng viêm teo dạ dày có nhiều nguyên nhân, bao gồm cả nhiễm khuẩn HP mạn tính và thiếu máu ác tính.

Bệnh polyp tuyến có tính gia đình: Bệnh này và các biến thể - hội chứng Gardnaer, hội chứng Turcot và bệnh polyp tuyến đại tràng, có thể kèm polyp tuyến dạ dày – tá tràng ở 40 – 100% người bệnh. Mặc dù nhiều trường hợp trong số này là polyp không ung thư nhưng đã có thông báo về u tuyến dạ dày có khả năng chuyển thành ung thư. Do đó, người bệnh cần được kiểm tra nội soi định kỳ 1 năm hoặc 2 năm/lần để phát hiện u tuyến và đánh giá chuyển đổi dạng tuyến ở vùng quanh bóng trực tràng.

Nhiễm khuẩn HP: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây veo teo dạ dày mạn tính và dị sản ruột và hiện nay nó được coi là một yếu tố nguy cơ “chắc chắn” dẫn đến UTDD. Theo ước tính nguy cơ mắc bệnh tương đối khi có nhiễm khuẩn tăng ít nhất hai lần so với những người không bị nhiễm khuẩn.

Loét dạ dày lành tính: Vấn đề này vẫn còn tranh cãi. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy, nguy cơ UTDD tăng ở người bệnh loét dạ dày lành tính (tỷ lệ mắc là 1,8), không thay đổi ở những người loét trước môn vị và giảm ở người bệnh loét tá tràng lành tính.

Thiếu máu ác tính: Là hậu quả của viêm dạ dày mạn tính tự miễn. Tần suất mắc bệnh tăng 2 – 3 lần so với tần suất trong cộng đồng chung. Chỉ cần nội soi một lần để xác định tổn thương rõ ràng.

Cắt toàn bộ dạ dày: Việc cắt toàn bộ dạ dày điều trị các bệnh lành tính làm tăng nguy cơ ung thư ở phần dạ dày còn lại từ 1,5 – 3 lần sau phẫu thuật ban đầu 10 – 20 năm mà không phụ thuộc vào bệnh. Vì vậy, khám sàng lọc thường quy rất có ý nghĩa.

Polyp tuyến dạ dày: Có nguy cơ ung thư rõ và nguy cơ ung thư phụ thuộc vào kích thước khối u. U tuyến dạ dày với kích thước > 2cm có nguy cơ cao nhất và do đó phải được cắt bỏ bằng nội soi hoặc phẫu thuật. U có kích thước < 2cm ít có khả năng phát triển thành ung thư thể xâm lấn nhưng vẫn cần được cắt bỏ để phòng ngừa tiến triển. Vì vậy, người bệnh có u tuyến cần được theo dõi định kỳ bằng nội soi.

Bệnh thực quản Barret: Là yếu tố chính của UTDD ở phần trên dạ dày, với tần số mắc ung thư biểu mô tuyến ở phần dưới thực quản và tâm vị khi có bệnh thực quản Barret là 0,2 – 2% mỗi năm. Do đó, người có bệnh thực quản Barret cần nội soi 1 – 2 năm/lần cùng với sinh thiết để phát hiện loạn sản thực quản.

UTDD lan tỏa có tính gia đình: Đột biến làm cụt mầm của gene E – cadherin được phát hiện ra ở 50% người bệnh UTDD týp lan tỏa. Những gia đình có loại đột biến gene này có nguy cơ bị UTDD lan tỏa di truyền qua nhiễm sắc thể thường theo tính trạng trội cao. Nguy cơ ở các cá thể mang các đột biến mầm gên này nhưng không có triệu chứng cũng khá cao nên cần được tư vấn về di truyền khám sàng lọc UTDD và xem xét việc cắt dạ dày dự phòng.

Nhờ có kế hoạch sàng lọc phát hiện sớm UTDD tốt ở Nhật Bản tỷ lệ khỏi bệnh tăng cao từ 60 – 65%, hơn hẳn các nước khác trên thế giới chỉ đạt 20 – 25%.

ThS Trần Anh (Bệnh viện K)

ThS Trần Anh

BẢN DESKTOP