Dữ liệu y khoa

Phát hiện ca ung thư dạ dày sớm

  • Tác giả : BS. Trần Kiên Quyết
(khoahocdoisong.vn) - Bệnh nhân nam 53 tuổi, cao 170 cm, nặng 70 kg tiền sử viêm loét dạ dày, điều trị và theo dõi thường xuyên, lần này đến khám tại BV Xanh Pôn ngày 16/3/2020 do đau bụng âm ỉ 1 tháng nay, không gầy sút cân, ợ hơi, không ợ chua. Tiến hành kiểm tra nội soi dạ dày cho thấy hình ảnh loét bờ cong nhỏ vùng hang vị dạ dày kích thước 3x3cm, sinh thiết ổ loét làm giải phẫu bệnh cho thấy ung thư biểu mô tuyến kém biệt hóa của dạ dày.

Phát hiện sớm, điều trị nhẹ nhàng

Siêu âm bụng,  chụp X-Quang ngực, cắt lớp vi tính ổ bụng không thấy hình ảnh di căn. Các xét nghiệm máu trong giới hạn bình thường. Chất chỉ điểm ung thư CEA không tăng. Bệnh nhân được chẩn đoán trước mổ ung thư dạ dày giai đoạn II, phẫu thuật nội soi cắt đoạn dạ dày phần xa kèm nạo vét hạch hệ thống chặng D2, nối mỏm dạ dày quai hỗng tràng qua mạc treo đại tràng ngang (Billroth II -Finsterer), đóng mỏm tá tràng và các miệng nối được thực hiện hoàn toàn nội soi trong ổ bụng. Sau mổ 1 ngày bệnh nhân đã ngồi vận động được, ra viện sau 1 tuần điều trị.

Kết quả giải phẫu tế bào sau mổ cho thấy, bệnh nhân bị ung thư biểu mô tuyến kém biệt hóa của dạ dày, không thấy di căn, diện cắt trên và dưới u không còn tế bào ung thư. Bệnh nhân không phải điều trị bổ trợ hóa chất sau mổ. Bệnh nhân được tư vấn theo dõi tái khám định kỳ 3 tháng/lần trong năm đầu.

Ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư thường gặp ở cả hai giới. Theo Globocan 2018, tại Việt Nam có thêm 17.527 ca mắc mới và 15.065 người tử vong vì căn bệnh này. Ung thư dạ dày đứng thứ 3 trong các bệnh ung thư thường gặp sau ung thư gan, ung thư phổi . Ung thư dạ dày hoàn toàn có thể phòng ngừa, nhận biết sớm và điều trị hiệu quả nếu phát hiện ở giai đoạn đầu, nhưng điều đáng tiếc là các bệnh nhân thường đến viện ở giai đoạn muộn, việc phẫu thuật, điều trị khó khăn và rất tốn kém, thời gian sống thêm không được nhiều.

Ung thư dạ dày có các triệu chứng:

+Mệt mỏi.

+Cảm thấy đầy hơi sau khi ăn.

+Cảm thấy no sau khi ăn một lượng nhỏ thức ăn.

+Chứng ợ nóng nặng, dai dẳng.

+Chứng khó tiêu trầm trọng luôn hiện diện.

+Buồn nôn kéo dài.

+Đau bụng.

+Nôn dai dẳng, có thể nôn máu.

+Đi cầu phân đen.

+Giảm cân không chủ ý.

+Sờ thấy u trên bụng (phát hiện muộn).

Các yếu tố nguy cơ chính của ung thư đường tiêu hóa là tiền sử bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) và béo phì. Các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày bao gồm ăn các loại thức ăn có chứa nitrate như thịt cá ướp muối, rau dưa muối, thịt nướng, thịt hun khói; ăn ít trái cây, rau quả; Tiền sử gia đình bị ung thư dạ dày; Nhiễm vi khuẩn HP. Theo thống kê khoảng 70% dân số Việt Nam mắc vi khuẩn HP, là nguyên nhân gây viêm, loét dạ dày, tá tràng, thậm chí ung thư dạ dày. Những người viêm loét dạ dày mạn tính, thiếu máu ác tính, hút thuốc lá, polyp dạ dày…cũng dễ bị ung thư dạ dày. Để  giảm nguy cơ ung thư đường tiêu hóa và ung thư dạ dày, cần thay đổi lối sống như tập thể dục thường xuyên, ăn nhiều trái cây và rau củ, ăn đều hằng ngày. Chọn nhiều loại trái cây và rau quả nhiều màu sắc. Cố gắng giảm lượng thức ăn mặn và hun khói. Nên bỏ thuốc lá nếu đang hút. Nội soi định kỳ để phát hiện sớm ung thư.

BS Trần Kiên Quyết, BV Xanh Pôn

BS. Trần Kiên Quyết

BẢN DESKTOP