Khám phá

Phan Kính – một tấm lòng “ưu dân ái quốc”- Kỳ 2: Ngôi sao Bắc Đẩu của phương Nam

Ngôi sao Bắc Đẩu của phương Nam, Lưỡng quốc Đình nguyên Thám hoa là danh hiệu vua Càn Long gia phong cho Phan Kính khi ông đi sứ nhà Thanh.

Đền thờ Phan Kính.

Bị biếm chức vì hay xin giảm thuế cho dân

Đầu năm Mậu Thìn (1748), Phan Kính được cử làm Đốc trấn Sơn Tây, là một đơn vị hành chính rộng lớn từ huyện Từ Liêm đến huyện Đoan Hùng (Phú Thọ ngày nay) đây là nơi có nhiều lực lượng nổi dậy chống lại triều đình, quan quân bản trấn không đánh dẹp được, nhiều lần cấp báo về triều đình.

Tuy là một Nho thần, nhưng Phan Kính vẫn vui vẻ vâng lệnh. Đến nhận chức, Phan Kính chịu khó tìm hiểu tình hình đời sống của nhân dân, gặp gỡ các quan chức hiện tại với tinh thần cầu thị, tôn trọng các tài năng của đội ngũ quan chức sở tại.

Phan Kính nhanh chóng thu phục được phe nhóm chống đối, dâng sớ xin triều đình miễn tội, miễn thuế cho dân, khuyến khích nông dân chăm chỉ làm ruộng nên dân chúng được yên nghiệp làm ăn.

Năm Nhâm Thân (1752) thấy trấn Sơn Tây đã được bình yên, chúa Trịnh Doanh phong cho Phan Kính làm Đông các Đại học sĩ và điều đi làm Đốc đồng xứ Thanh Hóa.

Tại đây, Phan Kính thấy đồng bằng và miền núi đều loạn lạc, dân phu phải đi lính nhiều, ruộng đồng phong hóa, Phan Kính dâng sớ về triều đình và ít lâu sau xứ Thanh Hóa được miễn sưu thuế.

Mùa xuân năm Bính Tý (1576), Phan Kính được nhận Thuế thự Đốc thị Nghệ An. Ông cùng Đốc đồng Nguyễn Kỳ bị biếm chức vì tội can gián nhà vua về giảm binh ngạch và thuế khóa. Năm Cảnh Hưng thứ 20 (1760) nhà vua lại cử Phan Kính nhận chức Đốc đồng xứ Tuyên Quang.

Thời kỳ này lang đạo các bộ tộc thường kéo bè kéo cánh để chống lại triều đình, thường kéo thủ hạ về xuôi cướp bóc.

Khi đến nhiệm sở, một mặt Phan Kính điều các quan trấn giữ nơi hiểm yếu, mặt khác ông sức cho các quan phủ, quan huyện chiêu tập dân lưu tán cho lấy tiền ở kho và quyên góp của nhà giàu chẩn cấp cho dân nghèo, giao ruộng nương cho dân trồng trọt làm ăn, lập các trại trồng dâu nuôi tằm.

Chỉ sau vài vụ được mùa, cuộc sống của nhân dân lại trở nên no ấm. Phan Kính ghi lại quang cảnh bình an của nhân dân như sau:

Con em sum họp châm hương khói

Hoa đậu thơm bay ngát núi rừng

Chiếu rượu cạn đầy vui phụ lão

Bên mâm bàn cãi, máu anh hùng.

Vua Càn Long biết tiếng

Thời gian này, triều đình nhà Thanh nhiều lần gửi văn thư sang yêu cầu triều đình nước ta phải đem quân cùng ổn định vùng biên giới Tuyên Quang- Vân Nam.

Phan Kính được cử làm Kinh lược sứ, đem quân hộ tống lên vùng biên giới, cùng với phái viên của nhà Thanh cùng xác định lại biên giới chung của hai nước.

Phan Kính đã cùng với quan chức nhà Thanh khảo sát dựng và sửa lại các cột mốc đã hư hỏng, lập các đồn trú phòng ở các cửa khẩu để nhân dân hai bên đi lại buôn bán làm ăn thuận tiện. Từ đây kỷ cương ở miền biên giới được khôi phục, dân yên ổn làm ăn sinh sống.

Qua việc giao tiếp với sứ bộ nhà Thanh ở biên giới, Phan Kính đã làm quen với viên Tham phủ họ Hoa cùng đậu Thám hoa năm Quý Dậu (1743) của triều Thanh. Hai bên đã để lại những vần thơ xướng họa thể hiện tình bang giao sâu đậm giữa văn nhân hai nước.

Qua đó, vua Càn Long biết thêm tài đức của Phan Kính đã gia phong cho ông danh hiệu Lưỡng quốc Đình nguyên Thám hoa và ban tặng cho ông một chiếc áo cẩm bào, một bức trướng có ghi dòng chữ Thiên triều đặc tứ, Bắc Đẩu dị nam, nhất nhân nhi dĩ (Thiên triều đặc ban về phía Nam sao Bắc Đẩu chỉ có một người mà thôi), coi Phan Kính là ngôi sao Bắc Đẩu của phương Nam. Các hiện vật này hiện còn cất giữ tại từ đường họ Phan ở Song Lộc.

(còn nữa)

Tất Đạt

BẢN DESKTOP