Khám phá

Phân biệt trà thảo dược ủ diêm sinh

Vào mùa đông, các loại trà thảo dược được ưa dùng do tính ấm, thơm ngọt, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi dùng các loại sản phẩm này, người dùng cần chú ý để tránh mua phải sản phẩm ủ diêm sinh (lưu huỳnh) gây ảnh hưởng sức khỏe.

Trà thảo dược sấy bằng điện thường có cánh khô giòn, màu không sáng bóng đẹp hay trắng bốp, vàng rộm như thảo dược ủ diêm sinh, thay vào đó màu sẽ hơi ngả trắng ngà hoặc vàng đượm. 

Thảo dược ủ diêm sinh chống mốc, mọt

Theo PGS.TS Đỗ Văn Chương, nguyên Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học và Vệ sinh an toàn thực phẩm, Đại học Kinh tế – kỹ thuật Công nghiệp, trà thảo dược thường được dùng vào mùa đông do tính ấm. Đó là khi chúng ta pha cùng nước nóng, sau đó cầm ly lên nhâm nhi sẽ giúp làm ấm cơ thể. Hơn nữa, các thảo dược cũng giúp cơ thể tăng cường sức khỏe, giảm các nguy cơ như căng thẳng, mất ngủ…

Nhưng hiện nay ngoài thị trường có nhiều loại, trong đó có những loại trà thảo dược bán cả hộp nhựa và đặt trong môi trường tự nhiên không bị mốc, mọt. Vì thế, nhiều người lo ngại trà được cho thêm chất bảo quản nên không bị tác động bởi môi trường.

Là một người làm về trà, PGS.TS Đỗ Văn Chương cho hay, trên thực tế có hai cách chế biến trà thảo dược hiện nay đang được áp dụng.

Một là thảo dược sau khi thu hái về, người trồng sẽ ủ diêm sinh, sau đó mới tiếp tục các bước sấy khô. Với cách này, diêm sinh sẽ bám vào thảo dược để chống nấm mốc hay côn trùng xâm hại… Và khi sử dụng, dù không cần bảo quản cầu kỳ, trà này cũng không bị hư hỏng. Thậm chí, nhiều gia đình dùng hộp nhựa đựng trà thảo dược và để cả năm vẫn có thể dùng bình thường.

“Diêm sinh chính là lưu huỳnh, là một loại có thể gây độc cho cơ thể. Tuy nhiên người sản xuất trà thảo dược vẫn cho vào là do có thể bảo quản trà được lâu, lên đến 2-3 năm không bị hỏng. Trong khi trà thảo dược dễ bị mốc và sinh ra các con mọt. Vì thế khi dùng sẽ gây độc cho sức khỏe”, PGS.TS Đỗ Văn Chương cho hay.

Cách thứ hai khi chế biến trà thảo dược nữa chính là ngay khi thu hái về, rửa sạch và cho vào lò sấy ngay, tiếp đến là đóng gói vào bao kín để bảo quản và sử dụng lâu dài. Với cách này thì sản phẩm sẽ đảm bảo an toàn thực phẩm. Nhưng tất nhiên, nếu khâu bảo quản không tốt thì trà sẽ nhanh bị hư hỏng.

Trà thảo dược sấy bằng điện thường có cánh khô giòn, màu không sáng bóng đẹp hay trắng bốp, vàng rộm như thảo dược ủ diêm sinh, thay vào đó màu sẽ hơi ngả trắng ngà hoặc vàng đượm. Để an toàn, cần mua sản phẩm của các đơn vị cung cấp uy tín, sản phẩm nên được đóng gói kín, nhỏ để tiện dùng dần.

Co lại là do diêm sinh

PGS.TS Đỗ Văn Chương cho hay, nếu chú ý, người dùng có thể dễ dàng phân biệt trà thảo dược có sử dụng diêm sinh để xông. Đầu tiên, bông hoa như hoa cúc, hoa nhài… dù cùng thể tích đó nhưng xông diêm sinh sẽ bị co lại rất bé. Trong khi bông hoa sử dụng phương pháp sấy kho đơn thuần thì bông hoa sẽ tơi xốp, hoa vẫn to gần như bình thường.

Ngoài ra, khi chúng ta nắm một ít hoa lên mũi ngửi sẽ có mùi hắc, không còn mùi đặc trưng của loại trà thảo dược đó. Ví dụ, trà hoa cúc sẽ có mùi hắc đặc trưng, nhưng khi xông lưu huỳnh thì mùi hắc này sẽ rất khác biệt. Hay hoa nhài sẽ không còn độ thơm dịu mà kèm theo đó là mùi hắc nồng. Ngoài ra, khi pha nước uống, trà thảo dược bị ủ diêm sinh sẽ có vị chua. Trong khi trà thảo dược sấy khô, không có chất bảo quản sẽ không bị chua mà thậm chí còn có độ ngọt, mùi của tinh dầu tỏa ra.

Sơn Hà

BẢN DESKTOP