Gần đây, một bé trai (7 tuổi ở Phú Thọ) được phát hiện tình trạng ẩn tinh hoàn từ lâu nhưng do chủ quan nên gia đình không đưa bé đi khám. Đến khi đi khám thì tinh hoàn bên phải không sờ thấy trong bìu và trong ống bẹn mà lạc sâu trong ổ bụng, kích thước tinh hoàn ẩn nhỏ hơn nhiều so với tinh hoàn bên phía đối diện. Các bác sĩ phải phẫu thuật 2 lần để hạ được tinh hoàn cho bệnh nhi.
Lời bàn: ThS.BS Nguyễn Đức Lân, Trưởng khoa Ngoại nhi Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho biết, ca phẫu thuật nội soi hạ tinh hoàn cho bệnh nhi tương đối khó khăn do tinh hoàn sâu trong ổ bụng, các mạch máu tinh hoàn rất ngắn. Các bác sĩ đã thực hiện giải phóng mạch máu và ống dẫn tinh tối đa để hạ được tinh hoàn xuống cố định ở gốc bìu.
Trong suốt quá trình phẫu thuật, các bác sĩ cũng nỗ lực bảo tồn mạch máu và ống dẫn tinh để đảm bảo tinh hoàn vẫn có chức năng hoạt động tốt sau khi được hạ xuống. Sau đó khoảng 6 tháng sẽ tiếp tục phẫu thuật hạ tinh hoàn xuống cố định ở bìu để đảm bảo an toàn cho bệnh nhi.
Tinh hoàn ẩn có thể tự xuống bìu trong những tháng đầu sau sinh (thường trong 3 tháng đầu), sau đó tỷ lệ này giảm dần và còn rất thấp. Do đó, cần thực hiện phẫu thuật đưa tinh hoàn bị ẩn xuống cố định lại vị trí bình thường ở bìu càng sớm càng tốt (có thể từ khi trẻ 6 tháng đến 1 tuổi).
Bởi từ sau 1 tuổi, tinh hoàn ẩn không thể tự di chuyển xuống bìu được mà bắt đầu có sự thay đổi về cấu trúc và chức năng theo hướng xấu đi. Tinh hoàn sẽ bắt đầu teo đi và có thể xuất hiện các biến chứng như xoắn tinh hoàn, ung thư hóa và vô sinh nam đối với trường hợp tinh hoàn ẩn hai bên.