Bình luận

Phải dám chỉ mặt quan chức nhũng nhiễu

Nhà nước là chủ quyền lực nhưng quyền lực tối cao vẫn là của người dân. Người dân cần phải dám phê phán công chức nhũng nhiễu”, ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ chia sẻ về việc thủ tục hành chính “hành” dân.

Người dân là chủ quyền lực cơ mà!

Mới đây, một nguyên Phó Tổng thanh tra Chính phủ khi đi lĩnh lương hưu đã bị một nhân viên phụ trách bảo hiểm tại UBND phường nói “như tát nước vào mặt”. Câu chuyện đó một lần nữa lại làm dấy lên việc thủ tục hành chính “hành” dân sau vụ cấp giấy chứng tử, ghi giấy lý lịch cho sinh viên… Theo dõi những vụ việc như vậy, cảm xúc của ông thế nào?

Trong tiến trình cải cách hành chính có mục tiêu rất căn bản là giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước với dân và chuyển  từ Nhà nước có tính chất quản lý cai trị trước đây sang Nhà nước quản lý phục vụ dân , phục vụ phát triển. Ấy vậy mà đã ở thế kỷ XXI rồi vẫn để xảy ra những việc “hành” dân thì thật là đáng tiếc và đáng trách. Tôi cũng không ngờ là vừa rồi có lắm vụ liên quan đến việc cán bộ nảy sinh sinh sự với dân như thế!

Theo ông, nguyên nhân của những vụ việc đó do đâu, liệu có phải những cán bộ đó chưa “thấm nhuần” mục tiêu từ Nhà nước cai trị, sang Nhà nước phục vụ như ông nói?

Vừa rồi chúng ta đã có nghị quyết 30C, đặt cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) là một trong những khâu đột phá trọng điểm. Mà từ năm 94 nghị quyết 38 của chính phủ cũng đã xác định cái trọng tâm của CCHC trước hết là CCTTHC trên 7 lĩnh vực trọng yếu liên quan đến dân và doanh nghiệp. Mục tiêu của cải cách là đề cao phục vụ nhân dân, đây là vấn đề nhận thức. Những việc xảy ra thể hiện sự yếu kém về năng lực và đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ cấp xã, phường, cơ sở.

Liệu có phải chỉ là vấn đề nhận thức hay không? Có thể họ biết, họ nhận thức được, nhưng họ cố tình “lờ” đi? Việc phải “bôi trơn” khi đi làm TTHC không còn xa lạ với nhiều người. Một chủ doanh nghiệp chia sẻ với tôi, lần nào đi làm TTHC muốn nhanh cũng đều phải “bôi trơn”, “lót tay” cán bộ. Anh ấy cho rằng, do cán bộ lương thấp nên mới “nhũng nhiễu” vậy. Ông nghĩ sao?

Hiện tượng phải “bôi trơn” khi đi làm TTHC là một nỗi đau. Cũng có yếu tố lương, vì ta thiếu động lực của tiền lương là cái rất cần. Điều đó dẫn tới việc họ lợi dụng vị trí công  việc của mình để trục lợi. Nhưng về cơ bản là do sự kiểm soát các cấp ủy đảng thực thi công vụ đối với các cán bộ đó chưa tốt. Đặc biệt là chưa phát huy được sự giám sát của người dân. Toàn bộ hoạt động của chính quyền phải để dân đánh giá. Người dân là chủ quyền lực cơ mà. Nhà nước là chủ quyền lực nhưng quyền lực tối cao vẫn là của người dân.

Không dám đấu tranh là thái độ tiêu cực

Tôi đồng tình với ông, về “cơ sở lý thuyết” thì là vậy, nhưng thực tế, khi có việc cần đến cơ quan “công quyền”, “qua sông thì phải lụy đò”, bám vào đâu để người dân có thể “làm chủ quyền lực” như ông nói? 

Tôi lại cho rằng người dân cần mạnh dạn, đừng ngại chỉ mặt cái xấu, cái nhũng nhiễu. Chứ lại sợ bị trả thù, sợ bị trù dập, không dám đấu tranh là thái độ tiêu cực. Người ta có thể lợi dụng, thao túng được một vài lần, nhưng nhiều ý kiến phản đối, chắc chắn anh phải thay đổi.

Những sự việc xảy ra cho thấy, chưa kịp lên tiếng thì người dân đã bị “hành” rồi. Những người có tri thức, hoặc có mạng xã hội, đưa những vụ việc ra công luận thì còn được bênh vực. Giả sử những người dân ở vùng sâu, vùng xa, những người ít tiếp cận công nghệ… làm sao họ dám phản ứng?

Tất cả các TTHC đều có quy định rất rõ, công khai về thời gian để giải quyết. Đặc biệt cơ chế một cửa là con đường rất tốt để người dân giám sát các hoạt động của chính quyền. Ví dụ quy định: Việc này ai xử lý, bao giờ xong? Không xong thì giải trình ra làm sao, hẹn lại người có yêu cầu như thế nào… Chính quyền cơ sở cần phổ biến đến cho người dân nắm được. Khi cán bộ làm sai thì họ sẽ biết để đấu tranh. Đặc biệt, phải tạo được lòng tin cho người dân trong cuộc đấu tranh này.

Nhưng chẳng phải khi những vụ việc xảy ra đều được giải thích là “đúng quy trình” hay sao?

Cũng có trường hợp liên quan đến nhiều cơ quan, không phải một người có thể xử lý được, phải trên cơ sở phối hợp với nhiều cơ quan khác mới ra được kết quả.

Như vậy, liệu có phải chính cơ chế đã tạo kẽ hở cho những nhũng nhiễu có cơ hội phát triển?

Cái đó đúng. Cho nên, trong tư tưởng cải cách, nhất là hiến pháp 13 đã quy định rất rõ về phân cấp, phân quyền và đề cao trách nhiệm từng cấp. Đây là một trong những nội dung rất quan trọng trong CCHC, đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền với công việc đã được trao, chứ không phải mọi việc nhỏ cũng báo cáo lên thủ tướng hoặc đùn đẩy lên cấp trên.

Tiến tới một nền hành chính điện tử

Bao năm qua, chúng ta đã có rất nhiều cố gắng để CCHC, tiến tới một nền hành chính phục vụ nhân dân. Nhưng những vụ việc vừa rồi cho thấy, có phải dường như đây vẫn là một vấn đề quá khó khăn?

Tôi tiếp xúc nhiều nơi người dân nói có hài lòng, tuy nhiên theo chỉ số PAPI đánh giá hiệu quả CCHC công từ người dân thì vẫn còn khoảng 20 – 30% ở những hiện tượng như truyền thông, các cơ quan đại chúng đang phát hiện để đấu tranh. Ta còn làm được thì mới tồn tại được chứ, nếu không thì loạn xã hội mất rồi. Có điều kết quả không đạt được như mình mong muốn. Có địa phương làm rất tốt nhưng có địa phương lại buông lỏng, thiếu kiểm soát chặt chẽ.

20 – 30% tôi cho là con số khá lớn. Đồng nghĩa với việc nhiều người dân vẫn còn bị “hành” bởi những cán bộ nhũng nhiễu. Lẽ nào chúng ta phải chấp nhận điều này?

Theo tôi, trước hết phải có bộ máy tổ chức phù hợp. Nhưng vấn đề con người là cái lõi của nền hành chính. Vì đã sinh ra, tồn tại một tổ chức, phải qua cửa thì còn thủ tục, còn có chuyện chứ không phải như máy tính ấn nút xong. Mà con người ta lạ lắm, nhiều khi vì những lợi ích cá nhân cục bộ, thấy lợi là làm, thậm chí bất chấp pháp luật. Cho nên mình khuyên bảo thì cứ khuyên bảo, giáo dục thì cứ giáo dục nhưng phải có công cụ để kiểm soát được cái hành vi của cán bộ, công chức.

Chẳng phải hiện giờ ta cũng đang có một hệ thống cơ quan giám sát từ trung ương tới cơ sở hay sao?

Đúng là chúng ta có hệ thống dày đặc nhưng vẫn không đảm bảo được việc giám sát chặt chẽ, vì thế nên người ta sẵn sàng thao túng, sẵn sàng nhũng nhiễu.

Vậy theo ông đâu là giải pháp khả thi?

Theo tôi ta có thể học tập thành công của Hàn Quốc, tiến tới một nền hành chính điện tử, được Liên Hợp Quốc đánh giá rất cao. Tức là họ thay đổi cách tiếp cận giữa công chức với người dân. Thay vì người dân đến gặp, trò chuyện trực tiếp thì gặp gỡ trên mạng. Như vậy, anh có muốn “bôi trơn” cũng không thể “ăn” được. Việc này thuộc trách nhiệm của các nhà đương chức. Chứ còn cứ bảo cải cách, nhưng muốn một sớm mai ngủ dậy đều tốt cả thì nhân loại đã không phải đau khổ.

Trân trọng cảm ơn ông!

Sau 5 tháng không nhận được lương hưu qua tài khoản ngân hàng, mới đây, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình đã đến UBND phường 7, quận 3, TPHCM, đề nghị cán bộ chuyên môn làm rõ nguyên nhân sự việc. Tại phòng làm việc của Chủ tịch UBND phường 7, sau khi kiểm tra thì một nữ cán bộ chuyên môn của UBND phường 7 được cho là đã “mắng như tát nước” vào mặt ông Bình, đổ lỗi cho ông, mà không hề có những giải thích đầy đủ các quy định liên quan đến sự việc… Bức xúc, ông Bình kiến nghị lên cơ quan chức năng. Trước đó, liên quan tới việc cấp giấy chứng tử “hành” dân, một nhân viên ở phường Văn Miếu (Hà Nội) đã bị cho thôi việc.

Mai Loan  (thực hiện)

BẢN DESKTOP