Bình luận

Phải chặn đứng tham nhũng quyền lực

Theo ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng vụ I, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, để có đội ngũ cán bộ kế cận chất lượng tốt, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, phải chặn được tham nhũng quyền lực.

Cán bộ dốt hay chèn ép nhân viên giỏi

Hội nghị Trung ương lần thứ 7 vừa kết thúc với 3 Nghị quyết rất quan trọng về công tác cán bộ, cải cách chính sách tiền lương và cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Về công tác cán bộ, đã đến lúc phải tính đến nguồn cán bộ kế cận chiến lược cho nhiệm kỳ mới đủ năng lực phẩm chất. Theo ông, làm thế nào để tạo ra được nguồn cán bộ này?

Phải nói rằng đây là việc rất khó và rất quan trọng. Hội nghị Trung ương 7 vừa qua đã đặt ra được những vấn đề rất cấp bách và cần thiết trong công tác cán bộ. 3 Nghị quyết cũng là những vấn đề rất sát với đời sống, đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn một cách lâu dài.

Về công tác cán bộ, chúng ta không ngại đối mặt với thực tế mà mạnh dạn nêu ra những thiếu sót, tồn tại, bất cập như tình trạng chạy chức chạy quyền, bổ nhiệm người thân, tham nhũng lãng phí… Đó là những quan điểm, phương pháp rất khoa học để tiếp cận và có thể xây dựng những tiêu chí cán bộ mới. Dù rằng, để làm được vẫn còn lắm gian nan.

Ai cũng biết công tác cán bộ là mấu chốt của mọi mấu chốt, nhưng để có cán bộ tốt, tài, đâu dễ. Ông có nghĩ thế?

Đúng là việc đó rất khó. Để tạo ra những thế hệ cán bộ nguồn tốt, trước hết phải chọn được người đứng đầu giỏi hơn, đạo đức hơn, tài năng hơn, có tầm hơn… cấp dưới. Nếu cán bộ lãnh đạo mà dốt hơn, kém hơn cấp dưới thì chuyện chèn ép người tài năng rất dễ xảy ra.

Ngược lại, nếu cán bộ lãnh đạo là người mẫu mực hơn về đạo đức, phong cách lãnh đạo chỉ đạo, trình độ chuyên môn… thì họ sẽ biết cách tạo đường phát triển cho người tài, từ đó mới có những cán bộ tốt. Đừng làm cán bộ kiểu quy hoạch như trước đây ta làm.

Cụ thể là thế nào ạ?

Đó là kiểu “úp úp mở mở”, không công khai minh bạch, thiếu dân chủ dẫn đến tình trạng chạy chức chạy quyền. Cứ dấm dấm dúi dúi, bí mật nhưng tạo ra một cuộc đua ngầm, ai có thế mạnh về tiền bạc, về quan hệ thì thắng, thì được cất nhắc, sử dụng.

Phải nhớ rằng công tác cán bộ không phải là việc riêng của Đảng. Đó là mối quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân, nên phải dân chủ tập trung. Dân phải được biết ông cán bộ nào đang trong diện quy hoạch, chức vụ để quy hoạch là gì. Mọi thứ phải công khai hết thì sẽ không có chuyện “chạy quy hoạch”.

Nghĩa là công tác cán bộ phải là việc chung, công khai, nhiều người biết?

Đúng thế, đó không phải là việc của vài ông với nhau rồi ông nào muốn thắng thì chạy, thì chi tiền. Nếu chúng ta làm công khai thực sự, chắc chắn không có chuyện chạy chức, chạy quyền được. Chúng ta quen làm kiểu “bí mật”, nên mới có tình trạng chạy, tham nhũng trong công tác cán bộ.

Đút tiền, đút quà để được cất nhắc

Theo ông, làm thế nào để nhận diện được cán bộ không đủ năng lực, vào bộ máy chỉ với tham vọng quyền lực chứ không phải vì muốn cống hiến?

Điều này tưởng là khó, nhưng không phải vậy. Nhận diện cán bộ xấu, cán bộ năng lực kém, tham vọng quyền lực để leo cao mà ít có tư chất và khả năng lãnh đạo rất dễ. Đó là loại cán bộ cơ hội. Chúng leo cao, luồn sâu bằng mọi thủ đoạn, mọi cách.

Có 3 dấu hiệu để nhận biết loại cán bộ này là chúng rất ngụy biện, làm việc không có nguyên tắc gì và chỉ làm những thứ thực dụng. Cái gì có lợi cho bản thân thì chúng làm. Chúng núp dưới những vỏ bọc đẹp đẽ, tìm mọi cơ hội làm quen, tỏ ra thân thiết với cán bộ lãnh đạo… để tạo quan hệ.

Loại cán bộ tham vọng quyền lực sẽ dẫn đến hậu quả ra sao?

Hậu quả thì như ai cũng thấy, nhiệm kỳ công tác hiện nay của các cấp đã xảy ra biết bao chuyện buồn và đau lòng. Những trường hợp/ cá nhân sai phạm nghiêm trọng ở những cơ quan, tổ chức trọng yếu như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục Tình báo và Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm thuộc bộ Công an… hay tại “đầu não” các tỉnh thành như Đà Nẵng, Quảng Nam, Đồng Nai…

Loại bỏ cán bộ cơ hội, có người đứng đầu giỏi, liệu đã đủ để tạo ra những cán bộ nguồn đủ năng lực?

Phải có cơ chế để vận hành nữa. Nghĩa là trong công tác cán bộ, tuyệt đối nói không với cơ chế thị trường, với kinh tế ngầm. Trong quản lý, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, phải ngăn chặn được sự len lỏi của cơ chế thị trường. Không đánh giá, bổ nhiệm, bố trí cán bộ bằng tiền, mà phải bằng tài năng. Khi đó sẽ không có chuyện chức này một tí, chức kia vài trăm triệu… Khi ấy, từng chức danh cán bộ được quy hoạch phải công khai. Còn nếu cứ làm kiểu đút tiền, đút quà, tạo quan hệ để được cất nhắc là không ổn.

Cán bộ 4 không

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh, mục tiêu Ban Tổ chức Trung ương hướng tới là bốn không, gồm: “Không thể chạy, không dám chạy, không cần chạy và không muốn chạy”. Làm thế nào để tạo ra một hệ thống bộ máy quản lý vận hành được khẩu hiệu 4 không ấy?

Để làm được như thế, có lẽ khâu then chốt ở đây chính là phải có một quyết sách để ngăn chặn, phòng ngừa từ sớm những người muốn tham nhũng quyền lực tham gia bộ máy. Việc tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo công khai qua một hội đồng những người có chuyên môn giỏi để chọn người tài ra làm lãnh đạo như gần đây đã tiến hành ở Quảng Ninh, ở Ban Tổ chức Trung ương và nhiều đơn vị khác đã cho thấy rất hiệu quả.

Thi tuyển các chức danh lãnh đạo là một giải pháp, nhưng cán bộ thì không chỉ là tài năng, mà còn là đạo đức, năng lực lãnh đạo?

Mặt khác, nên chăng, đi kèm với thi tuyển nên có cả hình thức cán bộ công chức viên chức của cơ quan cùng có mặt để bỏ phiếu như một kênh tham khảo. Ban soạn thảo Đề án của Ban Tổ chức Trung ương cũng có đề xuất, việc bầu cử, bổ nhiệm cán bộ được thực hiện theo hướng mở rộng dân chủ, có số dư, cạnh tranh lành mạnh ở tất cả các chức danh.

Làm thế nào trong công tác tuyển dụng, phải chọn được người thực tài, chứ không phải là thành phần “con cháu”?

Nếu làm được quyết liệt khâu này chúng ta sẽ ngăn ngừa được tình trạng đưa người nhà, người thân vào bộ máy. Khi đó chuyện đôn con ông cháu cha như đã từng xảy ra ở bộ Công Thương, ở Đà Nẵng, ở Quảng Nam, ở Vĩnh Phúc và nhiều nơi khác cũng sẽ khó tái diễn một cách công khai, phản cảm gây bức xúc nữa.

Theo ông, làm thế nào để Nghị quyết lần này thực sự đi vào cuộc sống?

Phải thực hiện đồng bộ từng giải pháp như vừa nêu. Công tác cán bộ phải dân chủ thực sự. Càng dân chủ càng dễ phát hiện ra những thành phần thoái hóa biến chất, luồn lách để leo cao. Nghị quyết Trung ương 7 lần này là bước đầu đổi mới công tác cán bộ một cách toàn diện. Hiện nay, đây là khâu yếu nhất. Ở đâu có cán bộ tốt thì ở đó có bộ máy tốt. Ngoài ra, khâu kiểm tra, giám sát cũng phải được thay đổi, tránh tình trạng Ủy ban Kiểm tra do cấp ủy bầu ra rồi lại kiểm tra cấp ủy. Có làm như thế thì mới tạo ra được những cán bộ đủ tài, tâm, tầm, đáp ứng được yêu cầu đổi mới phát triển.

Xin cảm ơn ông!

Điểm nhấn của Nghị quyết lần này là Trung ương yêu cầu phải có phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác; có cơ chế tạo động lực, đổi mới sáng tạo, rèn luyện qua thực tiễn có nhiều khó khăn, thách thức lớn của đội ngũ cán bộ và đề cao giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ; coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đấu tranh ngăn chặn sự tha hóa quyền lực trong bộ máy công quyền, sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên để củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Tô Hội (thực hiện)

BẢN DESKTOP