Không kê toa thuốc sử dụng thực phẩm chức năng
Thực phẩm chức năng (TPCN) dịch sang tiếng Anh là Functional Food. Nghe chữ Food mọi người đã hiểu đó không thể là thuốc mặc dù thường đóng gói giống viên thuốc.
Theo định nghĩa thực phẩm chức năng là thực phẩm mang lại lợi ích cho sức khỏe vượt giá trị dinh dưỡng cơ bản của chúng nhờ các thành phần chức năng được thêm vào hoặc có sẵn tự nhiên. Các thành phần này có thể bao gồm probiotic, prebiotic, chất xơ, vitamin, khoáng chất hoặc hợp chất hoạt tính sinh học....
Nói cho dễ hiểu đây là sản phẩm bổ sung thêm những chất còn thiếu cho cơ thể hay cũng có thể gọi là một loại thuốc bổ. Như thuốc bổ quyết định dùng hay không dùng cần có bằng chứng cơ thể mình có thiếu không nhưng đại đa phần chúng ta đều dùng theo khuyến cáo ghi trên vỏ hộp (tăng cường sinh lực, vitamin bà bầu, phụ nữ mãn kinh ....) hoặc đơn giản hơn là theo truyền miệng, rỉ tai.
Ngày nào cũng có người hỏi tôi về việc sử dụng thực phẩm chức năng nhưng tôi luôn không bình luận. Bản thân tôi không ghi toa và cũng không dùng TPCN. Ngay từ khi làm giám đốc bệnh viện tôi đã yêu cầu trưởng khoa Dược báo cáo hàng tháng số lượng các toa thuốc "bổ sung" có thực phẩm chức năng để thống kê rõ ràng. Số đơn như vậy cứ giảm dần và gần như hết hẳn ở bệnh viện những năm gần đây.
![]() |
Công an triệt phá đường dây sản xuất sữa giả. |
Vậy tại sao trong siêu thị ở các nước phát triển nhiều loại TPCN đóng trong các lọ thuốc bày trên giá nhìn hoa cả mắt! Tôi cũng hay tiện tay nhặt mua mấy lọ vì 2 lý do.
Thứ nhất, hệ thống kiểm duyệt thuốc và thực phẩm (FDA) vô cùng chặt chẽ ở các nước phát triển nên tôi tin không có chuyện làm thuốc giả.
Thứ hai có những loại thuốc bổ chữa triệu chứng như giúp dễ ngủ, tăng cường trí nhớ. Cũng như có những chất đã chứng minh hiệu quả điều trị nhưng chưa đủ mạnh để được gọi là thuốc chữa bệnh thực sự như Coenzym Q10 (tim mạch), Glucosamin (xương khớp).... Đây là những thuốc bổ tôi tin có hiệu quả trong một số trường hợp nhất định nên vẫn mua tặng cho người thân.
Yếu tố tâm lý đóng vai trò quan trọng trong việc sử dụng thuốc bổ, thực phẩm chức năng. Uống vào thấy người khoẻ hơn là tâm lý chung của tất cả chúng ta. Càng đắt lại càng thấy tốt, mua càng khó lại càng quý hơn. "Của một đồng công một nén" nên đi xa về tặng ông bà hộp thuốc bổ cũng thật đáng quý. Nhìn bố mẹ mình uống rồi khen khoẻ hơn có con cái nào không hạnh phúc.
Tâm lý cũng là cách chữa bệnh quan trọng của ngành y chúng tôi. Một người bệnh quá lo lắng khi khám bệnh mà không có thuốc gì mang về uống cũng sẽ rất băn khoăn, hay là bệnh mình nặng vô phương cứu chữa. Đối với những trường hợp này trước tôi hay kê vitamin, dân trí ngày nay cao hơn nhiều nên đọc thấy vitamin chắc chắn sẽ chưa yên tâm. TPCN thường phát huy công dụng trong những trường hợp hãn hữu này. Đây cũng là nguyên nhân các TPCN dởm len lỏi tấn công vào các bệnh viện, quầy thuốc.
![]() |
Kẹo rau củ bị thu hồi. |
3 việc cần lưu ý khi sử dụng TPCN
Hôm nay vì nhiều người đề nghị nói gì về TPCN nên tôi cũng mạnh dạn khuyên 3 việc.
Thứ nhất, hãy tự tìm hiểu nguồn gốc, tác dụng trước khi quyết định sử dụng TPCN. Nếu còn lưỡng lự tốt nhất không nên sử dụng. Rất nguy hiểm nếu chọn nhầm loại thực phẩm chức năng giả hay có thành phần không tốt đến bệnh lý mà người sử dụng đang mắc (ví dụ như người đái tháo đường mà lại dùng thực phẩm chức năng có nhiều Glucose).
Thứ hai, nếu mua nên lựa chọn những loại TPCN đã được các nước phát triển công nhận, bầy bán công khai tại các siêu thị.
Cuối cùng khi sử dụng hãy thực sự lắng nghe cơ thể mình nếu cảm nhận khác thường nên dừng lại ngay lặp tức. Ngoài ra tôi cũng khuyên không nên dùng TPCN liên tục kéo dài. Có thể dùng từng đợt vì nguyên lý đơn giản khi đã đủ rồi không cần bổ sung nữa.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội)