Giáo dục

PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh: Chọn nghề bởi cảm hứng từ chính những người thầy

  • Tác giả : Mai Loan
PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ, một trong những lý do quan trọng khiến ông chọn công việc giảng dạy là bởi cảm hứng từ chính những người thầy tuyệt vời của mình.
pgs.tskh-vu-hoang-linh.jpg
PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. TK: Trần Lương.

Những người thầy tuyệt vời

Lý do nào đã khiến ông chọn theo nghề giáo?

Có hai lý do đã ảnh hưởng lớn tới quyết định chọn công việc giảng dạy của tôi. Đầu tiên, là từ yếu tố gia đình. Gia đình tôi rất nhiều người làm giáo viên. Bố tôi là giảng viên đại học, mẹ tôi là giáo viên cấp 3, chị gái tôi, rồi các dì đều là giáo viên… Sống trong môi trường đó, có thể một phần tình yêu với nghề giáo đã ngấm vào tôi lúc nào không hay.

Lý do thứ hai, là từ những ký ức rất đẹp trong những năm tháng đến trường. Tôi đã may mắn được học những người thầy giáo, cô giáo tuyệt vời. Tôi luôn nghĩ, nếu trở thành một nhà sư phạm, tôi muốn cũng mang tới cho học trò những điều tốt đẹp giống như những gì tôi đã được nhận khi là một học trò.

Đó là những điều như thế nào, thưa ông?

Người để lại ấn tượng mạnh, và đầu tiên với tôi là cô giáo dạy tôi từ lớp 1. Cô có chữ viết rất đẹp, có phương pháp sư phạm mẫu mực. Tôi luôn mãi ghi nhớ hình ảnh về cô là một cô giáo như mẹ hiền.

pgs.tskh-vu-hoang-linh-cover-nhan-xet-giao-vien.jpg
PGS.TS Vũ Hoàng Linh vẫn giữ lời nhận xét của cô giáo chủ nhiệm mình năm lớp 1. Ảnh: NVCC.

Một người thầy cũng có ảnh hưởng lớn đến tôi là thầy giáo chủ nhiệm những năm học cấp 2. Tôi cho rằng hiếm có ai có được khả năng sư phạm như thầy. Thầy nghiêm khắc, nhưng luôn biết cách khích lệ để có thể tạo ra động lực học tập và sự tự tin riêng cho mỗi học trò.

Thầy thường yêu cầu chúng tôi, sau khi làm xong một bài tập, cần nghĩ thêm một câu hỏi phụ, mở rộng bài toán hay phương pháp đã dùng.

Sau này, khi học ở bậc cao hơn, tôi mới ngộ ra rằng, thầy đã tạo cho chúng tôi kĩ năng tự học, cách tư duy sáng tạo - chủ động, và tạo thói quen luôn cố gắng nhìn nhận vấn đề một cách bao quát hơn. Điều này có ý nghĩa không chỉ trong học tập, trong công việc mà trong cả đời sống hàng ngày của mỗi người.

Tình yêu thương học trò, sự khích lệ, sự công tâm, công bằng… đó là những bài học tuyệt vời về nghề thầy tôi đã nhận được từ những người thầy của tôi.

Ngoài ra, còn có những thầy cô giáo nước ngoài mà tôi đã được học trong thời gian tôi đi du học và làm nghiên cứu sinh, nhiều người cũng rất tuyệt vời.

Có thầy cô nào đã để lại trong ông những kỷ niệm không vui không?

Cũng có. Nhưng đó cũng là một bài học, chỉ là theo cách khác. Có những tình huống mà tôi tự nhủ, sau này nếu tôi làm thầy, tôi sẽ tránh, không mắc vào sai lầm đó.

Đánh giá cao sự chỉn chu, chuyên nghiệp hơn là giỏi nhưng cẩu thả

Một giáo viên, theo ông cần hội tụ những yếu tố gì?

Tôi cho rằng, đối với một giáo viên cần phải có khả năng sư phạm và kiến thức vững, ít nhất là trong lĩnh vực của mình; nhưng quan trọng hơn cả là sự chỉn chu và chuyên nghiệp.

Khi làm trợ giảng cho các thầy giáo nước ngoài, tôi thấy mặc dù có người không phải là các nhà khoa học lỗi lạc, nhưng họ đều những nhà sư phạm mẫu mực. Họ chuẩn bị bài giảng cẩn thận, chuẩn xác từ cách viết bảng đến diễn đạt.

pgs.tskh-vu-hoang-linh-1.jpg

Giáo sư hướng dẫn luận án tiến sĩ cho tôi cũng là một người chỉn chu, cẩn thận như vậy. Tôi cho rằng, người giáo viên, đặc biệt đồng thời khi làm khoa học phải như thế, không thể cẩu thả.

Tôi không tin những người cẩu thả lại có thể làm được khoa học, kể cả với lý thuyết và thực hành. Chẳng hạn trong thí nghiệm, nếu đo sai, cẩu thả với số liệu làm sao có được kết quả khoa học đúng?

Sau này, khi trở thành giảng viên, tôi đánh giá rất cao sự chỉn chu, nghiêm túc ở học trò. Những người này có thể tiến xa hơn những người giỏi, suy nghĩ nhanh nhưng cẩu thả.

Với cán bộ, tôi cũng yêu cầu cao sự cẩn thận trong công việc. Nhiều khi tôi cũng phê bình cán bộ về việc viết một văn bản sai nhiều lỗi, không kiểm tra lại cẩn thận mà vẫn trình lên ký.

Theo ông, những lỗi này xuất phát từ đâu? Có phải một phần do người thầy không?

Tôi thấy những thầy cô mà tôi được biết ở nước ngoài, bản thảo bài báo, luận văn của học trò được chữa từng câu, từng chữ, dấu chấm, phẩy rất cẩn thận. Trong khi đó, ở Việt Nam, một số thầy cô không chú trọng điều này.

Theo tôi, mỗi cá nhân đều phải tự rèn luyện, nhưng vai trò của người thầy vẫn rất quan trọng. Tôi luôn quan niệm thầy nào thì trò nấy. Thầy mà chỉn chu, cẩn thận, tác phong chuyên nghiệp thì trò cũng sẽ như vậy.

Lương giáo viên ít nhất phải đủ sống

Khi nói đến nghề giáo, một trong những vấn đề được nhắc tới nhiều đó là lương. Nhiều người cho rằng, đồng lương phải đảm bảo đủ sống thì giáo viên mới có thể yên tâm với nghề. Suy nghĩ của ông thế nào?

Mới đây, tôi có nói chuyện với một bạn trẻ, bạn ấy chia sẻ, sau khi tốt nghiệp đại học mới đầu bạn ấy đi dạy theo hợp đồng, sau đó chuyển sang làm công việc khác thì mới ngỡ ngàng rằng, lương nhà giáo lại thấp như thế so với mặt bằng chung của xã hội.

Theo tôi, thu nhập của nhà giáo khó có thể mong cao và hấp dẫn như nhiều nghề “hot” khác, nhưng ít ra lương giáo viên, ở tất cả các cấp phải đủ để đảm bảo cuộc sống thì họ mới yên tâm, đỡ bị xao lãng, dành thời gian cho công việc chính.

Đồng thời ở vai trò một nhà quản lý, việc tăng thu nhập cho cán bộ giảng viên có nằm trong mục tiêu của ông?

Tôi cho rằng, nếu mỗi tháng chỉ cần tăng thêm 500 nghìn – 1 triệu đồng vào tài khoản cho người lao động là họ đã vui và cảm nhận được về sự phát triển của Nhà trường, hơn là những lời nói “có cánh” của lãnh đạo về những đường hướng phát triển hay những kế hoạch “vĩ mô”.

Tăng thu nhập cho giảng viên là một trong những mục tiêu quan trọng đầu tiên mà Nhà trường hướng tới, sau đó, mới có thể đặt ra được những mục tiêu khác về nâng cao chuyên môn hay phát triển đào tạo, nghiên cứu. Hoặc ít nhất cũng phải cố gắng thực hiện song song cùng lúc, có tạo được động lực cho người lao động thì mới có thể kỳ vọng kết quả công việc tốt.

pgs.tskh-vu-hoang-linh-3(1).jpg

Có bao giờ ông ân hận về việc chọn nghề thầy chưa?

Cho đến thời điểm này thì chưa. Tôi yêu môi trường trường học, vì nơi đó có thế hệ trẻ, những người vui tươi, tràn trề năng lượng. Mỗi ngày đến trường, nhìn các em sinh viên tôi cảm thấy như mình cũng được trẻ ra.

Trân trọng cảm ơn ông! Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, xin được gửi tới ông cùng tất cả những thầy cô giáo trên cả nước lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, thành công!

PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh cho rằng, đối với người thầy sự công tâm, công bằng rất quan trọng. Một người thầy có thể nghiêm khắc, nhưng không được định kiến, không vì quý em này ghét em kia mà cư xử cảm tính, thì trò sẽ luôn “tâm phục, khẩu phục”. Những bài học từ các thầy cô giáo vẫn là điều mà ông noi theo khi cũng trở thành một người thầy.

pgs.tskh-vu-hoang-linh-5(1).jpg
PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh chụp ảnh cùng thầy cô và bạn học cũ, trong đó có "người thầy tuyệt vời" được nhắc tới trong bài. Ảnh: NVCC.
Mai Loan

BẢN DESKTOP