Bình luận

PGĐ BV Xanh Pôn: Cực lực lên án hành vi đánh bác sĩ!

Tôi cực lực lên án hành vi đánh bác sĩ! Hiện bác sĩ bị đánh vẫn đang hoảng loạn, nghỉ làm, chưa thể tiếp tục công việc”, PGS.TS Trần Trung Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn chia sẻ.

PGS.TS Trần Trung Dũng chia sẻ, đến giờ ông vẫn bàng hoàng, phẫn nộ về vụ việc đánh bác sĩ ở Bệnh viện Xanh Pôn. Ảnh: Trần Hải.

Bác sĩ Chiến không quá “nguyên tắc”

Thưa bác sĩ, là một lãnh đạo bệnh viện nơi xảy ra vụ việc bác sĩ Vũ Hồng Chiến bị người nhà bệnh nhân đánh, tâm trạng của ông khi nghe tin như thế nào?

Bản thân tôi rất buồn khi trong thời gian gần đây nghe tin rất nhiều về các vụ bạo hành y tế, đánh bác sĩ diễn ra trong các bệnh viện cả nước. Vấn đề này gần đây như là một trào lưu về cách hành xử đối với một số người nhà bệnh nhân quá khích và không hiểu cho nhân viên y tế.

Đến bây giờ tôi vẫn rất bàng hoàng và phẫn nộ về vụ việc đánh bác sĩ vừa xảy ra ở bệnh viện tôi. Và hiện tại BS Chiến cũng vẫn hoảng loạn, nghỉ làm, chưa tiếp tục được công việc.

Quan điểm của ông như thế nào về việc cho rằng BS Chiến đã quá “nguyên tắc” trong xử lý tình huống, trong khi bố bệnh nhân đang quá sốt ruột với vết thương của con, dẫn tới bức xúc, không kiềm chế được, dẫn tới đánh bác sĩ?

Tôi đánh giá, BS Chiến đã làm đúng quy trình xử lý, khám chữa bệnh cấp cứu theo các quy định của Bộ và của Sở Y tế. Ở đây, BS Chiến đã giải thích cho bố bệnh nhân về hai vấn đề, đó là vấn đề về chuyên môn và tài chính. Từ đó, để cho gia đình bệnh nhân quyết định. Về chuyên môn, có khâu thẩm mỹ hay không. Về tài chính, là đóng tiền như thế nào. Điều này là hoàn toàn đúng về quy trình.

Một số ý kiến cho rằng, giá như BS Chiến sơ cứu, xử lý vết thương cho bệnh nhân trước, rồi giải thích sau, thì có thể bố bệnh nhân đã không bị kích động, không đánh bác sĩ. Như vậy, dù “đúng quy trình”, nhưng liệu BS Chiến có thiếu linh hoạt, hay nói cách khác là  quá “nguyên tắc” trong xử lý tình huống hay không?

Quy trình của bệnh viện đối với các thương tổn vùng hàm mặt, ngoài vấn đề chức năng, sơ cấp cứu chảy máu thì một trong những vấn đề quan trọng là liên quan đến thẩm mỹ người bệnh. Đối với những thương tổn nặng như chảy máu, mất máu kéo dài, có nguy cơ sốc, tử vong thì bắt buộc phải đưa thẳng lên phòng mổ. Hai là có thể phải xử lý khâu cầm máu tạm thời tại phòng khám cấp cứu.

Còn những trường hợp không nguy hiểm tính mạng, không chảy máu, mất máu kéo dài, có nguy cơ sốc thì bệnh nhân ở phòng cấp cứu sẽ được BS chuyên khoa phẫu thuật tạo hình trực tiếp đánh giá và xử lý. Để nhằm mục đích đạt được những kết quả tốt nhất về điều trị vết thương cũng như đảm bảo vấn đề thẩm mỹ cho bệnh nhân sau này.

Xem trong clip bạn có thể thấy bệnh nhân không hề chảy máu, không có thương tổn nặng, có nguy cơ… Cho nên việc BS giải thích ở đây là hoàn toàn theo đúng quy định của bệnh viện, không hề quá “nguyên tắc”.

Thanh có hành vi đánh bác sĩ tại Bệnh viện Xanh Pôn.

Cấp cứu ưu tiên bệnh nhân nặng

Vụ việc đánh bác sĩ lần này làm dấy lên tranh luận, về việc có hay không việc bệnh nhân phải đóng tiền viện phí mới được cấp cứu. Thực tế và theo đúng quy định thì thế nào, thưa ông?

Đối với bệnh nhân cấp cứu, ưu tiên khám chữa bệnh là số một. Một trong những điểm quan trọng trong công tác cấp cứu, đó là phân loại bệnh. Vì vậy một số trường hợp bệnh nhân và gia đình đến khám cấp cứu, tuy nhiên sau khi đánh giá thì bệnh nhân không thuộc diện bệnh cấp cứu và bệnh nhân được chuyển sang khám bình thường.

Danh sách bệnh quy định là cấp cứu đã được Bộ Y tế quy định rất rõ. Đối với bệnh nhân cấp cứu, ưu tiên khám chữa bệnh là hàng đầu.

Có phản ánh cho rằng, BS là người có chuyên môn có thể đánh giá được mức độ tổn thương, nhưng người nhà thì không, họ rất lo lắng. Sự thờ ơ của nhân viên y tế, không có đội ngũ tiếp đón khi bệnh nhân được đưa đến phòng cấp cứu là nguyên nhân khiến bạo lực bị “châm ngòi”, dễ dẫn tới hành vi đánh bác sĩ. Ông suy nghĩ gì về điều này?

Tôi phải khẳng định điều này, không có chuyện bệnh nhân đến mà không được tiếp đón. Không chỉ Xanh Pôn mà tất cả các bệnh viện đều có khoa cấp cứu. Mục đích tối quan trọng của khoa này đầu tiên là tiếp đón nhanh, kịp thời.

“Cháu bé không có tội, cháu bé không làm gì sai cả. Khi người nhà khác của cháu bé có đến xin lỗi, chúng tôi vẫn bình tĩnh động viên gia đình, sẽ khâu cho cháu, dù bố cháu có đánh tôi đi chăng nữa” – bác sĩ Chiến cho biết.

Lý giải về điều này, bác sĩ Chiến nghẹn ngào: “Chúng tôi muốn chứng minh cho xã hội thấy, dù bác sĩ có bị chèn ép sao nữa… thì họ sẽ không phụ những người đánh họ”.

BS Chiến chia sẻ, dù bị hành hung sẽ vẫn cứu chữa cho cháu bé. Ảnh DV.

Hai là phân loại bệnh. Vì thế có thể có những trường hợp bệnh nhân đến sau nhưng ưu tiên xử lý trước. Bệnh nhân được ưu tiên như tôi đã nói là sốc, mất máu, nguy cơ tử vong thì có thể không cần làm xét nghiệm vẫn phải đẩy thẳng lên nhà mổ để giải quyết.

Thứ tự ưu tiên phải linh hoạt. Và thứ tự trong cấp cứu không phải là người đến trước thì ưu tiên xử lý trước mà ưu tiên theo tình trạng nặng của bệnh.

Trong trường hợp người nhà bệnh nhân lại không hiểu điều đó, cho rằng người nhà mình cần được ưu tiên, không đồng ý bệnh nhân chỉ là “khám bình thường”, thì theo BS nên có biện pháp gì để dung hòa, phòng tránh sự kích động của người nhà bệnh nhân?

Với tình trạng quá tải ở hầu hết các bệnh viện như hiện nay, đôi khi việc giải thích của nhân viên y tế chưa thật kỹ càng cũng là một yếu tố khiến gia đình bệnh nhân không thoải mái. Để giải quyết tương đối thấu đáo việc này Bộ Y tế cũng như các bệnh viện đang phát động phong trào nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, lấy người bệnh làm trung tâm.

Cực lực lên án hành vi đánh bác sĩ

Có câu hỏi đặt ra: Vì sao việc đánh bác sĩ không xảy ra ở bệnh viện tư, mà lại chỉ xảy ra ở bệnh viện công? “Không có lửa thì làm sao có khói”, có phải do thái độ, phong cách phục vụ của nhân viên y tế ở bệnh viện công khác bệnh viện tư? Ý kiến của ông thế nào?

Như đã trả lời ở câu hỏi trên, bệnh nhân và gia đình đến viện vì nghĩ là bệnh nhân đang trong tình trạng cấp cứu. Tuy nhiên sau khi đánh giá và phân loại thì không phải diện bệnh nhân cấp cứu nên chuyển sang chế độ khám thường, việc chờ đợi sẽ lâu hơn và thứ tự ưu tiên sẽ khác. Vì vậy bệnh nhân và người nhà sẽ cảm thấy không thoải mái, thậm chí bức xúc.

Sự bức xúc thường xảy ra ở khoa cấp cứu. Đa phần các bệnh viện tư chỉ thực hiện những sơ cứu đơn giản ban đầu, sau đó chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế công vì lực lượng của các bệnh viện tư thường không đủ đáp ứng năng lực cấp cứu toàn diện.

Thứ hai là yếu tố tài chính, khu vực khám chữa bệnh cấp cứu thường không tạo ra nhiều lợi nhuận và tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, do đó các bệnh viện tư ít khi chú trọng đầu tư vào bộ phận này.

Tôi thừa nhận là đâu đó vẫn có những trường hợp nhân viên y tế có thái độ, sự phục vụ chưa chuẩn mực, nhưng không thể dựa vào đây để cho rằng đó là nguyên nhân chính dẫn tới chỉ có bệnh viện công mới có đánh bác sĩ, bạo hành nhân viên y tế.

Những vụ việc đánh bác sĩ, bạo hành xảy ra liên tiếp gần đây có cho thấy sự báo động về khoảng cách ngày càng xa trong mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân không, thưa ông?

Mặc dù có những sự việc bạo hành xảy ra, tuy nhiên tôi cho rằng đó chỉ là những cá nhân cá biệt, con sâu làm rầu nồi canh. Còn lại đa phần các bệnh nhân và gia đình đều thấu hiểu các bác sĩ điều dưỡng đang cố gắng hết sức giúp đỡ mình.

Ông đánh giá như thế nào về các giải pháp như tăng cường an ninh bệnh viện, thuê bảo vệ chốt chặn ở các phòng cấp cứu… Nó có ngăn chặn được nạn bạo hành nhân viên y tế?

Theo tôi, đó chỉ là các giải pháp trước mắt, vấn đề quan trọng hơn là phải đi vào việc phòng ngừa và tốt nhất nên được thể hiện rõ bằng các văn bản pháp lý. Người bác sĩ tham gia khám chữa bệnh cũng như người đang thi hành nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân do Đảng và Nhà nước giao phó, do đó cũng cần được pháp luật bảo vệ như các lực lượng khác.

Nếu có được điều này, tôi nghĩ sẽ là tốt nhất để tạo nên môi trường y tế an toàn cho anh em nhân viên y tế làm việc, toàn tâm toàn ý chăm sóc sức khoẻ cho người bệnh.

Là một lãnh đạo, đồng thời cũng là một bác sĩ, ông mong muốn điều gì qua vụ việc này?

Tôi cực lực lên án hành vi đánh bác sĩ, nhân viên y tế. Điều đó để lại tổn thương rất nặng nề, đặc biệt là về tinh thần cho chúng tôi. Tôi mong truyền thông, cũng như xã hội hãy cùng chung tay để khắc phục bạo hành y tế, tạo một môi trường an toàn để chúng tôi có thể chăm sóc cho sức khỏe của nhân dân.

Trân trọng cảm ơn ông!

Công an quận Ba Đình, Hà Nội hôm nay ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Trương Văn Thanh (32 tuổi, trú tại cụm 5, phường Vĩnh Phúc) để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Theo điều tra ban đầu, khoảng 19h30 ngày 13/4, Thanh cùng con trai là Trương Văn Vũ P. (5 tuổi) đi dự sinh nhật ở trên phố Yên Phụ (quận Tây Hồ). Trong lúc Thanh ngồi uống rượu với bạn, cháu P. ở ngoài chơi đùa và bị ngã, rách đuôi mắt phải. Thanh vội vàng đưa con vào bệnh viện đa khoa Xanh Pôn Hà Nội để xử lý vết thương.

Đến 23h30, Thanh đưa cháu P. lên khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và được bác sĩ Vũ Hồng Chiến (28 tuổi, quê Hải Dương) thăm khám.

Thanh yêu cầu bác sĩ Chiến khâu vết thương thẩm mỹ cho cháu P. bằng chỉ nhỏ, không để lại sẹo. Bác sĩ Chiến giải thích nếu khâu thường thì chuyển xuống khoa cấp cứu, còn khâu thẩm mỹ thì cháu P. sẽ được bác sĩ Chiến trực tiếp khâu. Thấy bác sĩ tư vấn lâu, cho rằng bác sĩ gây khó dễ nên Thanh chửi bới và dùng tay đánh bác sĩ Vũ Hồng Chiến 2 cái vào mặt. Bảo vệ bệnh viện và người thân của Thanh vào can ngăn, đồng thời báo cơ quan công an.

 Mai Loan – Thúy Nga

BẢN DESKTOP