NHÌN THẲNG

PAPI 2017: Trung ương quyết liệt, tham nhũng giảm

Kết quả khảo sát Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI 2017) cho thấy nhiều chuyển biến tích cực ở 5/6 nội dung khảo sát.

Sau 4 năm giảm liên tiếp, chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công tại Việt Nam có tín hiệu khả quan, tỉ lệ người dân phải chi tiền lót tay giảm.

Đáng lưu ý, trong năm 2017, chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công tăng điểm mạnh, từ 5,8 điểm năm 2016 lên 6,15 điểm.

Trong đó, tỉ lệ người dân phải đưa hối lộ khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giảm từ 23% năm 2016 xuống còn 17% năm 2017; tỉ lệ phải hối lộ nhân viên y tế bệnh viện công tuyến huyện/quận cũng giảm từ 17% năm 2016 xuống còn 9% năm 2017.

Chuyên gia của UNDP trình bày kết quả PAPI 2017.

Tỉ lệ người trả lời cho biết, không phải đưa tiền “lót tay” để xin được việc làm trong cơ quan nhà nước tăng từ 37% năm 2016 lên 43% năm 2017.

Tuy nhiên, mức độ chịu đựng tham nhũng có xu hướng tiếp tục gia tăng. Người dân cho biết, mức tiền bị vòi vĩnh trung bình của cán bộ, công chức địa phương năm 2017 từ 27,5 triệu đồng mới tố cáo, tăng 2 triệu so với năm 2016.

Ngoài ra, người dân đánh giá, mới cảm thận ít nhũng nhiễu hơn ở cấp thừa hành, còn cấp chính quyền các tỉnh, thành chưa có sự cải thiện, chưa chủ động trong phòng chống và kiểm soát tham nhũng.

33 tỉnh có mức gia tăng đáng kể nhất về chỉ số kiểm soát tham nhũng, nhiều nhất là Quảng Ninh, Bạc Liêu, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lào Cai và An Giang. 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM ở nhóm thấp nhất, với số điểm lần lượt 5,52 và 5,46, trong khi đó Đà Nẵng đạt 6,96 còn Hải Phòng đứng cuối bảng với 4,36 điểm.

Chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công tăng điểm mạnh

Nhóm nghiên cứu PAPI nhìn nhận, trong suốt giai đoạn 2013-2016, chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công liên tục giảm, việc kết quả 2017 đảo chiều cho thấy nhiều nỗ lực của Việt Nam.

Kết quả trên có thể do những nỗ lực kiểm soát tham nhũng ở cấp trung ương và tác động từ việc xét xử một số vụ án tham nhũng từ giữa 2017. Tuy nhiên, mức tăng hiện vẫn thấp hơn điểm năm 2012.

Chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công tăng điểm mạnh.

Người dân sợ nhất đói nghèo

Theo kết quả PAPI 2017, có tới 28% người trả lời chọn nghèo đói là vấn đề đáng quan ngại nhất cần nhà nước ưu tiên giải quyết. Mối quan tâm thứ hai là tăng trưởng kinh tế và thứ ba là việc làm, chất lượng giáo dục đứng cuối bảng. Môi trường đã tụt từ vị trí quan ngại cao thứ hai năm 2016 xuống vị trí thứ tư năm 2017.

Khảo sát của PAPI 2017 với trên 14.000 người dân cho thấy, đa số đều tự đánh giá điều kiện kinh tế gia đình mình bình thường, trong đó có 13% dân tộc Kinh cho rằng kinh tế kém hơn trước, con số này ở hộ gia đình dân tộc thiểu số là 22%.

Khi được hỏi về triển vọng kinh tế hộ gia đình trong 5 năm tới, số người cảm thấy bi quan vẫn liên tục tăng qua các năm. Năm 2016, chỉ có 13% người được hỏi cảm nhận tiêu cực về tình hình kinh tế hộ gia đình trong 5 năm tới, đến 2017, tỉ lệ này đã tăng lên 21%.

Trong năm 2017, lần đầu tiên PAPI nêu câu hỏi về việc người dân có đóng thuế thu nhập cá nhân hay không, kết quả chỉ có 6,8% đóng thuế.

Bên cạnh đó, kết quả PAPI 2017 cũng cho thấy tất cả các tỉnh đều có nhiều cải thiện về chỉ số thủ tục hành chính công. Tỉ lệ người dân cho biết có điều kiện tiếp cận bộ phận một cửa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng tăng từ 79% năm 2016 lên 86% năm 2017.

Trong năm 2017, tỉ lệ người dân phản ánh hộ gia đình bị thu hồi đất giảm nhẹ, từ 9% năm 2016 xuống 7%.

Tuy nhiên bồi thường thu hồi đất vẫn là vấn đề đáng quan ngại, bởi tỉ lệ người bị thu hồi đất hài lòng với mức tiền bồi thường thu hồi đất giảm dần qua các năm. Năm 2014, 36% số người bị thu hồi đất cho rằng giá bồi thường xấp xỉ giá thị trường, đến năm 2017 tỉ lệ này giảm xuống còn 21%.

Nhóm nghiên cứu PAPI đánh giá, vẫn còn khoảng cách đáng kể giữa điểm số cao nhất (60 điểm) và điểm số thấp nhất (39,52 điểm), điều này cho thấy hiệu quả quản trị và hành chính công, thực thi chính sách công giữa các tỉnh, thành phố không đồng đều.

PAPI là khảo sát xã hội học lớn nhất Việt Nam, tập trung tìm hiểu hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá, trải nghiệm của người dân tại 63 tỉnh, thành. Khảo sát này được thực hiện thường niên từ 2011 đến nay.

Khảo sát đo lường ở 6 lĩnh vực: Công khai, minh bạch; tham gia của người dân ở cấp cơ sở; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng; thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công.

An Nhiên (tổng hợp)

BẢN DESKTOP