Khám phá

Ớt khô nhiễm Aflatoxin độc hại thế nào?

Ăn thực phẩm mốc nhiễm Aflatoxin sẽ bị ngộ độc trường diễn, từ từ, ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trong cơ thể, đặc biệt là gan, gây ra tình trạng ung thư gan.

Tại Hội nghị khoa học của Viện Pasteur TPHCM lần thứ 19, một báo cáo nghiên cứu công bố trong Tạp chí Y học dự phòng sáng ngày 8/12, cho biết từ tháng 5 – 6/2017, các nhà nghiên cứu Viện Pasteur TPHCM thu thập ngẫu nhiên 48 mẫu ớt khô tại các chợ và tiệm tạp hóa trên địa bàn 5 tỉnh phía Nam gồm Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai và TPHCM. 45 mẫu không có bao gói và xuất xứ rõ ràng. Ba mẫu có bao gói nhưng là sản phẩm sản xuất theo quy trình thủ công.

Kết quả kiểm nghiệm cho thấy 48 mẫu ớt khô đều có sự hiện diện của vi nấm aflatoxin. Trong đó cả 48 mẫu đều nhiễm aflatoxin B1, 35 mẫu nhiễm aflatoxin B2, 11 mẫu nhiễm aflatoxin G1. Hàm lượng aflatoxin B1 trong 48 mẫu là 0,13-46,57 microgam/kg. Trong đó có 10 mẫu nhiễm aflatoxin B1 vượt quá giới hạn cho phép trên 5 microgam/kg và 6 mẫu nhiễm aflatoxin vượt quá giới hạn cho phép trên 10 microgam/kg.

Trao đổi với Pháp luật TPHCM, về tác hại của Aflatoxin có trong ớt khô đối với người tiêu dùng, PG.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm – Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ: “Ở trường hợp ớt khô bị nhiễm vi nấm Aflatoxin này rất có thể là do điều kiện thu hoạch, phơi, bảo quản, xay sấy thành bột (hoặc nguyên quả) không đảm bảo chất lượng hay không có bất cứ sự kiểm soát nào về nhiệt độ cũng như độ ẩm, an toàn vệ sinh, khiến nấm mốc phát triển trên ớt.

Rất hiếm trường hợp tử vong ngay lập tức khi ăn các thực phẩm nhiễm số lượng lớn Aflatoxin. Nghiêm trọng hơn đối với người tiêu dùng khi sử dụng thực phẩm mốc có độc tố aflatoxin là ngộ độc trường diễn, từ từ, ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trong cơ thể, đặc biệt là tích tụ dần dần trong gan gây ra tình trạng ung thư gan”.

Tác hại của việc sử dụng ớt khô nhiễm Aflatoxin - ảnh 1Quy trình sản xuất ớt khô không đảm bảo chất lượng rất dễ bị nấm mốc và nhiễm Aflatoxin. Ảnh: Internet

Theo nghiên cứu ở Trường ĐH Cornell (Hoa Kỳ), dù với hàm lượng cực thấp nhưng Aflatoxin đã gây nên những ảnh hưởng bất lợi cho con người qua một thời gian dài tích tụ từ thực phẩm rồi dẫn đến ung thư gan. Nhiễm aflatoxin cấp tính đã được thông báo ở các nước với các biểu hiện chủ yếu là suy chức năng gan cấp, xơ gan và hoại tử nhu mô gan.

Nói về liều lượng aflatoxin gây nguy hại cho con người, PGS.TS Đinh Duy Kháng (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) trả lời trên báo Dân Trí rằng: “Có nhiều tài liệu cho rằng, sự nguy hiểm của aflatoxin B1 là ở chỗ nó có khả năng gây hại chỉ với liều lượng rất nhỏ, 1kg thức ăn chỉ cần nhiễm 2 miligam (với lượng chỉ đủ dính trên đầu móng tay) cũng đã đủ làm hỏng gan. Tuy nhiên, điều này chưa chính xác. Chất aflatoxin là độc nhất trong các chất cực độc nên chỉ tính bằng lượng microgam tức 1 phần triệu gam. Nếu 1kg dính 2 miligam vẫn là quá nhiều!”

Do đó, chuyên gia Nguyễn Duy Thịnh cũng đưa ra lời khuyên: “Để đảm bảo sức khỏe nhất là mùa tết đến, chúng ta cần lựa chọn sản phẩm một cách thông thái, bởi khi ăn những thực phẩm bị nhiễm vi nấm này thì khả năng ung thư là rất cao.

Và trên hết cơ quan chức năng cần kiểm soát một cách nghiêm ngặt hàm lượng aflatoxin, chất lượng, quy trình sản xuất của sản phẩm ớt khô dạng bột và nguyên trái nói riêng và các dạng thực phẩm khác như đậu tương, ngô, bột cá, gạo…

Còn người tiêu dùng khi phát hiện sản phẩm mốc thì nên đổ bỏ chứ không nên rửa, đun nấu, sử dụng lại. Vì độc tố aflatoxin sẽ không bị phân hủy ở nhiệt độ cao, ăn các sản phẩm mốc rất nguy hại cho sức khỏe”.

Mai Nguyễn (tổng hợp)

BẢN DESKTOP