Dọc đường

Ông sáng chế… thần kinh

Làm đủ các nghề, thợ may, thợ mộc, thợ sửa xe máy, thợ sơn, thợ hàn… để kiếm sống, rồi tích cóp được bao nhiêu, ông “đốt” hết vào các sáng chế bấy nhiêu. Rồi khi ông làm đề án xin hỗ trợ mở rộng dây chuyền công nghệ, người ta bảo ông là cái đồ “thần kinh”. Chỉ có người thần kinh mới làm thế. Nhưng ông vẫn vỗ ngực bảo, ừ, thì thần kinh đấy!

Ông Trịnh Đình Năng giới thiệu những hoạt tính của củ nghệ rừng để tiến tới làm dây chuyền chiết tách, thương mại hóa sản phâm tinh chất curcumin từ củ nghệ.

Cái ông này tâm thần rồi!

Tôi gặp ông Trịnh Đình Năng (Thị xã Sông Cầu, tỉnh Bắc Kạn) vào một ngày cuối xuân dịu mát. Ông hồ hởi khoe, sắp tới ông sẽ chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất tinh bột nghệ xuống Khu công nghệ cao Hòa Lạc để có nhiều điều kiện sản xuất kinh doanh, tiếp tục nghiên cứu.

Tinh bột nghệ chiết xuất ra curcumin của ông sử dụng làm mỹ phẩm, thuốc, dược liệu. Nhiều người bị bệnh dạ dày, u nang buồng trứng, tử cung, u tuyến giáp… sử dụng bột nghệ của ông uống đã khỏi bệnh hoàn toàn.

Cây này mọc trong rừng nhiều lắm, nên có thể tận dụng và phát triển được. Ông hy vọng sẽ đem được sản phẩm này đến được với đông đảo người dân.

Huyên thuyên mãi về củ nghệ, về dây chuyền thiết bị máy móc mà theo ông thì chỉ có 6 nước trên thế giới làm được, ông trở lại về ký ức của những ngày “chập chững” làm khoa học.

Ông bảo ông học cơ khí chế tạo máy của trường Cao đẳng Gang thép Thái Nguyên, nhưng đa phần là tự học. Ông thích học hóa học vô cơ từ ngày còn học phổ thông.

Về lý thuyết hàn lâm, ông gần như chẳng biết gì, nhưng về phân tích thì ông nắm như lòng bàn tay. Đưa cho ông một sản phẩm, ông có thể đọc vanh vách các thành phần trong đó.

“Năm 2009, tôi đi nộp hồ sơ đăng ký sáng chế độc quyền về lò đốt rác thải. Đến sở khoa học để hỏi và nhờ chứng nhận, người ta bảo với tôi: Ông này tâm thần. Trên thế giới đây vẫn là vấn đề nan giải không giải quyết được, thì làm sao ông giải quyết nổi?

Đấy, nhà khoa học mà còn nói thế! Lúc đó tôi chưa hiểu về đăng ký sở hữu, ra phường xin dấu xác nhận mình là người của phường đó thì họ bảo tôi là người có vấn đề về thần kinh.

Khi tôi đăng ký xong, làm ra chiếc máy đốt rác thải thực sự thì họ mới bảo nhau, ừ nhỉ, hóa ra ông ấy làm được. Tôi không chê gì họ, nhưng tôi thấy tầm nhìn của nhiều người còn hạn chế”, ông Năng bộc bạch.

Cơ chế này nó khó, nếu không có cơ quan nào đỡ đầu thì rất khó để bán được, dù công nghệ có thuộc diện nhiều nhanh tốt rẻ. Ví dụ nhà nước giao quyền cho các bệnh viện mua lò đốt rác thải, bệnh viện chọn mua loại lò nào? Chỉ cần lò nào có “màu” nhiều, chia chác tiền người bán người mua thì người ta chọn. Nên dù lò có xấu, mua về có làm sắt vụn người ta cũng mua. Còn lò của tôi, giá 2,5 tỉ đồng, tôi bảo với lãnh đạo thị xã Bắc Cạn là tôi cho không 1 tỉ, tôi chỉ bán 1,5 tỉ thôi. Thậm chí tôi cho nợ, nhưng họ cũng không mua dù chiếc lò tôi lắp đốt thử nghiệm ở trung tâm y tế thì đốt rất tốt.

Bán vàng làm “phòng thí nghiệm”

Chiếc lò đốt rác là sản phẩm “ngốn” nhiều thời gian của ông nhất. Ông Năng kể:Từ năm 2000, ông bắt đầu xắn tay áo làm lò đốt rác thải. Làm đi làm lại hàng chục cái hỏng, mãi đến năm 2009 thì chiếc lò đốt rác mới hoàn thiện. Trong suốt thời gian mày mò làm việc đó, ông không nghĩ đến điều gì khác ngoài việc phải làm cho ra chiếc máy thực sự.

ông Năng bên chiếc máy đốt rác do ông sáng chế.

Trước đó, năm 1999, ông bỏ ra 20 cây vàng để mua một ô đất làm “phòng thí nghiệm” cho riêng mình. Tiền đó tích cóp được từ những ngày còn làm thợ may, thợ mộc, thợ sửa chữa xe máy… Lúc đó ông có tham vọng xây dựng một trung tâm nghiên cứu chiết xuất vàng từ quặng. Ông nghiên cứu nhiệt luyện, lửa, xử lý khói bụi…

Rồi tình cờ một người bạn rủ đi xem cái lò đốt rác, đi xem về ông nghĩ, cái lò này đơn giản thế mà sao phải đi mua từ nước ngoài? Thế thì nhà nước ta hẳn là rất cần sản phẩm này.

“Những chiếc lò đốt rác ngày đó không xử lý khói bụi mà vẫn thải ra dioxin và furan, là sản phẩm phụ của phản ứng cháy.

Chất thải này rất độc đối với còn người, muốn bảo vệ được môi trường thì phải xử lý chất thải này, phải tạo ra môi trường đốt không hình thành chất đó hoặc không để cho nó có môi trường hình thành.

Quy luật của nó là sau 5 giây, với nhiệt độ trên 3000C khi thải ra môi trường, sẽ kết hợp với oxy tạo ra dioxin và furan. Cái độc đó không ai nhìn thấy. Tôi nghiên cứu làm sao để hạ nhiệt cực nhanh, sau 1 giây là hạ nhiệt rồi.

Tôi nói không ai tin, nhưng nhìn tôi làm thì mới thấy. Tôi nghĩ ra cơ chế, hạt bụi và hạt khí trong lò muốn đi ra khỏi cửa là phải chạm vào nhau ở kích cỡ nanomet. Khi chạm vào nhau thì chúng hấp thụ, không tạo ra khí độc”, ông Năng say sưa kể.

Đến nay ông có hàng chục sáng chế, hệ thống xử lý rác thải đô thị, công nghệ sản xuất cacbon làm pin điện thoại, máy tính, tích điện cho năng lượng mặt trời, gỗ nano….

Đã có ai làm chưa mà ông làm?!

Dây chuyền công nghệ sản xuất miến dong công nghệ cao nano là sản phẩm mà lần nào nhắc đến, ông Năng cũng rất đỗi tự hào. Ông cho biết, ở các làng nghề sản xuất miến dong truyền thống, người ta làm 10kg củ dong thì được 1kg miến dong, nhưng không đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu.

Còn dây chuyền của ông 10kg củ được 2kg miến mà không gây ô  nhiễm môi trường, không có mùi chua loét hôi thối như khi đến một số làng nghề làm miến. Bí quyết ở đây là ông đã xử lý bằng công nghệ ozon.

Khi tinh bột được nghiền ra thành các hạt siêu nhỏ thì sẽ tách tinh bột và bã ra riêng, nên được nhiều bột.

“Tôi chỉ cần lấy bã thải của các làng nghề làm miến, tôi sẽ chiết tách được số lượng tinh bột làm miến bằng với số mà họ đã lọc để làm miến, mà chất lượng miến lại ngon. Họ đang để lại bã thải của mình 50% tinh bột, rất phí”, ông Năng khẳng định.

Làm thành công, ông lặn lội đi xin đất mở rộng sản xuất, nhưng ông chán. Ông Trịnh Đình Năng bảo, tính ông vốn dứt khoát, nhưng khi mình đã đi xin đi xin lại mà không được, hỏi lên hỏi xuống không xong, thì ông đầu hàng. Không hiểu vì sao một công nghệ tốt như thế mà lại không được tạo điều kiện để phát triển.

Khi nghiên cứu về quy trình làm miến, ông thấy ở các làng nghề họ thường sử dụng axit sunfuric để tẩy miến, làm sợi miến trong, dai hơn. Nhưng axit này vô tình triệt tiêu luôn chất quý giá nhất trong củ dong là clorua bạc sinh học có tác dụng hấp thụ phóng xạ để đào thải ra ngoài.

Điều này làm mất giá trị của bột dong, nên miến này không có một chút chất bổ dưỡng nào cho cơ thể. Tốt, rẻ, tiện nhưng vẫn không xin để phát triển được.

“Tôi làm thủ tục xin đất, xin đầu tư nhà máy để sản xuất miến dong sạch, với tư cách là doanh nghiệp khoa học, họ trả lời đất chưa thu xếp được. Trong khi đó củ dong người dân trồng vứt cho lợn ăn không hết, lãng phí.

Tôi chờ mãi, hỏi vài lần họ vẫn nói thế, tôi chán. Họ cho rằng việc tôi làm là hão huyền. Khi tôi đề cập vấn đề đó rồi, có người hỏi: Đã ở đâu làm chưa mà ông làm? Chưa có ai làm, thì khó tin. Tôi thấy buồn cười, tự hỏi, nếu đã ở đâu làm rồi thì tôi làm làm gì nữa?”, ông Năng chia sẻ.

Đến nay, công nghệ miến dong sạch của ông vẫn nằm đó. May mắn có một người bạn ở Sơn La biết chuyện nên đang đề xuất áp dụng cho… đỡ phí. Đến nay, ông sẵn sàng “cho không” dây chuyền này, bởi nếu không mà để đó cũng vô nghĩa. Ông bảo cơ chế của mình có nhiều bất cập, bởi “như tôi, muốn được cống hiến trí tuệ của mình cho đất nước đã thấy khó rồi”.

Người ta bảo tôi là nhà sáng chế chân đất, nhưng tôi nghĩ người Việt Nam ai sinh ra chẳng đi chân đất. Tôi là người lao động, lao động có tư duy. Đi học có kiến thức nhưng không có trí thức thì bỏ đi. Hai anh em nhà Ride là thợ sửa xe đạp nhưng sáng tạo ra máy bay làm thay đổi thế giới. Edison học chưa hết lớp 5, không học trong trường nhưng tự học cả đời, Taylor học hết có lớp 7 và đưa ra học thuyết kinh tế kinh điển…

Tô Hội

BẢN DESKTOP