Giáo dục

Ồn ã sách Tiếng Việt 1: Nhiều nội dung ngô nghê, chứa đựng cái ác, bạo lực

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - Những bài tập đọc trong sách Tiếng Việt 1, bộ sách Cánh Diều trúc trắc, khó đọc; nội dung ngô nghê, vô nghĩa, không hướng tới cái đẹp, cái thiện… cần xem xét lại.

Không biết những bài tập đọc chuyển tải điều gì?

Nhiều bài tập đọc trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1, bộ sách Cánh Diều theo phản ánh của phụ huynh, giáo viên là trúc trắc, khó đọc, nội dung thì vô nghĩa, “vô hồn”, không biết là đang chuyển tải điều gì.

Cụ thể, bài Bé kể (trang 35): “Bà bế bé Lê. Bé bi bô: “Dì… giò…”. Đó là bé kể: Dì Kế giã giò. Cỗ có giò, có gà, có cả giá đỗ".

Nhà cô Nhã (trang 39): “Nhà cô Nhã ở bờ hồ. Hồ nhỏ, nhà nho nhỏ. Hồ có cá mè, ba ba. Nhà có na, nho, khế”.

Nhà dì (trang 45): “Nhà dì Nga có pi a nô. Cả nhà Bi đi phố, ghé nhà dì, nghe pi a nô. Dì Nga pha cà phê. Bố mẹ có cà phê. Bi có phở. Bé Li có na”.

Sẻ, quạ (trang 49): Nhà sẻ có sẻ bé. Sẻ ca “ri… ri”. Phía xa là nhà quạ. Quạ la “quà… quà”. Sẻ bé sợ quá. Sẻ bố dỗ: “Sẻ ca ri ri. Quạ la quà quà. Bé sợ gì!”.

Bài Ve và gà (trang 69): “Mùa thu qua, Cỏ lá khô cả. Nhà ve chả có gì. Ve gặp gà, ngỏ ý: - Chị… cho ve tí gì nhé? Gà cho ve và thủ thỉ: - Ve chăm múa và chăm làm nữa thì chả lo gì.

Có thể hiểu, những bài tập đọc đều là để cho trẻ nhớ các âm, vần đã đọc. Tuy nhiên, việc ráp các tiếng vào nhau thành đoạn văn một cách “cơ học” như vậy không chỉ trúc trắc, làm trẻ khó đọc, mà còn không hấp dẫn về nội dung, thậm chí ngô nghê, vô nghĩa, thiếu logic, không biết nói về điều gì.

Ví dụ, ở bài “Sẻ, quạ”: “Sẻ bố dỗ: “Sẻ ca ri ri. Quạ la quà quà. Bé sợ gì!”, không hiểu, lời của bố dỗ có nghĩa gì? Sao sẻ ca ri ri, còn quạ la quà quà thì bé không phải sợ?

Hoặc bài “Nhà dì”, đang nói về chuyện dì pha cà phê, thì Bi lại có phở, bé Li có na.

Nhiều chữ dùng cũng rất “khó hiểu”. Ví dụ, ở bài “Ve và gà”, “Chị… cho ve tí gì nhé?”, “tí gì” sẽ được hiểu thế nào?

Những bài tập đọc trong Sách Tiếng Việt 1 cũ là những vần thơ giàu hình ảnh, nhạc điệu, dễ đọc, dễ nhớ.

Những bài tập đọc trong Sách Tiếng Việt 1 cũ là những vần thơ giàu hình ảnh, nhạc điệu, dễ đọc, dễ nhớ.

So sánh với sách tiếng Việt cũ, cũng để cho học sinh nhớ âm, vần, nhưng là những vần thơ, đoạn văn giàu hình ảnh, nhạc điệu, dễ đọc, dễ thuộc, hấp dẫn. Ví dụ: “Búp sen nhỏ/Bên bờ ao/Như tay bé/Vẫy trời cao (vần up); Đêm hè trời đầy sao/Bé nằm ngủ thiu thiu/Lá cây reo rì rào/Như ru cho bé ngủ (vần ao)…

Câu hỏi đặt ra là: Cùng mục đích để cho trẻ nhớ âm, vần, vậy tại sao sách giáo khoa mới cứ buộc trẻ phải đọc các văn bản trúc trắc với nội dung “kỳ lạ” như vậy?

Bài tập đọc chứa đựng cái ác, bạo lực

Ở sách tiếng Việt tập 2, Bộ sách Cánh Diều, Bài Tập đọc “Ước mơ của tảng đá” khiến người đọc lạnh người vì cái ác được thể hiện trong văn bản.

Bài tập đọc "Ước mơ của tảng đá".
Bài tập đọc "Ước mơ của tảng đá".

Bài tập đọc "Ước mơ của tảng đá".

Cụ thể, nội dung có đoạn sau: "... Bác gió đành kênh tảng đá lên, hích một nhát. Tảng đá lăn lông lốc. Chỉ nghe một tiếng “ùm”, nó đã lăn xuống biển và mất tích".

Vấn đề là, khi nghe đề nghị khờ dại của tảng đá, dù can: “con lăn xuống biển là chìm đó”, nhưng nghe tảng đá năn nỉ, bác vẫn ”kênh tảng đá lên”, “hích một nhát”. Và sau hành động đó của bác, “tảng đá lăn lông lốc. Chỉ nghe một tiếng “ùm”, nó đã lăn xuống biển và mất tích”.

Vậy ý nghĩa mà nội dung văn bản muốn gửi gắm tới các học sinh là gì? Căn cứ vào diễn biến câu chuyện thì có thể hiểu, có lẽ bài học được nhắm tới ở đây là khuyên con người ta đừng có mơ ước viển vông, làm những điều không phù hợp với năng lực của mình, kẻo rồi sẽ thất bại, gặp những kết cục xấu.

Thế nhưng, để nhắm tới bài học đó, có cần xây dựng trên một tình huống với cách cư xử lạnh lùng, ác độc của người lớn – bác gió như vậy? Học sinh sẽ nhận được bài học gì qua cách cư xử ấy?

Không chỉ có bài tập đọc này, mà một số bài tập đọc khác cũng có những chi tiết thể hiện mưu mô, lừa dối, bạo lực. Ví dụ, ở bài “Cua, cò và đàn cá” (trang 115), hình ảnh cò được xây dựng với sự lừa đảo, để “dần dần chén hết đàn cá”. Thế rồi bị cua trừng trị, “giơ gươm, kẹp cổ cò”.

Một giảng viên chia sẻ, không rõ ở bài học này, nên dạy các con học cách lừa dối để ăn tươi nuốt sống kẻ khác của cò, rút kinh nghiệm đừng chất phác cầu cứu kẻ khác mà mất mạng của cá, hay kinh nghiệm đừng tin lời đồn thổi?

Truyện ngụ ngôn, có nên đưa vào Tập đọc?

Một giáo viên cho rằng, ở bậc tiểu học không nên đưa các truyện ngụ ngôn vào các bài học, vì lớp hàm ý triết học sâu xa trong truyện ngụ ngôn, ở bậc tiểu học, học sinh không hiểu được.

Cụ thể, ở bề mặt, các hành vi của ngụ ngôn phần lớn là thủ đoạn, khôn vặt, dùng cái láu lỉnh của dân gian để giải quyết tình huống; ngôn ngữ thì xảo biện/ngụy biện nên tính giáo dục kém. Tâm hồn trẻ thơ không nên bị ảnh hưởng bởi những hành vi từ bài học như vậy.

Trong sách Tiếng Việt 1, bộ sách Cánh Diều, bài tập đọc “Hai con ngựa” phóng tác từ truyện ngụ ngôn của L.Tolstoy.cũng gây nhiều tranh cãi.

Truyện này có ý nghĩa "xui người khác làm bậy thì chính mình phải chịu hậu quả. Nhưng với trẻ em lớp 1, có cần đưa một câu chuyện với nội dung mang tầm triết lý sâu xa như vậy không?

Ngoài ra, việc cố đưa các âm, vần trẻ cần học vào bản phóng tác còn làm dấy lên lo ngại về việc làm méo mó bản gốc, khiến nội dung bị hiểu sai.

Cần xem xét lại nhiều bài tập đọc trong sách Tiếng Việt 1

Nhiều phụ huynh cho rằng, cần phải xem xét lại nội dung, hoặc chỉnh sửa, hoặc loại bỏ một số bài tập đọc trong sách Tiếng Việt 1, Bộ Cánh Diều - bộ sách được nhiều trường lựa chọn. Trẻ nhỏ, tâm hồn các em cần gieo những điều thiện lành, trong trẻo. Những bài tập đọc, ngoài việc để các em nhớ được âm, vần, đạt mục tiêu “đọc thông viết thạo” còn phải để cho các em cảm nhận được cái đẹp của tiếng Việt, yêu Tiếng Việt từ những bài học đầu đời. Và cả cái đẹp trong những nội dung được học. Chứ không phải chỉ cần học chữ, còn nội dung không quan trọng.

Mai Loan

BẢN DESKTOP