Dữ liệu y khoa

Ô nhiễm khiến trẻ mắc nhiều bệnh dị ứng

  • Tác giả : Khánh Thủy
(khoahocdoisong.vn) - Trẻ em là đối tượng nhạy cảm khi thời tiết giao mùa do cơ thể chưa phát triển đầy đủ, sức đề kháng yếu, sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ, độ ẩm, ô nhiễm không khí đã đưa đến cho trẻ những căn bệnh dị ứng khó chịu, điển hình như viêm mũi, viêm xoang, mày đay…

Viêm mũi dị ứng dễ biến chứng

Ô nhiễm môi trường, khói bụi, thuốc lá, thay đổi thời tiết là những nguyên nhân đưa đến viêm mũi dị ứng. Nguy hiểm nhất là sự tấn công của bụi mịn PM2.5 (hạt bụi có kích thước từ 2,5 micron trở xuống). Với kích thước này, bụi có thể dễ dàng xâm nhập sâu vào cơ thể thông qua hệ hô hấp gây viêm mũi dị ứng, viêm mũi, viêm xoang và gặp nhiều nhất ở trẻ nhỏ.

Trẻ em cũng là đối tượng đang chịu tác động nhiều nhất của việc hấp thu khói thuốc thụ động. Theo số liệu mới nhất Bộ Y tế công bố, Việt Nam đang nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Tại hội thảo về thuốc lá do Viện Tiêu chuẩn chất lượng VN tổ chức cuối năm 2019, ước tính đến năm 2025 Việt Nam vẫn có xấp xỉ 18 triệu người hút thuốc. Với số lượng người hút thuốc đông đảo, đang được trẻ hóa thì trẻ em- đối tượng chịu ảnh hưởng của sự hít phải khói thuốc thụ động đã và đang gia tăng căn bệnh liên quan đến hô hấp.

Hiện chưa có số liệu thống kê số trẻ mắc viêm mũi, viêm xoang, viêm mũi dị ứng do ô nhiễm không khí, thay đổi thời tiết nhưng tại các khoa khám bệnh của các bệnh viện, số trẻ mắc bệnh này khá cao. BS Nguyễn Nam, Phòng khám Hồng Sơn Đường cho biết, viêm mũi dị ứng là do phản ứng của cơ thể khi gặp các vật lạ như bụi, khói thuốc,  phấn hoa, lông chó, mèo, bào tử nấm, nhiệt độ, độ ẩm thay đổi. Thông thường, viêm mũi dị ứng xuất hiện ở trẻ có cơ địa dị ứng.

Khi mới mắc bệnh, dịch mũi trong suốt sẽ xảy ra ở mũi trước, ít khi chảy xuống họng, trẻ ngạt mũi từng cơn, có thể tự giảm hoặc hết; trẻ hắt hơi từng cơn dài, người không mỏi, trẻ không đau họng hoặc đau ít, bệnh nặng về sáng, giảm về đêm, bệnh lặp đi lặp lại hàng ngày hoặc hàng tuần. Trẻ viêm mũi dị ứng nhiều khi bố mẹ không để ý, cho rằng trẻ bị cảm lạnh nhưng thực chất, cảm lạnh khiến trẻ chảy nước mũi dịch trong hoặc nhày đặc, trẻ thường xuyên ngạt mũi, ít khi tự hết, trẻ hắt hơi thường xuyên, người đau mỏi, có thể kèm đau họng. Trẻ khó chịu, quấy khóc, bệnh kéo dài cả ngày, nặng vào ban đêm, thời gian bị bệnh từ 5-14 ngày.

Viêm mũi dị ứng nếu không được điều trị dễ biến chứng sang xoang, nguyên nhân do dịch đọng ở niêm mạc mũi dễ gây viêm nhiễm ở xoang mũi, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm họng, viêm thanh quản, viêm tai giữa, hen suyễn rất khó điều trị.

Nhiễm khuẩn sinh bệnh mày đay

Bệnh mày đay là một phát ban gặp ở mọi lứa tuổi, đó là một chuỗi phản ứng phức tạp giải phóng histamin và các hóa chất trung gian gây viêm, có thể thông qua cơ chế miễn dịch hoặc không. Biểu hiện của bệnh là nổi các mảng hồng ban hoặc màu trắng, phù nề, giới hạn rõ. Vị trí các nốt ban xuất hiện trên da, niêm mạc, thanh quản, đường tiêu hóa, ngứa nhiều hay ít thay đổi tùy bệnh nhân. Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh mày đay do nhiễm khuẩn vì sức đề kháng ở trẻ còn yếu, virus, vi khuẩn, các vật thể lạ dễ xâm nhập qua da hoặc đường hô hấp gây bệnh.

Một số trẻ ăn hải sản, các loại hạt, sữa và hoa quả cũng có thể là nguyên nhân gây dị ứng nổi mày đay. Thời điểm giao mùa, trẻ tiếp xúc với phấn hoa, lông động vật, các chất hóa học, bị côn trùng đốt đều dễ dẫn tới mày đay. Một số trẻ do thay đổi thời tiết, bị ốm phải dùng thuốc, đặc biệt có một số loại kháng sinh, thuốc giảm đau, hạ sốt rất dễ khiến trẻ bị dị ứng nổi mày đay.

Theo các bác sĩ, khi trẻ bị dị ứng, nổi mày đay cần xác định và loại bỏ yếu tố gây bệnh để tránh tình trạng bệnh trở nặng hơn. Nên kiêng các thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, trứng, sữa, giảm đường, giảm muối. Đối với trẻ có đường hô hấp nhạy cảm, không nên nuôi vật nuôi trong nhà, nên vệ sinh đồ dùng chăn, ga, gối, đệm, vải bọc thường xuyên, không hút thuốc trong nhà, vào thời điểm giao mùa, khi thời tiết thay đổi, cần giữ cho cơ thể đủ ấm. Trẻ bị dị ứng nói chung nên ăn thực phẩm dễ tiêu hóa, giàu vitamin A, B, C. Nên cho trẻ tắm bằng nước mát, không dùng sữa tắm có chất kích thích mạnh. Trong bất kỳ trường hợp dị ứng nào cũng nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị.

Khánh Thủy

BẢN DESKTOP