Gia đình mới

Nuôi dưỡng thành công tam thai non tháng 33 tuần 5 ngày

  • Tác giả : Thúy Nga
Ba bé trai đã trải qua 43 ngày đầy thử thách tại Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ, nơi mỗi nhịp thở, mỗi cử động đều được nâng niu, vun đắp cho một tương lai khỏe mạnh...

Ngày 24/4, Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ cho biết, bệnh viện đã nuôi dưỡng thành công tam thai non tháng 33 tuần 5 ngày.

Trẻ sinh non với nhiều biến chứng nguy hiểm của suy thai

Giữa những khoảnh khắc kỳ diệu của sự sống, câu chuyện về ba "thiên thần" nhỏ chào đời non tháng tại Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ không chỉ là một ca sinh hiếm gặp mà còn là minh chứng cho sức mạnh của y học hiện đại và sự tận tâm của đội ngũ y bác sĩ nơi đây.

Ba bé trai, con của sản phụ Huỳnh Thị Cẩm T. (30 tuổi, ngụ tại Cái Răng) đã trải qua 43 ngày đầy thử thách tại Khoa Nhi - Sơ sinh, nơi mỗi nhịp thở, mỗi cử động đều được nâng niu, vun đắp cho một tương lai khỏe mạnh.

Cụ thể, vào lúc 16h45’ ngày 11/03/2025, sản phụ T. đã hạ sinh ba bé trai bằng phương pháp mổ lấy thai tại Bệnh viện. Đây là lần mang thai đầu tiên của chị T., một thai kỳ tự nhiên nhập viện trong tình trạng chuyển dạ sinh non ở 33 tuần 5 ngày, kèm theo những biến chứng nguy hiểm của suy thai và tiền sản giật. Ba bé lần lượt chào đời với cân nặng lần lượt là 1440g, 1040g và 1380g.

Ngay lập tức, các bé đã được ê-kíp hồi sức sơ sinh tiếp nhận, chuyển đến phòng Chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh (NICU) thuộc Khoa Nhi – Sơ sinh.

Tại đây, các bé được hỗ trợ hô hấp bằng oxy, truyền dịch, sử dụng kháng sinh để điều trị tình trạng nhiễm trùng, đặc biệt được chăm sóc bằng phương pháp ấp Kangaroo, một phương pháp da kề da mang lại nhiều lợi ích cho trẻ sinh non.

Sau 43 ngày đêm điều trị tích cực dưới sự theo dõi sát sao của đội ngũ y bác sĩ, hai trong số ba bé đã có những tiến triển. Bé trai thứ nhất đạt cân nặng 2440g và bé trai thứ ba đạt 2180g, cả hai đều đã cai được oxy, tự bú tốt và tăng trưởng ổn định.

Ngày 23/4, niềm vui vỡ òa khi hai bé được xuất viện trong vòng tay yêu thương của gia đình. Tuy nhiên, hành trình của bé trai thứ hai vẫn còn tiếp tục. Hiện tại, bé đã tự thở được khí trời nhưng vẫn đang phải đối mặt với tình trạng nhiễm trùng và hạ đường huyết kéo dài do cường insuline bẩm sinh.

Nuôi dưỡng thành công tam thai non tháng 33 tuần 5 ngày.

Nuôi dưỡng thành công tam thai non tháng 33 tuần 5 ngày.

Câu chuyện về ca tam thai non tháng này một lần nữa khẳng định năng lực chuyên môn và tinh thần tận tâm của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ, đặc biệt là sự phối hợp nhịp nhàng giữa hai khoa Sản và Nhi – Sơ sinh. Đây là nguồn động viên to lớn, khẳng định vai trò quan trọng của y học trong việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe bà mẹ trẻ em, đặc biệt là đối với những ca sinh non và nhẹ cân đầy thách thức.

Hy vọng rằng, với sự chăm sóc tận tình, bé trai thứ hai cũng sẽ sớm vượt qua khó khăn và cùng hai anh trai khỏe mạnh trở về bên gia đình.

1 triệu ca tử vong mỗi năm do sinh non

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm ước tính có khoảng 15 triệu trẻ sinh non. Biến chứng sinh non là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi với khoảng 1 triệu ca tử vong mỗi năm.

BS Tạ Việt Cường, PGĐ Trung tâm khám và điều trị, chăm sóc sức khỏe sinh sản Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, một thai kỳ được xem là khỏe mạnh khi sản phụ chuyển dạ sinh ở tuần thai 39-40. Những trường hợp trẻ sinh sau 22 tuần và trước 37 tuần được gọi là sinh non.

Nguy cơ sức khoẻ đối với trẻ sinh non rất cao so với trẻ sinh đủ tháng. Trong mốc thời gian này sinh ở giai đoạn sớm từ 20-30 tuần thì nguy hiểm hơn rất nhiều so với sinh sau 30 tuần, tuổi thai càng cao thì nguy cơ cho em bé càng thấp.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có xấp xỉ 15 triệu trẻ sinh non, chiếm hơn 1/10 tổng số trẻ sơ sinh.

Theo BS.CKI Lê Thị Ngọc Dung, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, dựa vào tuổi thai, trẻ sinh non được mô tả theo 4 mức độ:

Sinh non muộn: Trẻ được sinh ra từ 34 – 36 tuần 6 ngày tuổi thai.

Sinh non trung bình: Trẻ được sinh ra từ 32 – 33 tuần 6 ngày tuổi thai.

Sinh rất non: Trẻ được sinh ra từ 28 – 31 tuần 6 ngày tuổi thai.

Sinh cực non: Trẻ được sinh trước 28 tuần tuổi thai.

BS Cường nhấn mạnh, tai biến sinh non là một trong nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Nếu em bé may mắn cứu được cũng có thể để lại nhiều di chứng về sau do chưa được phát triển hoàn chỉnh trong bụng mẹ về thần kinh, thị giác, thính giác, hệ hô hấp, hệ miễn dịch...

BS.CKI Lê Thị Ngọc Dung cho biết, trẻ sinh non 28 tuần có thể gặp phải nhiều thách thức, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của trẻ trong một khoảng thời gian ngắn hoặc suốt cuộc đời. Các nguy cơ này bao gồm:

Vấn đề về hô hấp: Phổi của trẻ sinh non 28 tuần đã phát triển, bắt đầu sản sinh Surfactant (từ 26 tuần tuổi) nhưng vẫn chưa đủ và chưa thể đảm bảo được các chức năng của phổi. Do đó, nếu không được hỗ trợ kịp thời, trẻ có thể mắc phải hội chứng suy hô hấp, ngưng thở, loạn sản phế quản phổi.

Vấn đề tim mạch: Còn ống động mạch (PDA) và huyết áp thấp là hai vấn đề thường gặp ở trẻ sinh non. Bất thường này có thể dẫn đến suy tim và các bệnh lý về tim mạch khác.

Nguy cơ xuất huyết não (xuất huyết não thất) cao, có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn, bại não.

Khả năng kiểm soát nhiệt độ kém, có thể dẫn đến tình trạng hạ thân nhiệt dẫn đến các vấn đề về hô hấp, rối loạn lượng đường trong máu.

Hệ thống tiêu hóa chưa phát triển đầy đủ khiến trẻ có nguy cơ cao mắc phải các vấn đề như viêm ruột hoại tử (NEC), rối loạn chuyển hóa.

Thiếu máu, vàng da sơ sinh.

Hệ miễn dịch non nớt, nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng cao, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng hô hấp. Nhiễm trùng nặng có thể dẫn đến nhiễm trùng hô hấp nguy hiểm.

Khuyết tật học tập, hành vi và sức khỏe tâm thần chậm phát triển.

Có vấn đề về thị giác, thính giác.

Một số biện pháp dự phòng ngăn ngừa sinh non:

- Khám và sàng lọc tiền hôn nhân cho tất cả các cặp vợ chồng để sớm phát hiện ra các yếu tố nguy cơ.

- Khám và điều trị các bệnh về răng miệng, bệnh đường tiết niệu, nếu có trước và trong khi mang thai.

- Khám phụ khoa định kỳ để phát hiện sớm các bệnh viêm nhiễm âm đạo và điều trị.

- Siêu âm đo chiều dài cổ tử cung từ tuần 16 đến 22 của thai kỳ.

- Khám thai định kỳ đúng hẹn để phát hiện sớm và áp dụng các biện pháp dự phòng các trường hợp nguy cơ sinh non.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP