Dọc đường

Nuôi con ăn học nhờ vào con hến

“Nghề hến không đói mà lo. Cái ruột, cái vỏ, cái tro cũng tiền”. Dù chật vật, vất vả nhưng bao đời nay, những người phụ nữ Quảng Nam vẫn khom mình bên bếp lửa hồng, lận đận theo từng con nước lấy nghề cào hến, đãi hến làm kế sinh nhai nuôi sống cả gia đình.

Vất vả mưu sinh

Mặt trời vừa ló dạng, dưới con sông Trường Giang (xã Tam Phú, TP Tam Kỳ) tiếng máy nổ bành bạch của những chiếc ghe thuyền đua nhau cào hến khuấy vang cả một vùng.

Trên bờ, những người phụ nữ cũng í ới gọi nhau cùng khiêng hến vào, người thì tất bật nấu hến, đãi hến.

con hến

Từ sáng sớm, người dân đã dậy nấu hến để kịp cung ứng cho các đầu mối.

Chị Nguyễn Thị Nga (42 tuổi, trú thôn Tân Phú, xã Tam Phú) nước da đã đen sạm vì những ngày phơi nắng, cùng chồng lênh đênh theo con sóng để tìm cào những mẻ hến tươi ngon nhất.

Chị Nga cho biết, chị không biết nghề cào hến ở làng Tân Phú này có từ khi nào nhưng từ khi chị về làm dâu ở đây đã thấy mọi người sống nhờ vào con hến.

Hiện nay, Tân Phú có hơn một trăm hộ gia đình theo nghề cào, 7 cơ sở trực tiếp sản xuất hến ra thị trường.

Các cơ sở ở đây hoạt động theo hình thức nhỏ lẻ, sử dụng nguyên liệu chính là hến tươi cào dưới sông lên chế biến theo phương thức truyền thống từ lâu đời.

Để theo đuổi được nghề cào hến không phải là chuyện đơn giản, bởi đòi hỏi phải có sức khỏe tốt và biết chịu khó. Người đi cào phải thức dậy đi cào hến từ lúc nửa đêm đến xế chiều mới về.

Nhiều khi phải ngâm nước liên tục nhiều tiếng đồng hồ liền mới cào được hến.

Cào hến còn phụ thuộc vào yếu tố thời tiết và con nước. Khi trời lặng, nước cạn thì cào được sản lượng nhiều chứ nếu trời chuyển và nước sâu thì chẳng được mấy con vì hến rủ nhau trốn sâu dưới cát.

Người cào hến quanh năm dang nắng, ngâm mình dưới nước nên nhiều người dân ở đây dễ mắc các bệnh về xương khớp, cột sống…

Còn những người phụ nữ ở trên bờ cũng vất vả không kém khi phải quần quật cả ngày với việc rửa hến, rồi ngâm hến trong nước khoảng 8-10 tiếng đồng hồ để hến nhả hết cặn bẩn.

Khi hến được người dân cào lên, tới tay các cơ sở thì phải trừng hến xuống sông cho thật sạch rác sau đó đem nấu chín cho hến bung vỏ.

Khi nấu phải để lửa rất lớn, đun đủ “ba sôi, hai trào” rồi khuấy đều, nếu không khuấy thì hến sẽ câm, không nở. Hến sau khi nấu còn nghi ngút khói sẽ được đổ ra thúng, sau đó đem đi rửa lại một lần nữa cho sạch.

Lúc đãi hến, tay phải khuấy thật mạnh để cho ruột còn nằm trong vỏ bung ra.

“Công việc nhìn tuy đơn giản vậy nhưng những người phụ nữ làm nghề này phải chịu khó, cần cù, siêng năng thì mới làm được. Nhiều người trẻ bây giờ thường không thể chịu nóng, đau lưng nên rất ít người theo nghề.

Như bà, làm mới 10 năm mà lưng đã khòm xuống rồi” – bà Nguyễn Thị Trinh (60 tuổi, trú thôn Phú Đông, xã Tam Phú) chia sẻ.

Nuôi uớc mơ từ những con hến

Dẫu cực nhọc, vất vả là vậy nhưng trải qua bao thăng trầm, người dân làng Tân Phú vẫn quanh quẩn với nghề cào hến chỉ mong cho mai sau, con em mình được “đổi đời”.

Chị Kiều Thị Đượm (46 tuổi, trú xã Tam Phú, TP Tam Kỳ) một đời lam lũ. Từ ngày có chồng, hai anh chị phải đi lên từ đôi bàn tay trắng.

Chỉ có được mảnh ruộng là kế sinh nhai nuôi sống cả gia đình thế nhưng nước cạn ruộng khô, mảnh ruộng đành phải bỏ dở, chị theo chị em trong làng đi theo làm đời cào hến để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Những ngày mới vào nghề, chị chưa có sự sành sỏi của một “con buôn”, bị những thương lái lấn lướt. Đôi tay dần chai sạm, chị mệt nhọc muốn từ bỏ.

Nhưng nhìn lại hai đứa con thơ đang tuổi ăn, tuổi học, ước mơ dang dở, nếu dừng lại thì biết làm sao.

Vì vậy, chị đã cố gắng bám trụ với nghề để nuôi tiếp ước mơ cho con khôn lớn, ăn học thành tài và thành công ở một nghề khác, không khổ như chị.

Sau nhiều nỗ lực, tay nghề chị cũng trở nên thành thạo, chị bắt đầu thu mua và đưa hến đi bán khắp các nơi trong địa bàn tỉnh và xuất bán cho thương lái ở khắp các nơi.

Hơn 25 năm trôi qua, giờ đây chị đã có nguồn thu nhập ổn định, nuôi hai đứa con ăn học thành tài. “Trước khổ lắm em ơi. Mình đi lên bằng đôi bàn tay trắng, lại không có tay nghề, không sành sỏi chuyện bán mua.

Nhưng mà chị vẫn cố gắng, chỉ mong cho hai đứa con được ăn học nên người. Bây giờ một đứa học Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, một đứa học cao đẳng y, đứa nào cũng ngoan, chị mừng lắm” – chị Đượm nở một nụ cười thật tươi như tiếp thêm một niềm tươi sáng vào một tương lai không xa.

Không chỉ riêng chị Đượm mà nhiều người phụ nữ khác ở xã Tam Phú cũng tạo tương lai tươi sáng hơn cho con em mình từ con hến.

Bà Trần thị Thúy Nga (62 tuổi, trú thôn Tân Phú, xã Tam Phú), chủ một cơ sở chế biến hến có kinh nghiệm hơn 30 năm cho biết, cơ sở của bà mỗi năm có gần 10 lao động theo làm nghề, trong đó nhiều phụ nữ gia cảnh khó khăn.

Lúc còn trẻ thì còn theo nghề may, nhưng khi hết tuổi lao động thì đều chuyển qua nghề hến để kiếm thêm thu nhập chăm lo cho gia đình.

Trong số ấy có nhiều chị em đã nuôi được cho những đứa con đỗ đậu đại học, ra trường có công việc ổn định.

Như chị Hồ Thị Ly Na (40 tuổi, trú thôn Tân Phú) cũng là một trong số những người dám bám trụ với con hến để nuôi con khôn lớn.

Chị Hồ Thị Ly Na theo nghề hến cũng đã hơn 20 năm nay, nhờ nghề hến mà chị nuôi đưa 3 đứa con ăn học. Một đứa vào đại học, hai đứa con nhỏ đều chăm ngoan, học giỏi.

“Không có điều gì lớn lao hơn là nuôi được những đứa con mình học giỏi, chăm ngoan.

Dù nghề hến có khó khăn, vất vả đến đâu thì mình cũng sẽ cố gắng hết sức để kiếm thêm thu nhập. Mong mai sau con thành tài ở một ngành nghề nào đó đỡ vất vả hơn ba mẹ” – chị Na hi vọng.

Không chỉ nuôi ước mơ cho con ăn học thành tài, nhiều năm nay, nghề làm hến ở xã Tam Phú cũng đã góp phần cải thiện kinh tế cho bà con trong vùng.

Hà Vy (Theo CAND)

BẢN DESKTOP